|
Cư dân chung cư Tràng An Complex tố chủ đầu tư “ăn gian” lối đi chung để làm sân riêng |
Nói một đằng, làm một nẻo
Mới đây, hàng chục hộ dân vừa dọn về chung cư Tràng An Complex ở số 1 Phùng Chí Kiên, Q.Cầu Giấy, Hà Nội của Công ty CP đầu tư dầu khí Toàn Cầu (GP Invest) quá bức xúc phải làm đơn tố cáo chủ đầu tư gửi Chính phủ, UBND TP.Hà Nội và nhiều bộ, ngành khác.
Theo đơn tố cáo, chủ đầu tư GP Invest đã tự ý lấn chiếm đường nội bộ của dự án để làm cổng và hàng rào bao sân riêng cho 7 căn liền kề. Chưa hết, GP Invest cũng bị cư dân tố bịt lối vào sảnh chờ thang máy tầng 1 tại các tòa CT1, CT2A, CT2B và chiếm dụng lối vào các sảnh này để cho thuê làm thương mại.
“Chủ đầu tư đã không tuân thủ theo đúng quyết định giao đất của UBND TP.Hà Nội, chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, chấp thuận đề xuất điều chỉnh của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng Hà Nội, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công đã được phê duyệt cũng như hợp đồng mua bán đã ký với khách hàng. Từ việc lấn chiếm diện tích chung để làm sân riêng cho khu nhà liền kề đến chuyện tự ý xây tường ngăn khu sảnh chờ thang máy tại tầng 1 các tòa nhà nói trên để cho thuê làm siêu thị mà không được sự đồng ý của cư dân là bội tín. Khi bán nhà, họ không hề nói rõ như vậy, thông tin mập mờ, nay thấy có thể tận dụng khai thác nên đã bất tín với khách hàng, buộc chúng tôi phải lên tiếng”, anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ một căn hộ trên tầng 22 chung cư Tràng An Complex cho biết.
Cũng theo anh Tuấn, nhiều cư dân hiện đang rất bức xúc bởi số tiền bỏ ra mua căn hộ lên đến vài tỉ đồng, không thể đòi lại nhưng nếu ở thì chất lượng không tương xứng, bị chủ đầu tư xà xẻo.
Một số hộ dân ở chung cư Tràng An Complex còn bày tỏ sự thất vọng khi dự án được chủ đầu tư gọi là cao cấp, nhưng ngay từ khi mới vào ở đã có nhiều bất cập như thi công ẩu không làm vệ sinh sạch khi lát sàn gỗ, nước tràn lênh láng nhiều tầng do chất lượng hệ thống nước kém, bể phốt bị rò rỉ bốc mùi hôi thối, trụ lan can ở ban công được dán băng keo thay vì bắt ốc vít tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...
Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch GP Invest, khẳng định đã thực hiện đúng tất cả những nội dung cam kết với khách hàng. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được cung cấp những văn bản chứng minh chủ đầu tư Tràng An Complex đã đúng thì lãnh đạo GP Invest từ chối, tìm cách lảng tránh. Ông Hiệp thừa nhận, diện tích quây rào làm sân cho các nhà liền kề không có sổ đỏ, chỉ là đất thuê có thời hạn, sau này chủ nhân các căn hộ sẽ phải trả tiền thuê đất cho nhà nước.
Bán nhà xong đòi lại cổng
Cách đây không lâu, cộng đồng cư dân nhà chung cư ở Hà Nội cũng hết sức tức giận bởi sự bất tín của Công ty TNHH Hanotex là chủ đầu tư chung cư Sky City Tower ở 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội bỗng dưng đòi lại cổng đi ra phố Láng Hạ duy nhất sau khi bán hết nhà.
Anh Đặng Trọng Hiếu, Trưởng ban Quản trị chung cư này, cho biết khi bán nhà, chủ đầu tư quảng cáo cổng ra phố Láng Hạ rộng 11 m, hoàn toàn thuộc về hạ tầng của khu chung cư Sky City Tower. Nhưng khi xây xong, cư dân dọn về ở, phát sinh một vài mâu thuẫn, Công ty TNHH Hanotex liền “trở cờ” đòi 2/3 diện tích cổng. Lối đi chỉ còn 3,5m khiến cư dân chung cư cao cấp không khỏi nơm nớp lo sợ khi có hỏa hoạn hoặc sự bất tiện trong giao thông.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Hanotex còn bị cư dân chung cư Sky City Tower tố tự ý ngăn chia tầng công cộng để cho thuê, xây dựng sai thiết kế được duyệt, biến tầng thượng thành một số căn penhouse để bán thu lời bất chính, chây ì bàn giao phí bảo trì...
Dù vậy, trước hội nghị nhà chung cư, đại diện chủ đầu tư vẫn khẳng định việc xây penhouse, thay đổi thiết kế đều được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng không trưng ra được văn bản. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào thanh tra, làm rõ những sai phạm, bất tín của chủ đầu tư, Công ty TNHH Hanotex mới “lòi đuôi chuột”.
Mới đây nhất là chuyện xảy ra tại khu đô thị Gamuda ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội của chủ đầu tư đến từ Malaysia, cư dân khu chung cư của khu đô thị này đang “thất vọng” dù mới dọn đến chưa lâu. Chị Phạm Minh Huyền, cư dân khu chung cư cho biết, tối nào cũng phải đi về trên con đường gập ghềnh, nhỏ hẹp đến mức hai ôtô tránh nhau phải lựa.
“Chưa kể đường vắng, không có đèn, lại thêm hai bên là nghĩa trang khiến nhiều hôm đi về nhà mà sợ phát khóc. Có hôm về muộn sợ quá phải đi đường chính của khu đô thị thì bị bảo vệ chặn lại, không cho đi. Bỏ hàng tỉ đồng ra mua mà nhục nhã vậy sao?”, chị Huyền chua chát.
Một số cư dân khác cho biết, không ít lần phải cực chẳng đã tỏ thái độ căng thẳng bảo vệ mới cho đi qua cổng chính của khu đô thị để về nhà. Nguyên nhân là khi mua nhà, cư dân chung cư bị những lời đường mật của chủ đầu tư thổi phồng về tiện ích, cảnh quan, đường đi được sử dụng chung như bao khu đô thị khác.
“Nay thì vỡ mộng rồi!”, chị Nguyễn Ngọc Anh, một cư dân chung cư khu đô thị Gamuda nói. Trong khi đó, cư dân biệt thự ở khu đô thị Gamuda lại nhất quyết rằng, khi mua nhà, chủ đầu tư đã nói rõ, đường nội khu của riêng khu biệt thự, nếu ép cho cư dân chung cư đi là bất tín.
Đại diện chủ đầu tư khu đô thị Gamuda cho biết tới đây sẽ họp cư dân để trình bày phương án hài hòa lợi ích của cư dân khu thấp tầng và cao tầng.
Cần lập hồ sơ “đen”
|
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, cho hay về nguyên tắc, nếu khi giao nhà không đúng với cam kết ban đầu, khách hàng có thể từ chối nhận nhà. Đến khi nào chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng mua bán, thỏa thuận ban đầu thì nhận.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng chủ đầu tư bất động sản bất tín với khách hàng khá phổ biến. Và khách hàng cũng thường dễ chấp nhận cho qua để mong muốn yên ổn cuộc sống nếu sai phạm không lớn. Tuy nhiên, với vai trò kiểm soát, điều phối, cơ quan nhà nước không thể làm ngơ trước những việc làm bậy bạ của các chủ đầu tư thiếu uy tín. Nếu lâu dần không xử lý sẽ trở thành tiền lệ chung gây méo mó thị trường bất động sản.
Cũng theo ông Thành, người mua nhà có thể khiếu kiện đến các cơ quan quản lý cấp phép về quy hoạch, giao đất, giấy phép xây dựng, mật độ... để các cơ quan này xem xét. Nếu trong quá trình thanh kiểm tra phát hiện sai phạm của chủ đầu tư sẽ xử lý.
Theo một số chuyên gia bất động sản khác, cơ quan quản lý nhà nước cần lập hồ sơ đen về các chủ đầu tư bất tín để cảnh báo người mua nhà, góp phần làm trong sạch thị trường bất động sản. Thậm chí, nếu vướng những sai phạm nghiêm trọng sẽ xem xét “cấm cửa” không cấp phép đầu tư dự án vĩnh viễn hoặc có thời hạn tùy mức độ.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng hằng năm đều ghi nhận nắm bắt số liệu về các tranh chấp bất động sản trên địa bàn. Đồng thời, các đơn vị chức năng chuyên môn của Sở như thanh tra, quản lý đô thị cũng từng làm rõ nhiều vụ việc tranh chấp có liên quan đến các chủ đầu tư bất tín, đảm bảo quyền lợi cho người dân, cụ thể là trong vụ Sky City Tower ở số 88 Láng Hạ.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho rằng cư dân trước hết có thể gửi đơn khiếu nại đến chủ đầu tư để cùng nhau thỏa thuận giải quyết. Nếu không đạt được sự đồng nhất, có thể yêu cầu các cơ quan chính quyền địa phương can thiệp. Nếu vẫn không thương lượng được thì cư dân có thể khởi kiện ra tòa để được phân giải.
Theo Thanh Niên