Chiều 10/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có văn bản yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra, làm rõ thông tin Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) sai phạm, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trước ngày 30/3.
Tối cùng ngày, trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) Lương Quang Khải cho hay Vicem sẵn sàng giải trình, báo cáo đầy đủ về việc này.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) Lương Quang Khải. Ảnh: Hoàng Hưng. |
“Tôi đã yêu cầu các bộ phận chuẩn bị câu trả lời cho việc này từ trước Tết. Thật ra cũng không nên đôi co mà nên cùng với Thanh tra Bộ Xây dựng tổ chức một buổi trao đổi thông tin. Thực sự tôi nghĩ nó không đến mức như báo chí đưa tin. Đọc qua kết luận thanh tra tôi thấy chả vấn đề gì", ông Khải nói.
"Công bằng mà nói, tôi thừa nhận có những cái phải rút kinh nghiệm, nhưng kết luận trên chưa diễn tả hết cái nào là ý thức, cái nào là thất thoát, cái nào là không".
"Từ năm ngoái, khi Tranh tra Bộ Xây dựng vào cuộc, chúng tôi đã có báo cáo rồi. Thanh tra Bộ cũng đã tổ chức họp báo thông báo chuyện đó. Chúng tôi cũng đã đánh giá, xem xét lại mọi chuyện xảy ra ở các đơn vị. Tới đây, tôi sẽ đề nghị thanh tra Bộ giải thích rõ lần nữa. Chúng tôi cũng sẽ làm rõ mọi chuyện chứ không né tránh”, ông Khải nói.
- Theo Kết luận số 402 (ngày 14/10/2016) của Thanh tra Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm 31/12/2015, số công nợ phải thu của 20 công ty trực thuộc Vicem vẫn còn hơn 937 tỷ đồng. Thực hư chuyện này ra sao thưa ông?
- Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chúng tôi không phải là một công ty đơn lẻ, chưa kể các công ty trên gia công bên nọ, bên kia nên phải vay phải nợ. Khi nào bán được sản phẩm thì họ trả tiền. Do vậy, nếu cộng giá trị tạm thời trong hoạt động của các bên thì nó lên tới mấy trăm tỷ, nhưng số tiền đó đâu phải bị mất.
Nếu kết luận như trên thì chưa phản ánh hết chuyện đó. Nếu cho rằng đó là sai phạm lớn hay thế nọ thế kia thì chắc là Bộ Xây dựng đã không để yên. Tôi cho rằng kết luận thanh tra trên có ý nghĩa nhắc nhở các đơn vị làm cho tốt và nói về các năm trước chứ vài năm trở lại đây, chúng tôi đều có lãi.
- Phải chăng người đại diện phần vốn của tổng công ty từ năm 2014 trở về trước tại Công ty cổ phần Vicem thương mại Xi măng thiếu kiên quyết trong quản lý, điều hành đã để phát sinh nhiều khoản công nợ phải thu, trong đó các khoản công nợ đã đến hạn và khó đòi là hơn 36 tỷ đồng?
- Cái đó dưới góc nhìn khác nhau thì sẽ khác nhau. Đã gọi là kinh doanh thì phải có nợ có chịu. Tương tự ngành ngân hàng cũng có nợ xấu, nợ khó đòi, nhưng quan trọng là tỷ lệ bao nhiêu và vai trò, trách nhiệm của từng người thế nào, trích dự phòng ra sao.
Tôi xin khẳng định số 36 tỷ đồng nêu trên hoàn toàn xong trích lập dự phòng rồi và đến bây giờ chưa thể nói là mất hết được. Có những cái sẽ đưa ra tòa hoặc có trọng tài…
Thế nhưng Thanh tra Bộ nhắc mình chỗ đó phải làm rốt ráo lên rồi phải kiểm điểm trách nhiệm xem đội ngũ cán bộ ở đó có gì vi phạm không hay doanh nghiệp có giải pháp gì không thôi.
Tôi lấy ví dụ mỗi năm công ty kinh doanh hơn 1 triệu tấn xi măng, thu về hơn 1.500 tỷ đồng. Trong vòng 4-5 năm, doanh nghiệp có nợ xấu khoảng 40 tỷ đồng chẳng hạn thì tỷ lệ nợ xấu trên doanh thu có đáng kể hay không?
- Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai còn 23 khoản nợ phải thu đã quá hạn?
Tính đến thời điểm 31/12/2015, số công nợ phải thu của 20 công ty trực thuộc Vicem vẫn còn hơn 937 tỷ đồng. Ảnh: Diễn Đàn Doanh Nghiệp. |
- Hoàng Mai trước đây nợ thuế, cổ đông chưa trả, nhưng lúc đó chưa quyết toán thuế của năm. Đến cuối năm họ quyết toán thuế xong và một vài cổ đông đến giờ thậm chí còn không đến nhận hoặc danh sách không có.
Chúng tôi đã họp và xác định với những cổ đông như vậy, công ty sẽ ra thông báo, sau bao nhiêu ngày không có thì sẽ xử lý thế nào chứ không phải họ trốn nợ gì cả.
- Theo Thanh tra Bộ, nhiều công ty thuộc Vicem không hoàn thành chỉ tiêu về lợi nhuận nhưng vẫn trả thù lao cho hội đồng quản trị, ban kiểm soát. Thậm chí có năm Vicem thua lỗ nghìn tỷ. Ông nói sao về chuyện này?
- Mấy công ty Thanh tra Bộ nêu (Công ty vận tải Hải Phòng, Công ty vận tải Hoàng Thạch, Công ty bao bì Hoàng Thạch – PV) vài năm trở lại đây đều có lợi nhuận, nhưng những năm trước họ gặp khó khăn nên tài chính bị âm. Hai năm qua, tất cả các đơn vị trong tổng công ty đều đã đi lên, đều có lợi nhuận. Do đó không nên chỉ nhìn về quá khứ.
- Công ty mẹ có vi phạm nghiêm trọng trong tăng vốn điều lệ khi chưa có quyết định của Bộ Xây dựng?
- Đâu có? Với công ty Nhà nước, muốn tăng vốn hay giảm vốn không có chui lủi mà chui lủi làm gì? Không có chuyện đó. Thật ra những cái đó đến giờ Nhà nước, Bộ Xây dựng kiểm soát chặt.
- Theo kế hoạch, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) phải cổ phần hóa trong quý IV/2016. Tuy nhiên, cho tới quý I/2017, Vicem vẫn chưa hoàn thành kế hoạch.
- Đúng vậy. Theo lộ trình đáng lẽ năm ngoái là phải xong. Về phía Tổng công ty thì không có vấn đề gì. Từ tháng 3 năm ngoái chúng tôi đã xác định xong giá trị doanh nghiệp, đã gửi đúng tiến độ.
Nhưng theo chủ trương của Chính phủ, Vicem phải tái cơ cấu đi đôi với cổ phần hóa 2 đơn vị thua lỗ, yếu kém là Xi măng Hạ Long (từ Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí) và Xi măng Sông Thao (từ HUD, Lilama) và đưa nó đi lên. Chính việc đó làm lùi tiến độ cổ phần hóa của Vicem lại.
Dự kiến trong tháng này chúng tôi sẽ xác định lại giá trị doanh nghiệp và thực hiện cổ phần hóa.
Theo báo cáo của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, trong 2 năm (2015 – 2016), số người quản lý tổng công ty là 13.
Mức thu nhập bình quân của mỗi sếp Vicem năm 2015 là 47,66 triệu đồng/tháng, năm 2016 dự kiến là 44,66 triệu đồng/người/tháng. Quỹ tiền thưởng dành cho các sếp thuộc doanh nghiệp này trong năm qua là 500 triệu đồng.
Như vậy mỗi sếp Vicem nhận tối thiểu 572 triệu đồng/năm trong khi đó người lao động của đơn vị này nhận mức thu nhập bình quân 26,2 triệu đồng/người/tháng vào năm 2015 và dự kiến là 25,67 triệu đồng/người/tháng vào năm 2016.
Theo Zing