Những ngày này, trên đường phố và các vỉa hè Bắc Kinh (Trung Quốc) tràn ngập những chiếc xe đạp màu vàng cam. Đây là kết quả của ý tưởng độc đáo trong cuộc chiến cạnh tranh lạ lùng và đầy màu sắc của thế giới công nghệ.
Đứng sau những chiếc xe hai bánh vàng này là Ofo, công ty khởi nghiệp được định giá hơn 1 tỷ USD và mới đây huy động được 450 triệu USD trong đợt gọi vốn đầu tiên.
Trong khi đó, tháng trước, ứng dụng gọi xe đạp màu cam Mobike cũng huy động được 300 triệu USD. Đây không phải là những ứng dụng xe đạp duy nhất tại Trung Quốc mà còn có Bluegogo và Forever (xe màu xanh). Dịch vụ chia sẻ xe đạp này đang nở rộ tại các đô thị của quốc gia đông dân nhất thế giới trong bối cảnh giao thông tồi tệ.
Giao diện của ứng dụng chia sẻ xe đạp Ofo. Ảnh: Imaginechina. |
Cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt đến mức giá cho dịch vụ giống Uber này chỉ là 1 nhân dân tệ cho nhiều ngày sử dụng xe đạp. Tại các đô thị của Trung Quốc, xe đạp là thứ dễ bị trộm cắp, phá hoại và người dùng thường phải giấu kỹ. Vì vậy, mô hình kinh doanh này đòi hỏi cần sự sáng tạo lớn.
Hiện tại, dịch vụ này chưa mang lại lợi nhuận. Dù còn chưa ổn định, các khoản chi phí lớn cho quảng cáo và khuyến mại liên tiếp nhằm mở rộng quy mô.
Ofo nhận được tiền đầu tư từ một số công ty gồm DST của Nga, ứng dụng gọi taxi của Trung Quốc Didi Chuxing, cùng các quỹ như Citic Private Equity, Matrix Partners và Coatue Management. Ofo cũng là một trong số ít công ty khởi nghiệp mới 2 năm tuổi nhưng được định giá tới 1 tỷ USD.
Ofo với dòng xe đạp cổ điển, có lượng khách hàng trung thành tại các trường đại học, cao đẳng. Hãng này dự định dùng tiền đầu tư để cạnh tranh với đối thủ Mobike cả ở trong nước và nước ngoài.
Ofo là một dự án sinh viên tại trường đại học Bắc Kinh năm 2014. Tiến sĩ bỏ học Dai Wei cùng 4 sinh viên khác đã cùng nhau khai khác dịch vụ du lịch bằng xe đạp trước khi bắt đầu ứng dụng chia sẻ xe đạp. Đối thủ của họ là ứng dụng Mobike của Hu Weiwei, cựu nhà báo đồng thời sở hữu đồ nghề xe đạp riêng.
Từng là biểu tượng của giới lao động Trung Quốc, xe đạp vẫn là phương tiện khá phổ biến trong giới sinh viên và dân văn phòng, dù ngày càng có nhiều người mua xe hơi riêng. Ngành này cũng thu hút hàng tỷ USD đầu tư với kỳ vọng xe đạp sẽ là lựa chọn truyền thống thay thế cho xu hướng gọi xe đang chiếm ưu thế tại các đô thị.
Những người ủng hộ cho rằng còn rất nhiều giá trị tiềm ẩn của xe đạp đang chờ được khai phá. Dịch vụ chia sẻ xe đạp hướng tới giới trẻ - nguồn cơ sở dữ liệu quý giá mà sau này các công ty có thể dùng dùng để bán các mặt hàng khác. Ngoài ra, chiến dịch vận động giải quyết tình trạng giao thông tồi tệ tại các thành phố lớn cũng là nhân tố giúp dịch vụ chia sẻ xe hơi và xe đạp ngày càng nở rộ.
“Nếu bạn coi các công ty này không chỉ là những phương tiện giao thông mà là sàn dữ liệu người dùng và cũng là cánh cổng mở ra nhiều dịch vụ khác, thì còn rất nhiều thứ để khai thác", Zhou Xin, nhà tư vấn ngành Internet của Trust Data cho biết. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng xe đạp tại các thành phố hạng một và hạng 2 rất lớn, nơi chính phủ hạn chế lượng xe hơi để giảm tắc nghẽn giao thông.
Mobike và Ofo là hai trong số các ứng dụng chia sẻ xe đạp lớn nhất tại Trung Quốc. Không giống các dịch vụ tương tự chính phủ các nước trên thế giới, người dùng tìm kiếm và trả tiền sử dụng xe đạp qua một ứng dụng điện thoại và trả xe ở bất cứ nơi nào họ muốn.
Dàn xe của Ofo. Ảnh: chinamoneynetwork.com. |
Trong một công bố tuần trước, Ofo cho biết hãng đã có hơn 300 triệu chuyến xe tại gần 40 thành phố ở Trung Quốc, Singapore và Anh. Còn Mobike hoạt động ở ít nhất 9 thành phố Trung Quốc với hơn 100.000 chuyến tại Thượng Hải. Công ty này đặt mục tiêu có ít nhất 100.000 xe đạp tại mỗi trung tâm đô thị.
Cả hai ứng dụng khởi nghiệp này đều đang để mắt tới thị trường châu Âu. Theo hãng tư vấn Roland Berger, trên thế giới hiện có khoảng 600 công ty cung cấp dịch vụ này, thị trường tăng trưởng khoảng 20%/năm với doanh thu dự kiến đạt 5,8 tỷ USD vào năm 2020.
Mobike, nổi tiếng với xe đạp được trang bị GPS, dự định mở rộng sang Singapore trong năm nay, cùng với Ofo khai thác quốc đảo giàu có này.
Theo Zing