Theo dự thảo lần 2 "Dự thảo Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035", tên của chủ đầu tư nhiều dự án thép lớn đến năm 2025, trong đó có dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen, đã không được Bộ Công Thương nhắc tới.
Chia sẻ với báo chí, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho rằng, việc rút tên này không vì áp lực dư luận phản đối xây dựng các dự án thép vừa qua.
“Quy hoạch chỉ là cơ sở để doanh nghiệp được nghiên cứu dự án, nhưng sau khi xem xét lại, chúng tôi thấy để tên các doanh nghiệp trong quy hoạch là phản cảm nên thống nhất không để tên đơn vị nào”, ông Hoài nói và cũng nhấn mạnh, việc này nhằm bảo đảm nếu chủ đầu tư thực hiện dự án một thời gian mà không đủ năng lực thì sẽ rút và doanh nghiệp khác vào thay thế sẽ thuận lợi, không phải sửa quy hoạch.
Ngoài việc rút tên các chủ đầu tư dự án thép, Vụ trưởng Công nghiệp nặng cũng chia sẻ, bản dự thảo lần 2 đã loại bỏ những dự án có công suất dưới 500.000 tấn một năm. “Quan điểm của những người xây dựng quy hoạch là mong muốn Việt Nam có từ 3 đến 4 tập đoàn lớn làm thép là đủ, thay vì đua nhau làm thép như giai đoạn trước”, ông Hoài nhấn mạnh.
Tại bản dự thảo lần 2 quy hoạch ngành thép Bộ Công Thương quyết định rút hết tên các chủ đầu tư đi kèm với dự án. |
Cũng chính vì mục đích này nên cơ quan quản lý khuyến khích các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Hoa Sen... nên làm các dự án lò cao với công suất lớn, trên 4 triệu tấn một năm. Trước lo lắng về năng lực vốn của chủ đầu tư dự án thép Cà Ná, ông Hoài tiết lộ, tới cuối năm 2015 doanh nghiệp này có 4.000 tỷ đồng lãi chưa chia và năm nay dự kiến lãi 1.700 tỷ.
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cũng cho hay, với một dự án lớn như thép Cà Ná nhưng những ưu đãi dành chủ đầu tư cũng không có gì đặc biệt, không vượt khung. "Bộ sẽ thẩm định thiết kế cơ sở và nếu doanh nghiệp không tuân thủ thì không được phép xây dựng. Khác với trước đây là bộ chỉ góp ý còn nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm”, đại diện Bộ Công Thương nói.
Tuy nhiên vị nay thừa nhận vấn đề nước là chuyện đau đầu nhất trong dự án thép này. Theo quy hoạch tại Cà Ná có khu công nghiệp cao nhưng bao nhiêu năm qua tỉnh Ninh Thuận không thu hút được dự án nào cả. Với bài toán lớn nhất là nguồn nước thì cần Chính phủ hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi đáp ứng nhu cầu giai đoạn 1 là 30 triệu m3 và đến năm 2020 là khoảng 200 triệu m3.
"Nếu Ninh Thuận không cung cấp được nước thì nhà đầu tư phải từ bỏ dự án. Muốn nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài thì rõ ràng trung ương cần đầu tư và sau một số năm sẽ hoàn trả”, ông Hoài nói.
Đại diện Bộ Công Thương cũng bác bỏ quan điểm cho rằng ngành thép sống được bằng điện giá rẻ. Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng dẫn dụ, lò cao của Tập đoàn Hòa Phát không mua điện, hoặc nếu có thì rất ít, thậm chí họ bán điện vào lưới điện quốc gia. Hơn nữa, tổng lượng điện ngành thép tiêu thụ khoảng 4 tỷ kWh/năm, tức chỉ 2% trong tổng lượng điện sản xuất được nên "rõ ràng không có ưu đãi nào về giá điện".
Theo VNE