THAAD - Ngòi nổ cho cuộc chiến thương mại Trung - Hàn?

Thứ hai, 06/03/2017, 12:15
Với động thái hạn chế người dân du lịch đến Hàn Quốc nhằm trả đũa việc Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại “xứ sở kim chi”, Trung Quốc đang phát đi thông điệp cứng rắn tới một trong những đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Vũ khí thương mại

Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh áp dụng các biện pháp trả đũa Seoul kể từ sau khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng vì Hàn Quốc quyết định triển khai tổ hợp THAAD của Mỹ. Từ cuối năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp hạn chế làn sóng văn hóa của Hàn Quốc và giảm khoảng 20% chỉ tiêu khách du lịch đến Hàn Quốc.

Cách đây vài ngày, sau khi Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc thông qua phương án đổi sân golf Seongju cho quân đội nước này sử dụng vào mục đích bố trí hệ thống THAAD của Mỹ, Tổng cục Du lịch Trung Quốc (CNTA) đã triệu tập cuộc họp với các công ty du lịch tại Bắc Kinh và chỉ thị dừng hoàn toàn việc cung cấp các dịch vụ du lịch tới Hàn Quốc.

Theo đó, tất cả các đoàn khách du lịch muốn đến Hàn Quốc sẽ bị cấm mua vé máy bay và cấm xuất cảnh tới Hàn Quốc, bất kể thông qua các công ty lữ hành hay du lịch tự do. CNTA yêu cầu từ trung tuần tháng 3 này hủy bỏ các gói du lịch tới Hàn Quốc, kể cả các gói hợp đồng đặt trước.

Lệnh hạn chế du lịch này sẽ gây tổn thất không nhỏ cho ngành công nghiệp không khói của “xứ sở kim chi”, nơi đón tới 8 triệu lượt du khách Trung Quốc đến thăm trong năm 2016. Suốt 10 năm qua, ngành du lịch Hàn Quốc đều tăng trưởng hơn 10% mỗi năm nhưng con số này được dự đoán sẽ giảm xuống còn khoảng 4% do tác động từ lệnh hạn chế du lịch của Bắc Kinh.

Trung tâm thương mại Lotte tại Thẩm Dương, phía Đông Bắc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

Chưa hết, Tập đoàn Lotte-đơn vị đồng ý đổi đất cho quân đội để triển khai THAAD-cũng "dính đòn". Các quan chức ở tỉnh An Huy đã tịch thu 30 “máy truyền phát thanh bất hợp pháp” tại một siêu thị Lotte và phạt công ty này 20.000 Nhân dân tệ (NDT).

Tại Bắc Kinh, một siêu thị Lotte đã bị phạt 44.000NDT do quảng cáo bất hợp pháp, đáng lưu ý đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng ở Bắc Kinh xử phạt một công ty kinh doanh đối với hành vi vi phạm như vậy.

Tập đoàn tài chính và bán lẻ Ruixiang có trụ sở ở Giang Tô cũng cho đình chỉ chương trình thẻ mua sắm của tập đoàn với khoảng 50 cửa hàng Lotte ở trong tỉnh; đồng thời thông báo các sản phẩm xuất xứ Hàn Quốc sẽ không còn được bán thông qua nền tảng trực tuyến của Ruixiang cũng như các siêu thị của tập đoàn này.

Trong những ngày qua, liên tiếp các cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài các siêu thị Lotte Mart tại Trung Quốc. Trong khi một cuộc tấn công mạng sử dụng địa chỉ IP Trung Quốc cũng vừa khiến trang tiếng Trung của công ty bán lẻ hàng miễn thuế Lotte Duty Free tê liệt.

Một loạt những động thái kể trên, theo giới quan sát, là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc muốn Hàn Quốc phải nhận bài học đắt giá về kinh tế vì kế hoạch triển khai THAAD.

Mối nghi ngờ của Trung Quốc

THAAD được xem là một “lá chắn” hoàn hảo, giúp Hàn Quốc và gần 30.000 binh sĩ Mỹ đóng quân ở nước này nhận được sự bảo vệ vượt trội chống lại thách thức hạt nhân ngày càng lớn từ Bình Nhưỡng so với hệ thống phòng thủ tên lửa chưa đầy đủ hiện tại của Seoul. Ấy thế nhưng nó cũng là mối đe dọa đối với Trung Quốc.

“Con mắt thần” của THAAD - radar mảng pha hoạt động ở băng tần X có tên AN/TPY-2 là thứ khiến Trung Quốc thấy bất an. Với khả năng phát hiện các mối nguy hiểm ở cự ly tối đa 2.000km, THAAD có thể kiểm soát được cả các tên lửa trên lãnh thổ Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng quan tâm hơn tới việc xây dựng năng lực cảnh báo hạt nhân sớm, giới quan sát đánh giá, sự hiện diện của THAAD và radar AN/TPY-2 trong khu vực đương nhiên gây ảnh hưởng tới khả năng đáp trả hạt nhân của Bắc Kinh trước Washington.

Trung Quốc lo sợ sẽ ở thế yếu và không kịp trở tay trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ bởi khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc bị vô hiệu hóa. Chính vì thế, Bắc Kinh tin rằng, việc triển khai hệ thống THAAD chủ yếu là nhằm củng cố vị thế của Mỹ ở Đông Bắc Á và ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ngoài ra, theo Giáo sư Kim Jaecheol thuộc đại học Công giáo Hàn Quốc, Trung Quốc cũng luôn nghi ngờ việc Hàn Quốc theo đuổi mục tiêu xây dựng một liên minh “tam giác” với Washington và Tokioô.

Giáo sư Kim nói: “Mối nghi ngờ của Trung Quốc đã xuất hiện từ khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bộc lộ ý định thành lập một liên minh tam khác khu vực giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Và hiện tại thì mối nghi ngờ của Bắc Kinh đã lên đến đỉnh điểm”.

Tuy vậy, những động thái trả đũa cũng rất có thể sẽ mang đến hiệu ứng ngược, khiến Bắc Kinh thiệt hại đáng kể bởi “xứ sở kim chi” hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.

Đó là chưa kể, với kinh nghiệm và bản lĩnh của một quốc gia vượt qua tổn thất của chiến tranh để vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, Hàn Quốc chắc chắn không phải là một “đối thủ” dễ chịu trong cuộc chơi mà Trung Quốc khơi mào.

Theo QĐND

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích