Áp lực lớn đè nặng nhiều tập đoàn gia đình Hàn Quốc

Thứ năm, 02/03/2017, 14:42
Từng là động lực tăng trưởng và niềm tự hào quốc gia, các tập đoàn lớn do một gia tộc lèo lái, hay còn gọi là chaebol, hiện trở thành đối tượng chịu chỉ trích.

Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-Yong trong vòng vây báo giới

Theo AFP, tình hình hiện tại xảy ra là vì một vụ bê bối lớn xuất hiện, đặt các chaebol Hàn Quốc dưới áp lực cải cách. Hôm 28.2, người thừa kế đế chế kinh doanh Samsung, ông Lee Jae-Yong, cùng bốn giám đốc điều hành khác bị buộc tội hối lộ, tham ô. Đây là sóng gió mới nhất đến với hãng sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới.

Người Hàn Quốc chăm chú theo dõi trên truyền hình cảnh ông Lee bị còng tay khi đang mặc bộ quần áo tươm tất và xuất hiện trả lời thẩm vấn trước giới công tố viên nhiều lần hồi tuần trước. Vụ bê bối lớn khiến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye bị luận tội cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của các chaebol, những tập đoàn gia đình trị đã và đang là rường cột kinh tế xứ Hàn.

Tháng 12.2016, hàng triệu người Hàn ngạc nhiên khi sếp của một trong tám chaebol lớn nhất đất nước bị công khai trừng phạt tại một phiên điều trần quốc hội vì bơm hàng triệu USD cho các quỹ được bạn thân Tổng thống Park, bà Choi Soon-Sil, kiểm soát.

Ông Lee và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu - trong đó có sếp Hyundai, SK, LG và Lotte - đều phủ nhận việc cấp tiền để đổi lấy sự ưu ái từ các nhà chính trị. Dù vậy, họ cũng tiết lộ mình thường xuyên chịu áp lực hối lộ từ giới chính trị cấp cao. Rất nhiều người Hàn tập trung biểu tình chống Tổng thống Park ở Seoul, thể hiện sự giận dữ với các doanh nghiệp và chính trị gia.

“Đất nước như dần trở thành một nước cộng hòa chaebol. Họ đang trở nên quá tham lam, quá mạnh”, Kim Jong-Rae, nhân viên 49 tuổi của một hãng bảo hiểm nhân thọ, chia sẻ. Ông Rae cho hay trước đây, các chaebol đóng góp lớn vào sức tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Song khi con trai và cháu trai của các nhà sáng lập tiếp quản doanh nghiệp, các chaebol bắt đầu mở rộng vào mọi ngóc ngách kinh doanh, bóp nghẹt công ty nhỏ hơn và cản trở sự đổi mới.

“Những sếp lớn khác cũng phải bị bắt giữ nếu họ làm điều gì sai”, Chang Hye-Eun, một kế toán 26 tuổi nói.

Phần trăm giá trị 5 cheabol lớn nhất xứ Hàn (Samsung, LG, Hyundai, SK và Lotte) trong chỉ số chứng khoán KOSPI

Nhiều gia tộc sáng lập chaebol chỉ giữ lại cổ phần nhỏ trong các doanh nghiệp, nhưng vẫn duy trì sự kiểm soát thông qua mạng lưới cổ phần chồng chéo phức tạp giữa các công ty con và việc thăng chức nhanh chóng cho các thành viên trong gia đình. Một vài trong số “con ông cháu cha” đã có nhiều hành động làm xấu hình ảnh công ty.

Đơn cử năm 2014, người thừa kế Korean Air Cho Hyun-Ah, nhân vật là phó chủ tịch doanh nghiệp khi đó, vướng vào vụ bê bối đòi đuổi tiếp viên trưởng chuyến bay vì bị phục vụ sai cách món hạt macadamia. Ở Lotte, chủ tịch tập đoàn và anh trai ông từng “huynh đệ tương tàn” để giành quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Các tội danh mà ông Lee Jae-Yong bị cáo buộc không khác nhiều so với những gì vài sếp chaebol trải qua. Cha ông Lee từng gặp rắc rối trước pháp luật và bị kết tội hối lộ năm 1996, hối lộ và trốn thuế năm 2008. Dù vậy, ông chưa từng ngồi tù mà chỉ bị án treo. Ông nội ông Lee cũng từng vướng vào rắc rối với vụ buôn lậu lớn của hãng sản xuất phân bón của ông hồi năm 1966. Tương tự, ông này cũng tránh được cảnh ngồi tù nhờ “quyên góp” cho nhà nước.

Song hiện tại, cháu trai 48 tuổi của gia tộc Lee bị bắt. Những người Hàn lớn tuổi, các cá nhân từng hưởng lợi từ quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng từ thập niên 1960 trở về sau, có xu hướng bỏ qua các hình phạt dành cho giới lãnh đạo chaebol bị phát hiện phạm pháp, Shim Jung-Taik, tác giả của nhiều sách viết về Samsung và văn hóa doanh nghiệp chaebol, cho biết.

“Nhưng giờ đây chúng ta có thế hệ mới và hiện có thêm nhiều người tin rằng xã hội chúng ta đã quá hào phóng với các chaebol. Họ cũng cần chịu trách nhiệm nếu họ làm sai điều gì đó”, ông Shim nói. Nhà kinh tế Lee Phil-Sang cho hay những lời cáo buộc chống lại sếp Samsung càng cho thấy các chaebol nên thay đổi phong cách quản trị doanh nghiệp lỗi thời.

Theo ông Lee, nhiều ứng viên tổng thống tiềm năng hiện nói về sự cần thiết của việc cải cách các chaebol. Sau nửa thế kỷ, nền kinh tế chaebol của xứ Hàn giờ “đã đạt đến giới hạn”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn