Ở ASEAN, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam ‘thiệt thòi’ nhất?

Thứ sáu, 03/03/2017, 09:21
Thuế suất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam là 20% trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan là 15%, Indonesia là 12,5%, Singapore là 17%.

Báo cáo tại Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa-kinh nghiệm từ Nhật Bản” sáng nay (2/3), ông Nguyễn Trường Giang, thành viên nhóm Công tác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cho biết số lượng DNVVN của Việt Nam là 600.000 (chiếm 98%), đóng góp 41% nguồn thu ngân sách, 49% GDP, 78% lao động của cả nước.

“Tuy nhiên, các DNVVN đang gặp nhiều khó khăn về vốn, chính sách”, ông nói.

Phải nộp thuế cao hơn

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn về vốn, chính sách. Ảnh: Lê Quân.

Cụ thể, vị này phân tích thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cao đang là gánh nặng cản trở đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu phát triển, tuyển dụng - đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lợi nhuận của các doanh nghiệp này.

“Thuế suất đối với doanh nghiệp nói chung của Việt Nam là 20%, với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì được miễn thuế 2 năm, giảm 50% thuế trong 4 năm kế tiếp, nhưng hầu hết doanh nghiệp thuộc diện nằm ngoài khu công nghiệp”, ông dẫn chứng.

Vị này lý giải sở dĩ nhiều doanh nghiệp không vào được khu công nghiệp vì phí thuê đất cao, lại không được trả nhiều lần.

Nếu so với các nước trong khu vực, doanh nghiệp Việt đang phải chịu mức thuế cao hơn. Ở Thái Lan, thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và vừa là 15%, ở Indonesia là 12,5% với doanh nghiệp có doanh thu năm dưới 50 triệu IDR, trong khi ở Singapore cũng chỉ 17% chưa kể họ còn có chế độ giảm thuế theo từng mức và hoàn thuế TNDN để giúp doanh nghiệp đối phó với vấn đề chi phí tang hoặc miễn thuế một phần đối với doanh nghiệp start-up.

Không chỉ thế, theo ông Giang, doanh nghiệp Việt đang phải chịu cảnh 2 sổ sách kế toán để giảm số tiền nộp thuế.

"Ngược lại các dự án của doanh nghiệp lớn vốn đã mạnh lại được nhiều ưu đãi (10% thuế TNDN trong 15 năm, 4 năm đầu miễn thuế, 9 năm kế tiếp giảm 50%)", ông Giang phân tích.

Thừa nhận thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng cho rằng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối diện nhiều khó khăn, bất lợi trong quá trình phát triển cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

“Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên tinh thần cầu thị, minh bạch, thông thoáng để thúc đẩy khối doanh nghiệp này phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ”, ông phát biểu.

Người Nhật chia sẻ kinh nghiệm

Số doanh nghiệp thành lập mới trong thời gian qua. Đồ họa: Kiều Vui.

Tại hội thảo, ông Hiroshi Arai, Trưởng phòng hỗ trợ kinh doanh nước ngoài thuộc Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) cho biết ở Nhật, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn đóng vai trò quan trọng, được xác định là trụ cột của nền kinh tế.

“Chúng tôi sớm quan tâm, hình thành hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ được tư vấn, hướng dẫn ngay khi quyết định khởi nghiệp, tập trung vào các nội dung thiết thực về thủ tục hành chính, quy định pháp luật, cách thức tổ chức sản xuất và công nghệ, phương án tài chính…để có thể ra đời, hoạt động một cách hiệu quả”, ông chia sẻ.

Cơ quan chức năng của Nhật Bản cũng đã chủ động xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước thực hiện hiện đại hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện sức cạnh trnah trên thị trường cũng như tham gia xuất khẩu.

Các tổ chức, đơn vị chức năng cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động tập huấn, đào tạo và thường xuyên cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp.

“Một số tập đoàn kinh tế nổi tiếng và hùng mạnh của Nhật bản hiện nay đã đi lên, thành công từ lúc xuất phát là những doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Hiroshi Arai dẫn chứng.

Từ thực tế ở Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế khác cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ bộc lộ nhiều điểm yếu về năng lực quản lý, nhất là công nghệ và tình trạng thiếu vốn. Do vậy, các chuyên gia kinh tế Nhật Bản khuyên rằng doanh nghiệp Việt cần khắc phục một số yếu kém, tồn tại để tận dụng được nhiều cơ hội, sự hỗ trợ để tăng trưởng.

Cụ thể cần công khai đầy đủ, kịp thời các thông tin hoạt động của mình, chủ động hợp tác hoặc kêu gọi sự trợ giúp của cơ quan chức năng khi có nhu cầu, cố gắng thu xếp tài sản thế chấp khi muốn vay vốn ngân hàng, tăng cường tiếp nhận thông tin, tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia trước các dấu hiệu thay đổi, khó khăn xuất hiện trên thị trường để giải quyết ổn thỏa, phòng tránh được rủi ro...

Bộ Kế hoạch và Đâu tư đã chuẩn bị, tiến tới trình Chính phủ Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tập trung, đồng bộ và phù hợp. Dự thảo gồm 4 chương, 40 điều với các quy định cụ thể về phân loại, chủ thể thực hiện hỗ trợ, trách nhiệm của các bên, đối tượng, nguồn lực, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Zing

Các tin cũ hơn