Nghịch lý gạo Việt mượn mác ngoại

Thứ năm, 23/03/2017, 11:39
Việt Nam là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thế nhưng thị trường gạo nội địa lại đang có một nghịch lý đau lòng khi gạo trồng trong nước phải mượn mác giống ngoại hay gắn mác gạo ngoại để bán cho chính người tiêu dùng nội địa.

Mập mờ nguồn gốc gạo khiến người tiêu dùng hoang mang

Tại một loạt các cửa hàng gạo sỉ, lẻ trên đường Bà Hạt, Tô Hiến Thành, Phạm Thế Hiển hay bên trong chợ Bàn Cờ (TP.HCM), đập ngay vào mắt là các biển hiệu ghi tên của các loại gạo gắn với tên nước ngoài như gạo Thái, Campuchia, Nhật, Hàn, Đài Loan... với đủ mọi loại giá giao động 12.000 - 40.000 đồng/kg. Các loại gạo "thuần Việt" bị ép vào bên trong hoặc dạt ra 2 lề. Ngay cả chữ viết trên bảng tên gạo Việt cũng khá nhỏ và mờ, khiến người mua nếu không nhìn kỹ khó có thể nhận ra.

Theo quan sát của chúng tôi tại một cửa hàng gạo trên đường Bà Hạt sáng 22.3, gần một nửa khách tới mua đều hỏi gạo Thái Lan và gạo Campuchia. Vì sao lại chọn ăn gạo Thái, gạo Campuchia thay vì gạo Việt? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, hầu hết người mua cho rằng “gạo Thái, gạo Campuchia xốp dẻo, ngon hơn gạo Việt, lại ít sợ sâu bệnh, chất bảo quản”.

Trong vai một khách hàng cần được tư vấn chọn loại gạo nào, 100% chủ cửa hàng chúng tôi hỏi đều giới thiệu gạo Thái, gạo Campuchia “đảm bảo từ chất lượng tới an toàn vệ sinh thực phẩm”..., không ai nói gì về gạo Việt. Một chủ cửa hàng gạo trên đường Tô Hiến Thành cho biết: “Ở chỗ anh có bán đủ loại gạo Campuchia, Thái Lan, Nhật... Gạo ngoại đắt nhưng nhiều người mua lắm vì chất lượng gạo tốt, dẻo, ngon hơn hẳn gạo trong nước”. Khi chúng tôi gạn hỏi về xuất xứ của các loại gạo ngoại này, sau ít phút suy nghĩ, chủ cửa hàng “thú thật”: “Các loại gạo bán ở đây đều là gạo giống ngoại trồng ở VN. Còn gạo nhập khẩu đắt lắm, vì phải chịu nhiều loại thuế, phí vận chuyển... nên làm gì có giá rẻ như thế này”.

"Nhiều người tiêu dùng trong nước có tâm lý nghi ngờ, ngần ngại với gạo trong nước giá cao nhưng lại sẵn sàng chi mạnh cho các loại gạo gắn mác nhập khẩu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến gạo trong nước thất thế ngay trên chính sân nhà".

GS Võ Tòng Xuân

Ở một cửa hàng khác, ông chủ tỏ vẻ khó chịu khi chúng tôi nghi ngờ gạo Thái, Nhật... chỉ là giống ngoại nhưng trồng ở VN nên nói sẵng: “Ở đây không bán gạo nhập, muốn mua thì vô siêu thị mà mua”.

Để tìm hiểu thực hư về các loại gạo nội mượn mác ngoại này, chúng tôi tới một số siêu thị tìm hiểu thì thấy tình trạng cũng tương tự các cửa hàng, từ giá bán, cách trưng bày...

Một nhân viên coi kệ ở siêu thị S. cho biết các loại gạo ngoại này thực chất là giống Thái, Campuchia, Hàn, Nhật... nhưng trồng tại VN, hoàn toàn không phải là hàng nhập khẩu. Ngoại trừ gạo Nhật, Hàn có giá khá đắt, các loại gạo giống Thái Lan giá cũng xấp xỉ các loại gạo Việt.

Bắt chuyện với một khách hàng đang chọn mua gạo ở đây, chị này cho biết: “Nhà mình lúc trước cũng thường ăn gạo Việt, nhưng bây giờ toàn ăn loại gạo Thái. Giá tuy là đắt hơn so với gạo Việt, nhưng chất lượng tốt hơn, gạo dẻo hơn, ăn ngon hơn. Gạo Việt trên thị trường bây giờ nhiều loại, nhiều giá quá nên rất khó chọn, chất lượng cũng không biết thế nào”. Khi được hỏi về việc có biết gạo Thái thực chất là trồng và sản xuất tại VN, chị tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi miễn cưỡng: “Miễn sao ăn ngon là được”.

Nâng chất lượng gạo Việt

Theo GS Võ Tòng Xuân, một trong những chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, sở dĩ gạo Campuchia đang ngày càng chiếm thị phần lớn tại nội địa bởi 2 lý do. Thứ nhất là nông dân VN qua Campuchia mượn đất trồng rồi đưa lúa về nước. Thứ hai là lúa người dân Campuchia trồng nhưng không có đủ phương tiện xay xát nên bán qua VN.

“VN không nhập gạo, chỉ nhập lúa từ Campuchia về xay xát và đóng gói nhưng số lượng không nhiều. Nếu bán gạo mà nói đây là giống Campuchia trồng ở VN là không đúng, lừa dối người tiêu dùng. Các loại gạo giống Thái hay giống Đài Loan cũng rất ít, chủ yếu là nhập theo đường tiểu ngạch. Như thế thì gạo đâu mà bán tràn lan trên thị trường”, GS Võ Tòng Xuân nói. Đó là thực tế, theo tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ước tính trong năm 2016, VN đã nhập 400.000 tấn quy gạo từ Campuchia.

Vẫn theo GS Võ Tòng Xuân, hiện tại ở VN gạo Sóc Trăng là loại có chất lượng tốt nhất, giá khoảng 25.000 đồng/kg, cao hơn so với các loại khác trong nước nhưng vẫn rẻ hơn gạo Thái, Nhật. Gạo này thơm, hạt dài, nấu lên cơm dẻo, gần giống gạo Thái, Nhật nên có một số doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng cho đóng gói, in bao bì ghi gạo xuất xứ nước ngoài nhưng thực chất bên trong là gạo Sóc Trăng.

"Nhiều người tiêu dùng trong nước có tâm lý nghi ngờ, ngần ngại với gạo trong nước giá cao nhưng lại sẵn sàng chi mạnh cho các loại gạo gắn mác nhập khẩu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến gạo trong nước thất thế ngay trên chính sân nhà", GS nói và đề xuất: “Các doanh nghiệp VN phải chấn chỉnh ngay hoạt động kinh doanh của mình, chú trọng xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, cần chọn mua lúa giống tốt, không trộn 2 - 3 loại linh tinh từ các thương lái, đảm bảo giá bán phải chăng để thu hút người tiêu dùng”.

Đồng tình với ý kiến của GS Võ Tòng Xuân, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang, cũng cho rằng người dân cần phân biệt rõ gạo giống ngoại và gạo nhập. Ông Nhị chia sẻ, "trước đây gia đình ông cũng chỉ ăn gạo Campuchia bởi cơm thơm, ngon, dẻo, nhưng thời gian gần đây khi VN bắt đầu sản xuất gạo hữu cơ ông đã chuyển sang dùng loại gạo này để ủng hộ nông dân. Tuy nhiên, gạo hữu cơ của ta sạch, có giá thành cao tương đương gạo Campuchia nhưng lại “dở, chất lượng kém hơn nhiều”.

Chính vì thế, vị này cho rằng gạo Việt không chỉ nên chú trọng năng suất mà chất lượng mới là vấn đề quan trọng nhất. “Chỉ có cải thiện chất lượng hạt gạo mới giúp gạo Việt lấy lại vị thế vốn có, xứng đáng với vị trí đất nước xuất khẩu gạo trong top đầu thế giới”, ông Nhị nói.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn