Chúng ta sai khi 'cân' chuyện kiếm tiền và cuộc sống của phụ nữ

Thứ hai, 13/03/2017, 08:52
"Tôi sẽ thấy vô lý nếu nghe người xung quanh cho rằng phụ nữ, nhất là nữ doanh nhân, phải cân bằng giữa chuyện kiếm tiền và cuộc sống riêng", CEO Anphabe nói.

Năm 2005, Nguyễn Thị Việt Thanh (Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành Công ty Anphabe) trở thành người Việt Nam đầu tiên đảm nhiệm vị trí Trưởng nhãn hàng cao cấp khu vực châu Á, châu Phi và Trung Đông của Tập đoàn Unilever. Trong 3 năm ở Bangkok, Thái Lan, chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cùng việc… sinh hai con. Đường thăng tiến thênh thang, nhưng chị lại bỏ việc, về Việt Nam khởi nghiệp.

Không được để lộ sự bận rộn

Hẹn với chúng tôi trong một giờ của buổi sáng đầu tuần trước khi tiếp đối tác, chị Thanh Nguyễn chia sẻ rằng quỹ thời gian chật vật, nhưng chị vẫn khéo "che" để đối tác, bạn bè hiếm thấy mình bận rộn.

Phòng làm việc treo nhiều tranh vẽ hoa cỏ, thiên nhiên, những thứ vốn rất... phụ nữ. Chị quảng cáo rằng tất cả tranh đều được chị vẽ vào ban đêm, khi phải nghĩ, phải quyết vấn đề gì đó nhưng... bế tắc.

Là nhà tư vấn hiếm hoi về Thương hiệu nhà tuyển dụng ở cả Việt Nam và khu vực, công ty của Thanh Nguyễn đi tiên phong trong việc đưa hoạt động markerting chuyên nghiệp vào bộ phận nhân sự của các tập đoàn, công ty lớn. Ý tưởng kết hợp 2 bộ phận tréo ngoe này chị bắt đầu từ khi quyết định nghỉ công ty lớn để khởi nghiệp.

“Tôi yêu và có kinh nghiệm làm marketing, được đào tạo từ ngành này. Khi khởi nghiệp làm nhân sự, tôi luôn sợ mình bỏ ngành mình từng làm tốt. Qua quá trình làm việc, tôi thấy các công ty lớn đều có nhu cầu tạo dựng thương hiệu, hình ảnh mình dưới góc độ là nhà tuyển dụng, để thu hút và giữ chân nhân tài.

Nhà tuyển dụng cũng như một sản phẩm. Muốn 'bán' được sản phẩm tốt phải marketing hiệu quả. Các công ty marketing lại ít phục vụ nhu cầu này do họ không hiểu nhiều về lĩnh vực nhân sự đặc thù. Thế là tôi làm”, chị Thanh chia sẻ chuyện làm các dịch vụ thương hiệu nhà tuyển dụng đầu tiên tại Việt Nam.

Chị Thanh Nguyễn khẳng định: Đã quyết tâm khởi nghiệp thì phải xác định 2-3 năm đầu làm việc 24/7 mà không có lương.

Là lĩnh vực mới hoàn toàn ở Việt Nam, nên việc khai phá thị trường này có nhiều thử thách. Bản thân là người thích khám phá cái mới, nhưng khi bắt tay làm, chị bảo mình không biết phải bắt đầu từ đâu, không biết là phải thuyết phục mọi người như thế nào. Rồi tự nhủ cứ leo núi, gặp núi mà hết đường rồi phải leo, leo lên núi mà gặp núi nữa thì đành phải leo tiếp.

"Hồi đầu tiên, gặp 1.000 khách hàng thì chỉ có 1-2 người tiếp mình, trong 1-2 người mình gặp đó còn chưa chắc chịu nghe mình, tin mình. Nhưng rồi mưa dầm thấm lâu.

Giờ gặp 100 khách hàng thì cũng có 20-30 người ngồi lại với tôi. Nếu ngày xưa 20 người tôi gặp có hơn 19 người từ chối, nay thì những người này họ đồng ý hợp tác rồi", chị chia sẻ.

Kể câu chuyện khởi nghiệp chông chênh, chị bảo 2 năm đầu mình làm việc 24/24 và không có đồng lương nào. Tiền đâu để duy trì hoạt đồng là điều làm chị mất ngủ nhiều đêm.

Nhưng bây giờ khi đã qua giai đoạn khởi nghiệp, bắt đầu định hình hoạt động đủ để phát triển, CEO này cho những trải nghiệm ban đầu mang lại vốn với người khởi nghiệp nhiều hơn là tiền bạc. Đó là vốn về kinh nghiệm, kiến thức, sự từng trải, về những mối quan hệ và cả vốn của sự thất bại. Tiền với người khởi nghiệp phải được coi là sau cùng.

Trong 3 năm đầu khởi nghiệp của chị, những vốn khác ngoài tiền hỗ trợ rất nhiều. Cũng vì vậy mà đến năm thứ 3, Anphabe đã được Recruit Holdings - một tập đoàn nhân sự lớn của Nhật rót vốn đầu tư.

Cơ hội bất ngờ từ sự nhiệt tình, tiết kiệm

Chị kể việc được đầu tư là hoàn toàn bất ngờ, bởi hai bên gặp nhau không bắt đầu từ chuyện đi tìm vốn và cơ hội làm ăn.

Năm 2011, Recruit Holdings có ý định đầu tư vào Việt Nam. Trong quá trình tìm kiếm thông tin, thành viên của quỹ này có tham gia mạng cộng đồng Anphabe.com để kết nối thêm các mối quan hệ.

Khi đó, người đại diện của tập đoàn liên hệ với chị, vì thấy ấn tượng với chức danh chị trên Anphabe là “Chief Opportunity Connector” (Người kết nối cơ hội). Người này nhờ chị giới thiệu với những doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực ẩm thực và bất động sản.

Thấy việc này đúng với sở trường thích kết nối của mình nên chị đã giúp nhiệt tình trong hơn một năm mà không đòi hỏi chi phí gì.

Bỗng một ngày, người đại diện này trong chuyến công tác đến Việt Nam cho chị biết ông đã thuyết phục Recruit Holdings đầu tư thêm vào ngành nhân sự, cụ thể là đầu tư vào Anphabe. Món quà bất ngờ làm Thanh Nguyễn lo lắng, bởi lúc đó công ty mới hai tuổi và chiến lược phát triển chưa rõ nét.

“Người Nhật trước khi nhìn vào ý tưởng kinh doanh thì họ chọn con người. Tôi cho là mình may mắn được chọn vì sự nhiệt tình, tính chuyên nghiệp và đam mê kết nối. Cả sự chỉn chu, tiết kiệm của tôi cũng là tiêu chí được đánh giá”, Thanh Nguyễn nói.

Theo Thanh Nguyễn, rất khó để phân định rạch ròi giữa gia đình và chuyện kiếm tiền. Chị luôn tích trữ năng lượng hợp lý để làm rất nhiều thứ một cách khoa học.

Câu chuyện khiến chị nhớ mãi là khi các lãnh đạo Recruit Holdings đến Việt Nam bàn chuyện đầu tư. Doanh nghiệp chị với một văn phòng chật chội tại quận 4, CEO ngồi ở chiếc ghế nhỏ xíu giữa các ông chủ tập đoàn lớn nghe... cơ hội. Đến khi đi ăn trưa, chị đóng cửa phòng và tắt điện.

Thấy các đối tác ngạc nhiên, chị bảo chị phải tiết kiệm, phải chỉn chu mọi thứ, nhất là trong giai đoạn startup này.

Lời giải thích rất “hiển nhiên” của một người khởi nghiệp trẻ không ngờ củng cố niềm tin quyết định đầu tư của các ông chủ ở xứ hoa anh đào. Họ nói họ tin sự thành công, bền vững ở một người chỉn chu và nhiệt tình, làm việc hết sức như chị.

“Các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay hay đặt nặng vấn đề vốn rồi kêu gọi vốn ra sao mà chưa nghĩ đến điều rất quan trọng là vốn kinh nghiệm, vốn quan hệ.

Tất nhiên, không có tiền thì không thể làm ăn. Nhưng kinh nghiệm, các mối quan hệ để bạn nói mà người khác tin, vốn về khả năng chịu đựng, nghĩa là nếu lỡ có thất bại thì bạn phải đủ sức vượt qua, đi tiếp là rất quan trọng”, Thanh Nguyễn nói.

Đừng đo chuyện kiếm tiền và cuộc sống riêng

Hỏi chuyện cân bằng giữa công việc với cuộc sống gia đình, chị bảo chị không nghĩ có thể đặt lên bàn cân một bên là công việc và một bên là các hoạt động khác để tìm điểm cân bằng. Điều đó là sai, vì rất khó để phân định bằng một đường gạch ở giữa rạch ròi chuyện này với một phụ nữ, nhất là doanh nhân. Cuộc sống riêng và công việc phải luôn gắn kết nhau không thể tách bạch được.

Chị vốn là người có cá tính mạnh và yêu thích hoạt động, nên cân bằng không phải là giảm làm việc tăng nghỉ ngơi, mà là được làm tất cả những gì mình thích một cách khoa học.

Muốn có một cuộc sống phong phú, hoặc để đương đầu với những khó khăn, bí quyết của chị là cần rất nhiều năng lượng để lên kế hoạch cho những công việc quan trọng và thực hiện nó một cách hiệu quả nhất.

Để giữ cho mình năng lượng làm việc, Thanh Nguyễn khẳng định chị không sa đà vào những câu chuyện gây tranh cãi của mạng xã hội.

"Thay vì làm ít, tôi làm rất nhiều thứ. Ngoài say mê công việc, tôi còn thích cắm hoa, nấu ăn, đi chơi, đọc sách, chia sẻ với bạn bè những giá trị cuộc sống, niềm tin trong tương lai.

Những điều này giúp tôi tích trữ năng lượng vì khiến mình vui vẻ, quan trọng là luôn luôn có một bầu năng lượng to và không được hao phí", chị nói.

Còn nghĩ chuyện kiếm tiền và nổi tiếng: Đừng khởi nghiệp

Chia sẻ chuyện khởi nghiệp, chị Thanh Nguyễn khẳng định nếu không có đam mê, còn ảo tưởng kiếm tiền và sự nổi tiếng thì không nên khởi nghiệp.

CEO này cho rằng nếu khởi nghiệp mà không biết giá trị mang lại là gì, hoặc khởi nghiệp vì điều gì thì rất dễ rơi vào bẫy “ảo tưởng”. Chị cũng từng vì ảo tưởng khởi nghiệp sẽ cho mình tự do, giàu có, danh tiếng, và đã thất bại.

Thực tế, Thanh có tới 3 lần khởi nghiệp. Lần đầu là mở 2 tiệm hoa thời sinh viên và đóng cửa sau 6 tháng vì hết vốn.

Lần thứ 2 cách đây 8 năm với một startup có tiếng nhưng sau 3 năm phải dừng lại, vì những người sáng lập không có tiếng nói chung. May mắn là doanh nghiệp thứ 3 đã bước qua giai đoạn khởi nghiệp và đang hành trình chinh phục những điều mới.

So với lứa 8X của mình, Thanh Nguyễn cho rằng các bạn trẻ khởi nghiệp bây giờ có lợi thế hơn.

Thứ nhất là hiện nay thông tin rất mở, muốn tìm hiểu bất kỳ mô hình kinh doanh nào cũng có những phân tích của các chuyên gia hàng đầu. Muốn tìm cộng sự cũng dễ hơn ngày xưa nhiều, kêu gọi vốn cũng dễ dàng hơn...

Nhưng lợi thế đó đang tạo ra cho các người trẻ nhiều rào cản, và cũng nhiều ảo tưởng.

Chị ví dụ, lứa tuổi đầu 8X khởi nghiệp sẽ nhìn vào những tấm gương có khoảng thời gian phấn đấu vất vả rất dài, có khi cả đời người, để trưởng thành. Còn các bạn trẻ hiện nay đang nhìn vào những tấm gương khởi nghiệp đôi khi chỉ là một ý tưởng rồi mang ra bán, trở thành triệu phú, tỷ phú chỉ sau một đêm chứ không phải bằng hành trình phấn đấu vững chắc.

“Mạng xã hội bóp méo sự thật ghê gớm lắm. Chúng ta chỉ nhìn được bề nổi của thành công, khiến các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp họ nghĩ: khởi nghiệp dễ quá, thành công nhanh quá. Sức hấp dẫn này khiến người ta lao vào mà chưa có sự chuẩn bị kỹ về kỹ năng, kinh nghiệm, vốn, kiến thức và cả vốn thất bại”, Thanh nói.

Khó khăn thứ 2 là vì mọi thứ nó rất sẵn. Tìm kiếm thứ gì cũng được nên tạo cho người trẻ lười suy nghĩ, lười tự thân vận động. Họ thấy người ta làm như thế và làm theo hoặc na ná, và nghĩ sẽ thành công.

Theo chị, người khởi nghiệp phải hiểu mình đang giải quyết nhu cầu nào, cái mình làm có giải quyết được đúng nhu cầu của người tiêu dùng hay không.

Chị chia sẻ gần đây đọc nhiều thông tin thấy các bạn trẻ khởi nghiệp khi được đầu tư số vốn nào đó thì họ nghĩ ngay đến việc decor văn phòng đẹp, trả lương cao để thu hút các bạn cool.

"Văn phòng đẹp, vốn dồi dào là những điều ngày xưa chúng tôi đi khởi nghiệp mơ ước, nhưng điều này sẽ không giải quyết vấn đề gì cả. Không phải văn phòng đẹp sẽ giúp bạn nghĩ ra những ý tưởng tốt, giải quyết nỗi đau của người tiêu dùng. Đó không phải yếu tố quan trọng nhất để khởi nghiệp", chị chia sẻ.

Với CEO này, người khởi nghiệp đúng nghĩa thì 3 năm đầu đừng nghĩ kiếm nhiều tiền. Đôi khi chỉ cần mang một tí lương về, đi ăn một bữa cơm ngon thì đã là điều suy nghĩ.

"Đôi khi tôi mơ ước trên đầu có một anh sếp để ảnh quyết định chuyện làm ăn, bởi mình quyết định đồng nghĩa với việc chịu trách nhiệm sự sống còn của doanh nghiệp.

Mình sợ sai. Quyết sai một lần có thể đi tong toàn bộ số tiền mà mình và các cộng sự vất vả góp vào", chị nói.

"Kinh nghiệm cho thấy mình giàu có đến đâu phụ thuộc vào giá trị tạo ra cho xã hội. Khởi nghiệp là một trong những cách làm giàu nhưng là cách khó khăn và rất nhiều rủi ro. Nếu sẵn sàng làm việc không lương trong 2 năm đầu tiên thì lúc đó hãy tính tới việc khởi nghiệp".

Theo Zing

Các tin cũ hơn