Bộ GTVT xin lùi thời hạn khai thác thương mại
Ngày 2/3, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT về việc lùi thời hạn hoạt động thương mại đối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, cuối 2016, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa dự án vào khai thác thương mại trong quý I năm 2018.
Bộ GTVT cho biết có nhiều lý do khiến tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tiếp tục phải nới tiến độ, trong đó chủ yếu do Tổng thầu EPC Trung Quốc chậm trễ trong việc xác định giá trị chi phí thiết bị, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ ký kết Hợp đồng vay vốn bổ sung cũng như tiến độ đấu thầu mua sắm thiết bị cho dự án.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã không thể đưa vào khai thác đúng tiến độ mà phải lùi đến quý I năm 2018 . |
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 10/2008 và phê duyệt điều chỉnh vào tháng 2/2016, tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác thương mại trong năm 2016.
Tuy nhiên tại cuộc họp báo quý 3/2016 diễn ra chiều 29/9/2016, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện còn gói thiết bị để phục vụ gồm 12, 13 đoàn tàu hệ thống đường ray, thông tin tín hiệu, nhà điều hành, toàn bộ nhà xưởng thực hiện duy tu, bảo dưỡng… gói thiết bị đang đàm phán khoảng xấp xỉ 200 triệu USD.
Theo kế hoạch, toàn bộ thiết bị này đấu giá xong và triển khai mua sắm phải hết quý I/2017.
Dự kiến thời gian lắp đặt trên 3 tháng, khoảng tháng 6/2017 và chạy thử 3 tháng nữa, đến 9/2017 mới khai thác thương mại được.
Không lâu sau đó, tại lễ ra quân và phát động thi đua hoàn thành dự án sáng 2/2/2017, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tiếp tục thông báo, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành thử từ tháng 10/2017 để cuối quý 1, đầu quý 2/2018 đưa vào khai thác chính thức.
Dự báo trước
Việc đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông phải lùi tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác thương mại không phải bây giờ mới được nhắc đến.
Ngày 23/2, trao đổi với PV, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông khẳng định, sẽ rất khó khăn để đảm bảo tiến độ chạy thử tuyến Cát Linh – Hà Đông từ ngày 1/10/2017.
Theo vị chuyên gia, nhiều khả năng phải đến đầu năm 2018, tuyến Cát Linh - Hà Đông mới có thể khai thác được.
“Hiện nay đoàn tàu đưa đến nhưng còn nhiều vấn đề chưa thể triển khai ngay được. Chẳng hạn như phải chạy thử, phải điều chỉnh, xem xét điện, hệ thống điều khiển, tay lái của người lái tàu thế nào. Tôi nghĩ kế hoạch đưa
ra rất khó hoàn thành”, TS Thủy chia sẻ.
Trước đó, ngày 4/1, trả lời báo chí, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) khẳng định, theo kế hoạch hết Quý I/2017, dự án sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm các nhà ga và các công trình kiến trúc trong khu Depot.
Trong tháng 3/2017 bắt đầu lắp đặt tuần tự các hạng mục chuyên ngành thiết bị và sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị vào cuối tháng 7/2017. Mục tiêu đến 1/10/2017 sẽ chạy thử toàn hệ thống.
Đưa ra đánh giá vào thời điểm đó với Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết bản thân ông cảm thấy có chút lo lắng về mốc thời gian trên khi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã nhiều lần lỡ hẹn.
Theo ông Thủy, để xảy ra tình trạng trên bao gồm nhiều nguyên nhân nhưng khuyết điểm này thuộc về Ban quản lý đường sắt và các cơ quan chức năng cả ở phía Việt Nam và Trung Quốc.
“Qua đó chúng ta thấy công tác tổ chức, thực hiện dự án này không khoa học, không nhất quán. Biết bao sự cố xảy ra trong quá trình thực hiện đó. Tính hoàn hảo và hợp lý của dự án cũng chưa rõ ràng. Không biết khi khánh thành và đi vào hoạt động sẽ như thế nào nữa?”, TS Thủy lo ngại.
Là một trong những chuyên gia giao thông có kinh nghiệm về lĩnh vực đường sắt, TS Nguyễn Xuân Thủy nêu ra 3 vấn đề còn tồn tại đến thời điểm này tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
“Thứ nhất, các thiết bị lắp đặt chúng ta đặt ra lâu rồi nhưng đến thời điểm này vẫn rất chậm chạp. Tôi không thấy triển vọng rõ ràng sẽ kết thúc đúng thời hạn.
Thứ hai, có 1 số vấn đề quan sát tôi cảm thấy lo lắng. Đó là hệ thống chống ồn không biết có được triển khai trong dự án hay không? Ở các nước trên thế giới, các tuyến đường trên cao đều có hệ thống chống ồn. Ở đây là bức tường kín, cao khoảng 1m-1,5m dọc toàn tuyến 14km để chống tiếng ồn phát ra ngoài.
Một vấn đề nữa là cầu thang điện (cầu thang cuốn, lên tự động). Một công trình đầu tư rất lớn nếu để người dân phải đi cầu thang, lên xuống các bậc thì rất dở. Tôi có hỏi những người phụ trách thì họ có trả lời rằng sẽ có cầu thang cuốn nhưng hiện nay các camera quay thì chưa thấy. Chỉ thấy hệ thống cầu thang đi bộ thôi. Đấy là điều bất cập.
Thứ ba, quá trình lắp đặt tôi chỉ thấy có mấy đường ray, hệ thống hạ tầng chưa hoàn tất. Và khi lắp các thiết bị điện, thiết bị điều khiển vào sẽ mất rất nhiều thời gian. Công việc quá bế bộn, việc hoàn thành đúng thời hạn là rất khó khăn”, TS Thủy nhấn mạnh.
Theo Đất Việt