Một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia, giới chức tài chính - ngân hàng mổ xẻ tại buổi toạ đàm kinh tế về kênh đầu tư 2017 mới diễn ra là tình hình nợ xấu và hướng xử lý khi mà nguồn lực của ngân sách này ngày càng khó khăn.
Luật sư Trương Thanh Đức, văn phòng Luật sư Basico khẳng định: “Nợ xấu hiện nay đang ở mức đặc biệt xấu. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu đang giảm, nợ trong 12 tháng hay 36 tháng không đáng ngại. Nguy hiểm thật sự nằm ở những khoản nợ trong thời gian từ 3 đến 5 năm”.
Không chỉ công bố mức nợ xấu, một số chuyên gia khác trong ngành cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải làm rõ nợ xấu do ai. GS.TSKH Nguyễn Mại bày tỏ quan điểm nợ xấu chắc chắn có phần trách nhiệm của các tập đoàn lớn. "Câu chuyện này lớn hơn nhiều so với tỷ giá hay lãi suất. NHNN cần yêu cầu các ngân hàng thương mại chú ý đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần vốn".
Theo giới chuyên gia, nợ xấu ngân hàng đang ở mức đặc biệt xấu. Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn. |
Mặc dù đánh giá năm 2016 ngành ngân hàng là an toàn, kinh tế có thể ổn định nhưng ông Khúc Văn Hoạ, Phó tổng giám đốc TPBank nhấn mạnh: “ Tôi không dùng từ thành công vì những mục tiêu về chất lượng vẫn chưa làm tốt. Nợ xấu vẫn xử lý từ từ chậm rãi. Các ngân hàng yếu vẫn không có tiến triển gì trong việc xử lý nợ xấu của mình”.
Đến năm 2017, vị này nhận định nợ xấu vẫn là căn bệnh của nền kinh tế, các ngân hàng vẫn tự trích lập dự phòng, tự xử lý là chính. Theo như con số công bố thì hiện các nhà băng đã bán cho VAMC khoảng 260.000 tỷ nợ xấu, cộng với 2,6% nợ xấu trên bảng cân đối, tổng cộng là khoảng 400.000 tỷ nợ xấu.
“Giả sử chúng ta xử lý được 55% số nợ xấu trên thì vẫn còn gần 200.000 tỷ, đây là một gánh nặng lớn, chiếm xấp xỉ 5% tổng tài sản ngân hàng. Đây là một trong những nguyên nhân vì sao lãi suất cho vay không thể giảm ngay”, ông Hoạ nói.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng nợ xấu trong kho vẫn còn và phải xử lý trong bối cảnh nguồn lực để xử lý nợ này đang bị giới hạn rất nhiều. Cho đến nay, tỷ lệ nợ xấu là 2,58% bao gồm cả tài sản ngoại bảng và tại Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Quan trọng là không để nợ xấu tăng lên.
“Nhiều người nói chúng ta đưa nợ xấu vào VAMC và để đấy nhưng không phải. 55,5% đã được xử lý, sử dụng bằng dự phòng, khách hàng đã trả, bán tài sản phát mại… Đáng lẽ, tỷ trọng bán tài sản phát mại lớn nhưng thực tế đang thấp vì vướng các vấn đề pháp lý cần giải quyết để cân bằng lợi ích người đi vay, cho vay vì mục đích cuối cùng là tổng thể nền kinh tế”, ông Tú Anh khẳng định.
Phó chủ nhiệm uỷ ban kinh tế Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên thì cho rằng năm 2013-2014 về cơ bản đã ngăn được sử đổ vỡ của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã chuyển nợ xấu sang VAMC. Các ngân hàng có thể tiếp tục huy động tín dụng. "Nếu không nhìn ở góc độ này, cơ quan giám sát thực thi pháp luật thổi còi các tổ chức tín dụng, đồng nghĩa phải giậm chân tại chỗ và tình trạng còn xấu hơn bây giờ", ông nói.
Theo ông Kiên, trách nhiệm trên thuộc về cả Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, Chính phủ và Quốc hội. Các tiêu chí quan hệ dân sự trong bộ Luật Dân sự đã có nhưng không được tá hoả, phải dừng và ngồi lại xem xét.
“Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ nợ, đây là lần đầu tiên chấp nhận có những vấn đề đặt quan hệ của chủ nợ, con nợ lên đúng tinh thần. Mỗi cá nhân phải có trách nhiệm thực thi. Bộ Chính trị từng nghe báo cáo về phương án xử lý nợ xấu cả các tổ chức tín dụng. Đề án này sẽ được báo cáo lại lần 2 trong tháng 1 tới. Tiến độ xử lý hiện nay rất quyết liệt", TS. Nguyễn Đức Kiên khẳng định.
Thời gian gần đây các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc trích lập dự phòng từ việc dùng một phần thu nhập hoạt động thuần để trích lập dự phòng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2016, tổng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng bằng khoảng 3,45% của GDP danh nghĩa là 129.960 tỷ đồng (theo ước tính từ báo cáo hàng tháng các ngân hàng thương mại nộp lên Ngân hàng Nhà nước).
Hiện VAMC nắm khoảng 217.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các ngân hàng thương mại. Tính tới cuối tháng 6, đơn vị này đã mua tổng cộng khoảng 251.000 tỷ đồng nợ xấu và thu hồi được 34.000 tỷ đồng, tương đương 5,75% GDP.
Khi cộng cả 2 con số trên thì tổng cộng nợ xấu là 346.960 tỷ đồng, tương đương 9,2% GDP (GDP tại thời điểm cuối tháng 6).
Báo cáo mới nhất ngành ngân hàng tháng 10/2016, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng ước tính khoảng 9,2% GDP.
Theo Zing