Kinh doanh rạp phim: Quyền lực trong tay ai?

Thứ ba, 14/03/2017, 15:18
Nếu không gỡ nút thắt bài toán “quyền lực mặt bằng”, những nhà đầu tư hăng máu có ý định kinh doanh rạp phim nên từ bỏ sớm ước mơ của mình!

Vincom Retail (VCR - thuộc Vingroup) vừa chấm dứt hợp đồng với cụm rạp Platinum, hoàn toàn có đủ thế và lực để nhảy vào lĩnh vực kinh doanh rạp phim. Nhưng trong thông tin mới nhất, VCR xác nhận với PV rằng, họ sẽ không tham gia lĩnh vực này. Sự khẳng định này cũng xóa bỏ những hoài nghi của dư luận cho rằng VCR muốn kết thúc hợp đồng với Platinum là để thế chỗ. Vấn đề chính đặt ra là qua sự cố, thêm một lần nữa, giới kinh doanh rạp phim hiểu sâu sắc khuyến cáo: đầu tư trong ngành này không hề dễ dàng.

Platinum bỗng dưng đóng cửa

Platinum là tên một cụm rạp chiếu phim do Multivision Plus (MVP), một hãng sản xuất, phân phối phim từ Indonesia, đã hiện diện ở 13 quốc gia tại Đông Nam Á và châu Á lập nên. Vào hai năm 2012-2013, khi Platinum khai trương 2 cụm rạp tại Nha Trang và Long Biên, họ cũng tiếp tục mở rộng các cụm rạp tại Royal City và Times City (thuộc VCR).

MVP đã ký các hợp đồng thuê mặt bằng với VCR cho thời hạn từ 15-20 năm. Từ năm 2016, khi thấy Platinum hoạt động không hiệu quả như kỳ vọng về chất lượng dịch vụ, VCR đã gửi thông báo đề nghị MVP cải thiện. Tuy nhiên, MVP phản hồi các kế hoạch chung chung, không có chiến lược rõ ràng, cũng như không có động thái triển khai thực tế, đồng thời vẫn tồn đọng trên 1 tỉ đồng tiền chưa thanh toán.

Vì thế, tháng 8.2016, VCR gửi công văn yêu cầu MVP hoàn trả mặt bằng. VCR cũng thông báo hỗ trợ MVP một khoản tiền tương ứng, theo đúng tinh thần của hợp đồng chấm dứt trước hạn mà đôi bên đã thống nhất từ trước. Bà Trần Mai Hoa, Tổng Giám đốc Vincom Retail, khẳng định: “Công ty đã và đang giải quyết vấn đề trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ nghiêm ngặt theo hợp đồng đã ký với MVP”.

Platinum có thể bị thiệt hại lớn nếu phải đóng cửa 3 cụm rạp quan trọng.

Có thể thấy, khi sự cố xảy ra, các bên đều phải gánh chịu những tổn thất không nhỏ. MVP chia sẻ, nếu phải đóng cửa 3 cụm rạp quan trọng Platinum, MVP có thể nghĩ đến phương án khởi kiện, vì doanh thu ở Platinum có thể “bốc hơi” đến 80%. Mất 3 cụm rạp quan trọng, Platinum chỉ còn lại 2 rạp, với số phòng chiếu rơi tuột từ 37 phòng xuống còn 9 phòng.

Ông Sunil Taparia, Giám đốc Tài chính MVP, thừa nhận với báo chí: “Việc đóng cửa này khiến MVP thua lỗ 60-70% khoản đầu tư cho dự án tại Việt Nam”. Trong khi đó, chủ mặt bằng cũng đối mặt với không ít thiệt hại như trả thêm các khoản phí theo quy định, trống thời gian không có người thuê, giảm tiện ích hiện có, tốn công đi tìm các đối tác khác.

Một nhà kinh doanh có tiếng trên thị trường phim khi được hỏi về câu chuyện tranh chấp này đã bày tỏ quan điểm: “Nếu không đạt được hiệu suất khai thác như đề ra, các hãng chiếu phim thường sẽ quyết định rút lui. Cũng vậy, chủ đầu tư vì lý do nào đó, hoàn toàn có quyền hủy hợp đồng. Vì thế, trong các điều khoản ký kết giữa bên thuê và cho thuê, ngoài nội dung giá cả, thời hạn thuê hay những vấn đề về hỗ trợ, đôi bên đều phải tính đến yếu tố rủi ro trả/lấy lại mặt bằng. Ngay từ đầu, trước khi ký kết, cả hai đã dự trù đến phương án sẽ đền bù ở mức giá và tỉ lệ nào nếu chuyện không vui này xảy ra”.

Luật sư Nguyễn Hữu Phước, Công ty Luật Phước & Partners, cho biết: “Đây là vấn đề thương mại, liên quan doanh thu, lợi nhuận trong kinh doanh nên các bên có quyền căn cứ vào những điều khoản đã ký trong hợp đồng để hành xử. Nếu đôi bên tranh chấp đến mức phải đưa nhau ra tòa, thì tòa cũng sẽ căn cứ vào hợp đồng để xét xử. Những vấn đề thuộc về tình nghĩa, thâm tình đối tác lâu năm… sẽ không được tính đến ở đây”.

Trong khi đó, theo luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng tùy thuộc vào nhu cầu các bên trong hợp đồng. Nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến điều kiện được đơn phương chấm dứt hợp đồng ghi nhận tại hợp đồng giữa các bên.

Vụ việc này có thể không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến VCR. Hiện tập đoàn này đã sở hữu hơn 30 trung tâm thương mại lớn, đều là những địa điểm mục tiêu trong chiến lược mở rộng của không ít những nhà kinh doanh rạp chiếu phim. Không riêng Platinum của MVP mà CGV, Lotte, BHD cũng đều đang thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại của VCR. Thực tế, việc tìm kiếm mặt bằng có vị trí đắc địa cho rạp phim ngày càng khó khăn vì phải thỏa mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật về chiều cao, tải trọng... Vì thế, Tổng Giám đốc của  một công ty kinh doanh có thâm niên trong ngành rạp phim đã khẳng định: “Mặt bằng là bài toán khó nhất!”.

Quyền lực mặt bằng

Chuyện của Platinum nhắc nhở một bài học trong việc đàm phán thuê mặt bằng với các chủ đất. Khi đã nghiên cứu, chọn được địa điểm thích hợp, vấn đề căng thẳng tiếp theo của các hãng chiếu phim là đàm phán giá. Theo nghiên cứu của đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE Việt Nam, giá thuê mặt bằng ở Việt Nam thuộc loại đắt đỏ tại Đông Nam Á.

Đặc biệt, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm tại các thành phố lớn như TP.HCM, đã tăng 15% trong năm qua, đắt gấp 3 lần so với bình quân toàn thị trường. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư bất động sản ở Việt Nam cũng chưa nhìn thấy được tầm quan trọng của rạp chiếu phim trong các trung tâm thương mại nên thường chưa tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất. Các nhà kinh doanh cụm rạp thường phải tự xây dựng hệ thống, vì thế, làm đẩy chi phí đầu tư cụm rạp cao hơn 10-20% so với đầu tư rạp tại các nước trong khu vực.

Bài toán kinh doanh do đó trở nên quá áp lực cho các hãng kinh doanh rạp. Nhận định chung của các nhà đầu tư rạp phim cho thấy, phải mất 3-5 năm hoặc thậm chí nhiều hơn nữa, giới đầu tư mới có thể thu hồi được vốn bỏ ra trong lĩnh vực này. Bởi thế, một thời gian dài sau ngày khai trương 2 cụm rạp đầu tiên (năm 2010), BHD mới mở thêm 5 cụm rạp tiếp theo (trong 2 năm 2015, 2016). Trong giai đoạn kế tiếp, BHD công bố dự tính đến năm 2020 mới có thể đạt tới 20 cụm rạp. Trung bình mỗi năm, BHD sẽ mở 4-5 cụm rạp.

Trên thực tế, sự thận trọng này lại trái ngược với chiến lược tấn công ồ ạt của các hãng chiếu phim đến từ Hàn Quốc. Đến thời điểm này, Lotte Cinema đã đạt 29 cụm rạp, gần bằng con số mục tiêu (30 rạp) mà hãng này tự đặt ra đến năm 2020. Sau khi mua lại Megastar, tốc độ phát triển các cụm rạp của CGV ngày càng nhanh. Riêng trong năm 2017, CGV dự kiến mở thêm 10 rạp nữa. Trước mắt, chỉ mới 3 tháng đầu năm, theo các website bán vé trực tuyến, CGV sắp khai trương 8 rạp mới. 5/8 rạp này đều đặt ở những tỉnh thành mới như Trà Vinh, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Rạch Giá, Yên Bái. CGV thuê mặt bằng là những trung tâm thương mại của Vincom.

Theo đánh giá của tạp chí Hollywood Reporter, Việt Nam nằm trong danh sách “thị trường điện ảnh nhiều hơn 100 triệu USD”. Rõ ràng thị trường điện ảnh Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn thực sự “bùng nổ”, với mức tăng trưởng doanh thu bình quân lên đến 20-25%. Với tốc độ tăng trưởng này, dự báo thị trường sẽ còn tăng mạnh về cụm rạp trên cả nước.

Quân bài riêng

Vì mặt bằng trở thành bài toán số 1 của bất kỳ một nhà kinh doanh rạp phim nào nên những nhà đầu tư tên tuổi trong lĩnh vực này đã tìm nhiều hướng khác nhau để ưu tiên giải quyết.  Đầu tiên là hướng đi của CGV. Không khó để thấy, CGV đang là khách hàng quan trọng của Vincom Retail (VCR) khi thuê diện tích sàn ở 7 trung tâm thương mại của Vincom để xây cụm rạp. Nếu tính thêm các rạp sắp mở thì mối quan hệ giữa CGV-VCR ngày càng khăng khít.

CGV còn có thể bành trướng quy mô cụm rạp nhờ vào những hợp tác với trung tâm thương mại Aeon. Ngoài ra, nhìn vào địa điểm của CGV, có thể thấy, CGV cũng đã tích cực làm việc với các đơn vị bán lẻ khác như Big C, Saigon Co.op, cũng như bắt tay với các chủ đầu tư những dự án bất động sản lớn. Các chủ dự án đều kỳ vọng, sự xuất hiện của CGV sẽ góp phần đáng kể cho việc gia tăng giá trị dự án.

Lotte lại không quá lo lắng đến chuyện mặt bằng. Bởi Lotte Cinema dự kiến sẽ gia tăng quy mô dựa trên tốc độ mở rộng số lượng trung tâm thương mại của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam. Dự kiến, đến năm 2020, Lotte sẽ xây dựng 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam và có thể phấn đấu đạt tới 100. Với kế hoạch này, Lotte Cinema có thể đạt bước tăng tốc tương tự. 

Trên thực tế, từ buổi đầu thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua thâu tóm Megastar (năm 2011), sau đó là cải thiện, đầu tư mở rộng các cụm rạp, đến nay, CGV đã giữ ngôi đầu về thị phần, thị trường cũng như độ phủ. Họ còn bày tỏ tham vọng biến Việt Nam trở thành 1 trong 3 thị trường quan trọng nhất của CGV trên toàn cầu.

Có thể thấy, cuộc đua phát triển hệ thống rạp vừa rầm rộ, vừa kín tiếng khi mỗi đơn vị đều có những “quân bài” riêng. Ngoài CGV, câu chuyện phát triển rạp thành công trong thị trường rạp phim tại Việt Nam không thể không nhắc đến Galaxy. Tận dụng kinh nghiệm lâu năm, Galaxy có những bước tiến chắc trong phát triển cụm rạp.

Gần đây nhất, hệ thống rạp Galaxy cũng tiến ra phía Bắc nhằm mở rộng thị phần với việc mở cụm rạp Galaxy Cinema Mipec Long Biên (Hà Nội) đạt chuẩn Hollywood. Galaxy cũng nhanh chóng có mặt tại Đà Nẵng với hệ thống rạp mới của Galaxy với 7 phòng chiếu cả 2D và 3D tối tân cùng công nghệ âm thanh vòm Dobly 7.1 tiêu chuẩn quốc tế. Trong cuộc cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, lợi thế về thương hiệu cũng tạo ra ưu thế cho Galaxy khi thương lượng mặt bằng với nhiều nhà đầu tư bất động sản.

Khảo sát do Công ty Nghiên cứu thị trường W&S mới đây cho thấy 74% khán giả nghĩ ngay đến Galaxy khi có ý định xem phim rạp, cao nhất trong top 5 thương hiệu hệ thống rạp chiếu phim được biết đến và xem nhiều nhất tại TP.HCM. Khảo sát của W&S cũng cho thấy lợi thế của hệ thống rạp Galaxy khi có phòng chiếu tiện nghi và nhiều khuyến mãi rất hấp dẫn giới trẻ.

Trở lại với Platinum. Công ty này đã vào Việt Nam trong thời kỳ ngành kinh doanh phim ảnh sôi động và tăng tốc. Vậy nhưng Platinum lại giậm chân, không thể thực hiện được mục tiêu mở rộng 10 cụm rạp như đã đề ra cho đến năm 2016. Phần nữa lại rơi vào sự cố với VCR. Thị trường phim ảnh đã thấy rõ quyền lực của những ông chủ đất, cũng như sự khốc liệt trong cuộc đua giành địa điểm đặt rạp chiếu. Vậy nơi nào sẽ dành cho Platinum?

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn