Cuối tháng 2 vừa qua, Cục Thuế tỉnh Phú Yên đã ra quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với Công ty cổ phần Thuận Thảo (MCK: GTT), nguyên nhân xuất phát từ việc công ty nợ thuế và chậm nộp thuế quá hạn 90 ngày. Tính đến cuối năm 2016, số tiền quá hạn nộp thuế bắt buộc phải cưỡng chế là 116,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện cho “đại gia Phú Yên” tiếp tục hoạt động để thu hồi vốn và công nợ, Cục Thuế mới đây đã chấp nhận cho công ty sử dụng hóa đơn lẻ khi có đề nghị và cam kết nộp ngay tiền thuế bằng 18% doanh thu trên hóa đơn.
Đây không phải là lần đầu tiên Thuận Thảo rơi vào vòng xoáy khó khăn trong việc xử lý nợ, bởi trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 cũng ghi nhận khoản nợ vay tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Tài lên đến 624,7 tỷ đồng. Trong đó, 371 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn nhưng nhiều khả năng không thể thanh toán đúng hạn.
Trước sức ép từ phía ngân hàng nhiều lần đề nghị thanh toán hoặc có phương án bàn giao tài sản để xử lý nợ, tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào tháng 9/2016, công ty ra quyết định phối hợp với ngân hàng để chuyển nhượng các tài sản đã thế chấp, đồng thời đề nghị cho phép công ty tự tìm nhà đầu tư thanh lý tài sản với giá cao hơn. Theo đó, tài sản thế chấp vay nợ và thuê tài chính của Thuận Thảo gồm nhiều công trình đắt giá như khách sạn 5 sao CenDenluxe, khu du lịch Thuận Thảo Land, nhà hát Sao Mai, bến xe chất lượng cao…
Giải trình về nguyên nhân dẫn đến “bước đường cùng”, ban lãnh đạo công ty cho biết, đây là hành động bắt buộc trong hoàn cảnh hiện tại do công ty đang trong tình trạng tồn đọng nợ đã diễn ra liên tiếp trong nhiều quý. Nguồn vốn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì không thu hồi được nợ từ đối tác liên quan ở những năm trước. Hiện, công ty lại không còn vốn lưu động để sản xuất khiến tình hình tài chính mất cân đối, chi phí phạt chậm nộp thuế và lãi vay phát sinh không ngừng. Ước tính chỉ riêng khoản lãi vay ngân hàng trong năm qua là 457 tỷ đồng, tăng gần 70 tỷ so với năm trước.
Khách sạn 5 sao duy nhất Phú Yên có thể bị chuyển nhượng để trả nợ vay ngân hàng |
Dấu hiệu tụt dốc của Thuận Thảo xuất hiện từ khoảng năm 2009, sau khi chuyển từ mô hình doanh nghiệp vận tải lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn và tiếp đến là công ty cổ phần. Đây cũng là giai đoạn hoàng kim khi vốn điều lệ tăng “thần tốc” để mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới như dịch vụ lữ hành, chăm sóc sắc đẹp, sản xuất nước uống tinh khiết…
Đặc biệt, mảng bất động sản và nghỉ dưỡng được công ty nổi tiếng bậc nhất miền Trung thời điểm đó chú trọng và kỳ vọng sẽ mang về lợi nhuận khổng lồ khi hoàn thành. Nhờ lợi thế sở hữu quỹ đất 337.000 m2 nằm ngay trung tâm thành phố Tuy Hòa, cộng với việc sáp nhập cùng lúc hai công ty hoạt động trong lĩnh vực địa ốc và du lịch nên Thuận Thảo nhanh chóng triển khai hàng loạt dự án lớn với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng chính quyết định mạo hiểm này đã khiến Thuận Thảo sa lầy.
Điển hình trong số những dự án từng được Thuận Thảo "ôm mộng" lãi trăm tỷ là khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất của Phú Yên hiện nay. Công trình gồm 218 phòng ngủ hạng sang, kèm nhiều công trình phụ trợ như hồ bơi, phòng họp hiện đại… được đánh giá là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn và kéo tỷ suất lợi nhuận của công ty trong giai đoạn xây dựng xuống mức rất thấp.
Ngoài ra, khu Resort & Spa Golden Beach có tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, trên diện tích 10 ha cũng từng được đánh giá rất tốt về tiềm năng phát triển và dự báo đóng góp lớn cho doanh thu công ty. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành giai đoạn đầu vào năm 2008 và tiếp tục khởi công giai đoạn 2 từ năm 2010 thì đến nay công trình này vẫn còn dang dở. Hoặc như dự án khu du lịch sinh thái Thuận Thảo liên tục được đầu tư mở rộng nhằm cạnh tranh với các khu vui chơi giải trí trên cả nước, nhưng lượng khách tham quan rất khiêm tốn.
Sau gần 8 năm hoạt động trong lĩnh vực này, bà Võ Thị Thanh (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Thuận Thảo) cho biết, công ty đang tìm nhà đầu tư, hợp tác liên doanh hoặc liên kết để huy động nguồn vốn tiến hành tiếp những hạng mục tiếp theo của dự án.
Đồng thời, bà cũng thừa nhận dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng đầu tư với tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương, cộng thêm lượng khách ngoài tỉnh hạn chế do sản phẩm du lịch và các dự án đầu tư vào Phú Yên còn chậm, dẫn đến hiệu quả khai thác không như mong muốn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, sau khi giải thể chi nhánh vận tải tại TP HCM và Quy Nhơn để giảm áp lực về tài chính do hoạt động sa sút thì công ty vẫn kiên định phát triển mảng kinh doanh này.
Năm 2016, tổng doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 96 tỷ đồng. Con số này giảm hơn phân nửa so với năm trước và nối dài chuỗi 6 năm liền sụt giảm doanh thu. Trong đó, ước tính dịch vụ du lịch và nhà hàng, khách sạn chiếm tỷ lệ khoảng 28%; dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa và taxi đóng góp khoảng 55% doanh thu nhưng theo đà đi xuống do khả năng cạnh tranh kém dần.
Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 248,7 tỷ đồng. Tuy cải thiện hơn năm trước nhưng vẫn kém xa mục tiêu lãi 0,9 tỷ đồng đặt ra trước đó. Lỗ sau thuế chưa phân phối là 870 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài và lên đến đỉnh điểm vào đầu năm qua đã khiến cổ phiếu của công ty bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM hủy niêm yết, chuyển sang giao dịch trên sàn UPCOM.
Theo VNE