Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định được mệnh danh là “thủ phủ heo” của miền Trung bởi nghề nuôi heo ở đây phát triển khá mạnh với tổng đàn hiện lên đến 280.000 con. Thế nhưng, thời gian gần đây, người chăn nuôi ở địa phương này đang gặp khó khăn do giá heo rớt thê thảm.
Heo chết nằm lăn lóc ven đường ở huyện Hoài Ân |
Cụ thể, khoảng 1 tháng qua, giá heo hơi được thương lái thu mua tại huyện Hoài Ân chỉ ở mức 28.000-32.000 đồng/kg đối với loại đẹp, từ 20.000-25.000 đồng/kg heo đối với loại mỡ nhiều - bình quân giảm hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. “Nếu tính hết tất cả các loại chi phí, một con heo giống nuôi đến lúc xuất chuồng thì chúng tôi đầu tư đến 35.000 đồng/kg. Thương lái chỉ thu mua khoảng 30.000 đồng/kg thì người nuôi heo không lỗ mới là lạ” - bà Lê Thị Ngọc Tuyến (ngụ xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân), chủ vựa heo hơn 300 con, tính toán.
Giá heo xuống thấp kỷ lục đã khiến nhiều người dân Hoài Ân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. “Chỉ riêng thức ăn, năm ngoái tôi đầu tư nuôi đàn heo thịt 200 con đã tốn 500 triệu đồng. Vậy mà lúc bán cả đàn cũng chưa đủ tiền đã mua thức ăn, đó là chưa nói các khoản lỗ khác hàng trăm triệu đồng, từ tiền thuê nhân công chăm sóc đến thuốc men, đầu tư chuồng trại…” - anh Nguyễn Văn Hùng (chủ một trang trại heo ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) than thở.
Ngoài những hộ nuôi số lượng lớn đã bán tháo để cắt lỗ, không ít người nuôi nhỏ lẻ ở huyện Hoài Ân đã bỏ lơ đàn heo của mình khiến nhiều con chết, xác bốc mùi hôi thối vứt rải rác khắp nơi. Theo nhiều người dân địa phương, trước đây, heo chết còn có người mua với giá 100.000-200.000 đồng/con, nay thì không ai mua nên họ đành phải vứt đi.
Ông Lê Hồng Chiêm, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hoài Ân, cho biết do giá heo xuống quá thấp nên người nuôi nhỏ lẻ không mặn mà đến việc chăm sóc khiến nhiều con bị bệnh chết. “Nhiều người thiếu ý thức đã vứt xác heo bừa bãi, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã nhắc nhở, yêu cầu người dân chôn lấp heo chết đúng quy định. Nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Không riêng gì người nuôi, nhiều thương lái chuyên thu mua heo xuất sang Trung Quốc cũng trắng tay vì thua lỗ nặng. Ông Nguyễn Anh Kiệt (ngụ thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) cho biết giữa tháng 2 vừa qua, ông xuất một chuyến heo sang Trung Quốc qua cửa khẩu Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc gây khó khăn nên heo nằm cửa khẩu chờ lâu dẫn đến chết hàng loạt.
“Chuyến buôn heo đầu năm tôi bị lỗ hơn 500 triệu đồng. Trước khi xuất chuyến hàng này, tôi đã làm việc với thương lái Trung Quốc, họ thống nhất giá cả nên tôi mới xúc tiến thu mua. Thế nhưng, khi heo đến cửa khẩu, họ bất ngờ chê ỏng chê eo, đè giá xuống” - ông Kiệt bức xúc.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân, đối với hộ chăn nuôi gia đình, khi giá heo giảm thì họ chủ yếu lỗ con giống. Với các trang trại nuôi quy mô lớn ở địa phương thì lỗ hàng trăm triệu đồng, thậm chí có nơi lỗ tiền tỉ.
“Huyện đã khuyến cáo người dân không nên tăng đàn mà chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao, không sử dụng chất cấm. Đặc biệt, phải chú trọng công tác tiêm phòng để đầu ra của sản phẩm ổn định hơn, nhất là với thị trường trong nước” - ông Hòa cho biết.
Theo NLĐ