Thương mại điện tử chật vật tìm lợi nhuận

Thứ tư, 01/03/2017, 15:35
“Tiền chưa nhận, hàng đã giao, khuyến mãi đã có mà đơn hàng vẫn bị hủy thì chỉ có thể là kinh doanh thương mại điện tử”.

Trong khi lĩnh vực thương mại điện tử trên thế giới tăng trưởng mạnh, thì rất nhiều công ty thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn đang kiên trì phá những rào cản để có được lợi nhuận.

Những công ty lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử như Amazon, Alibaba trải qua 10 năm mới bắt đầu có lãi. Cho nên, không có gì bất ngờ khi các công ty thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn chưa thể có được lợi nhuận. Trước khi được Alibaba mua vào năm 2016, Lazada Group (một hệ thống thương mại điện tử bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) công bố khoản lỗ 334 triệu USD trong năm 2015, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014.

Báo cáo tài chính mới nhất của VNG, một niềm tự hào của startup Việt Nam cũng cho thấy, công ty này đang gánh khoản lỗ gần 100 tỉ đồng kể từ lúc đầu tư vào Tiki.vn (năm 2016).

Biên lợi nhuận của ngành này đã thấp mà chi phí vận hành lại rất cao là một bài toán nan giải cho bất kỳ nhà đầu tư nào. Theo Slice Intelligence, trong năm 2016, mảng thương mại điện tử tại Bắc Mỹ của Amazon có biên lợi nhuận hoạt động là 3%, dù đã chiếm được tới 43% thị phần thương mại điện tử ở Mỹ. Bài toán chi phí nào gây nên nỗi sợ hãi cho các doanh nghiệp ngành này?

Gánh nặng chi phí

Hãy tưởng tượng khi một đơn hàng phát sinh, nó phải trải qua hàng chục khâu mới đến được tay khách hàng. Và trong mỗi khâu đều hình thành những chi phí quản lý đáng kể mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Trước hết là chi phí kho vận. Ví dụ, kho của Tiki và Lazada Việt Nam ở TP.HCM là hơn 4.000m2 với khoảng 300 nhân sự, ước tính trung bình một tháng chi phí vận hành riêng một kho ở TP.HCM của hai doanh nghiệp này không dưới 1 tỉ đồng. Như vậy, với 3 kho hoạt động, cả hai công ty này “đốt” không dưới 48 tỉ đồng (2 triệu USD/năm).

Đây là một thách thức về tài chính rất lớn cho các công ty startup trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Đó là chưa kể với tốc độ vài chục ngàn đơn hàng trong một ngày, cần một khối lượng nhân viên giao nhận lớn, gánh nặng tài chính lại càng cao. Hiện nay, cả Lazada và Tiki đều phải trả chi phí cho đội ngũ giao nhận riêng và cả việc thuê ngoài với những đối tác lớn. Chẳng hạn, Lazada Việt Nam vừa sử dụng Công ty LEX (Lazada Express) nội bộ với khoảng 200 nhân viên, vừa phải kết hợp với Giaohangnhanh, VNPost và Viettel Post.

Ngoài ra, một chi phí cộng hưởng khổng lồ và đầy rủi ro khác là chi phí tiếp thị với nhiều hình thức. Lazada Việt Nam đầu tư rất mạnh tay vào quảng cáo truyền hình lẫn trực tuyến trong thời gian đầu để chạy đua thu hút người sử dụng, giành thị phần - một số nguồn tin cho hay doanh nghiệp này từng chi tới 2 triệu USD/tháng cho các chương trình quảng cáo.

Hệ thống Chotot.vn, thời gian đầu cũng ưu tiên chi rất mạnh tay cho các clip quảng cáo diễn viên hài lên đến tiền tỉ. Trong khi đó, Shopee.vn đầu tư vào tiếp thị trực tiếp cho cộng đồng với chính sách giao hàng miễn phí trên toàn quốc cho những đơn hàng trên 150.000 đồng. Với hơn 10.000 đơn hàng/ngày, ước tính chi phí Shopee.vn hỗ trợ cho việc giao nhận lên đến cả tỉ đồng mỗi tháng.

Ngoài các sức ép chi phí kể trên, doanh nghiệp còn bị sức ép không nhỏ về cạnh tranh giá cả, dẫn đến suy mòn lợi nhuận. Theo một chuyên gia không muốn nêu tên, dưới áp lực tăng trưởng của nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ dưới giá thành từ 10-20% so với giá thị trường.

Vào mùa khuyến mãi, tỉ lệ này lên đến 50%. Như mùa khuyến mãi hồi tháng 11.2016, Tiki giảm 50% giá cho 100.000 tựa sách; Zalora có riêng kho hàng tập trung các sản phẩm thời trang giảm giá tới một nửa; Lazada Việt Nam giảm 50% nhiều mặt hàng như thời trang, dụng cụ gia đình, công nghệ...

Một rủi ro khác nữa là ở Việt Nam, thanh toán bằng tiền mặt vẫn phổ biến, nên doanh nghiệp vẫn có khả năng mất đơn hàng ở phút 90, khi đã chịu tất cả chi phí cho quá trình đặt hàng. Có một câu nói đùa khá phổ biến trong giới là “tiền chưa nhận, hàng đã giao, khuyến mãi đã có mà đơn hàng vẫn bị hủy thì chỉ có thể là kinh doanh thương mại điện tử”.

Chọn lọc và chuyên biệt

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam khoảng 4 tỉ USD tính tới cuối năm 2016, bằng 1/30 so với mức 120 tỉ USD của thị trường Nhật. Tuy nhiên, nếu xét về tăng trưởng thì Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới. Với thị phần thương mại điện tử chiếm khoảng 2,8% thị trường bán lẻ, người Việt đang chuyển dịch mua sắm sang các kênh bán hàng trực tuyến.

Vì thế, dù lắm gian nan, các công ty thương mại điện tử trong nước vẫn sẽ tiếp tục đầu tư cạnh tranh mở rộng thị phần trong thời gian tới, song song đó là tối ưu hóa chi phí vận hành. Tương lai ngành này sẽ chọn lọc để hình thành chỉ một số ít hệ thống thương mại điện tử nhưng chất lượng tốt. Và hệ thống này có thể sẽ mang một bộ mặt khác.

Theo đó, các công ty sẽ tập trung vào cốt lõi bán hàng, còn các công đoạn tạo chi phí kể trên sẽ chuyển cho các công ty đối tác chuyên biệt thực hiện. Từ đó, toàn bộ hệ sinh thái thương mại điện tử cũng sẽ được phát triển thăng hoa.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, Giám đốc Điều hành Tiki.vn, cho biết, thực trạng hiện nay là giao hàng càng nhanh, chi phí càng cao. Trong năm 2017, Tiki.vn sẽ đầu tư công nghệ để có thể dự đoán chính xác nhu cầu khách hàng, số lượng và vị trí của họ để từ đó phân loại đơn hàng đến những kho hàng gần đó. Động thái này sẽ đi cùng với chiến lược mở rộng mặt hàng trong thời gian tới.

Kho hàng của Lazada tại TP.HCM. Ảnh: Lazada cung cấp

Ông Lê Xuân Long, Giám đốc Điều hành Công ty PMAX, một đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo tối ưu trong lĩnh vực thương mại điện tử, cho biết, dù mới thành lập nhưng Công ty đang đón làn sóng thâm nhập thị trường này từ những khách hàng là doanh nghiệp thương mại truyền thống đang mở rộng sang thương mại trực tuyến.

Ông Long nói: “Thương mại điện tử có rất nhiều khâu như giao nhận, thanh toán, chăm sóc khách hàng. Bản thân ngay cả các công ty lớn vẫn không thể làm tất cả. Tôi tin rằng sớm hay muộn, họ cũng cần phải có các đơn vị cung cấp dịch vụ riêng biệt để cùng đẩy thị trường đi lên”.

Nếu PMAX cung cấp giải pháp tiếp thị trong hệ sinh thái thương mại điện tử, một mô hình cung ứng khác cũng đang nổi lên. Đó là mô hình giaohangnhanh.vn, được thành lập năm 2012. Sau 4 năm, công ty này trở thành cái tên khá nổi trong lĩnh vực hậu cần thương mại điện tử và từng được VinEcom (Vingroup) đề nghị mua lại. Dù vậy, tương lai của thương mại điện tử vẫn là một câu hỏi lớn.

Trên thực tế, ông Pine Kyaw, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, cho rằng, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn mới chỉ đang tìm hiểu về lợi ích thực sự của thương mại điện tử  ở Việt Nam. “Người sử dụng chưa trải nghiệm hết về thương mại điện tử, còn doanh nghiệp đang lần mò cách thức tạo ra lợi nhuận bền vững”, ông Pine chia sẻ.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích