10 ngân hàng đã 'bơm' gần 2,7 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế

Thứ bảy, 11/03/2017, 09:28
Tính đến hết năm 2016, dư nợ cho vay tại 10 ngân hàng niêm yết đã xấp xỉ 2,7 triệu tỷ đồng, đồng thời, 10 ngân hàng này cũng huy động từ nền kinh tế khoảng 3,03 triệu tỷ.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2016 của 10 ngân hàng niêm yết, tính tới hết năm 2016, tổng cộng 10 ngân hàng đã “bơm” vào nền kinh tế gần 2,7 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay, tăng gần 20% so với chỉ số năm trước.

Trong đó, BIDV là ngân hàng cho vay nhiều nhất với hơn dư nợ đạt 723.697 tỷ đồng và NCB là ngân hàng có dư nợ vay "khiêm tốn" nhất với vỏn vẹn 25.352 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính đến ngày 31/12/2016, 10 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã huy động tổng cộng hơn 3,03 triệu tỷ đồng từ dân cư, tăng 21% so với chỉ số năm 2015.

10 ngân hàng niêm yết sở hữu mức tổng dư nợ cho vay gần 2,7 triệu tỷ đồng, và huy động 3,03 triệu tỷ đồng từ nền kinh tế. Đồ họa: Quang Thắng.

Ngân hàng ghi nhận mức huy động vốn từ dân cư cao nhất cũng chính là BIDV với hơn 726.185 tỷ đồng, tăng tới 29% so với giai đoạn đầu năm. Năm 2016 cũng ghi nhận tổng tài sản của ngân hàng này lên cao kỷ lục đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, cao nhất trong khối ngân hàng thương mại.

Như vậy,10 ngân hàng niêm yết đang sở hữu khoản tiền dự trữ, đầu tư ngoài lên tới 330.000 tỷ đồng.

Về tính hiệu quả cho vay trong năm 2016, tổng cộng 10 ngân hàng đã thu về 236.594 tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động cho vay trong năm qua, tăng 21% so với năm 2015. Đồng thời nhóm ngân hàng này cũng phải trích 141.056 tỷ đồng để chi trả tiền lãi huy động, tăng 26%.

Nhờ sở hữu khối lượng dư nợ cho vay lớn nhất nên BIDV chính là ngân hàng thu được nhiều tiền lãi từ cho vay nhất, lên tới 62.957 tỷ đồng, tăng tới gần 14.000 tỷ đồng so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu xét theo tỷ lệ tiền lãi thu được trên tổng số tiền cho vay thì NCB mới là ngân hàng có hiệu quả cho vay tốt nhất.

Cụ thể, chỉ với hơn 25.352 tỷ đồng dư nợ cho vay, năm 2016, NCB đã thu về 3.561 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tiền lãi trên dư nợ cho vay lên tới 14%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của 10 ngân hàng là 8,8%. Lần lượt những cái tên xếp sau là MBBank với tỷ lệ 10,3% và ACB với tỷ lệ 10%…

Việc tỷ lệ tiền lãi trên tổng dư nợ cho vay cao cũng phản ánh đúng mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện nay.

Những ngân hàng cỡ nhỏ và vừa buộc phải đưa ra mức lãi suất huy động cạnh tranh hơn so với những ngân hàng lớn mới có thể thu hút được nguồn tiền gửi. Điều này khiến cho lãi suất cho vay của các ngân hàng cỡ nhỏ và vừa thường cao hơn so với những ngân hàng cỡ lớn.

Kết quả thu nhập lãi thuần của 10 ngân hàng niêm yết năm 2016. Đồ họa: Quang Thắng.

Tuy nhiên, nếu trừ đi khoản tiền lãi mà các ngân hàng phải trả cho khách hàng trong năm 2016 thì MBBank mới là ngân hàng sở hữu tỷ thu lãi từ cho vay ấn tượng.

Cụ thể, MBBank đạt 7.979 tỷ đồng thu nhập lãi thuần (lãi cho vay trừ lãi phải trả), tăng 9% so với năm trước.

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên cho vay của MBBank lên tới 5,3%, đứng đầu 10 ngân hàng niêm yết (tỷ lệ trung bình là 3,55%). Ngân hàng có tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên dư nợ cho vay thấp nhất chính là BIDV khi chỉ đạt 3,28%.

Nguyên nhân BIDV sở hữu khoản tiền lãi khổng lồ nhưng tỷ lệ hiệu quả cho vay lại thấp là khoản lãi phải trả của ngân hàng cũng ở mức rất cao lên tới 39.219 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với năm 2015.

Năm 2016, nhóm 10 ngân hàng niêm yết đã thu về tổng cộng hơn 23.000 tỷ đồng lãi ròng sau thuế, trong đó BIDV là ngân hàng dẫn đầu mức lãi ròng với 6.848 tỷ đồng thu về, hơn ngân hàng xếp sau là Vietcombank với 6.845 tỷ đồng lãi ròng. NCB là ngân hàng có mức lãi ròng thấp nhất chỉ vỏn vẹn 13 tỷ đồng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn