Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ liên quan đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3.
Theo đó, cùng với việc xây dựng lộ trình, mức độ điều chỉnh giá điện, Phó Thủ tướng lưu ý kịch bản điều hành giá điện năm 2017 phải nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Các cơ quan liên quan chủ động tính toán phương án, chi phí, giá thành, giá bán điện năm 2017. Trong đó, phấn đấu giảm thêm tỷ lệ tổn thất điện năng để giảm chi phí, giá thành theo hướng giảm tối đa tổn thất thương mại và phấn đấu giảm tổn thất kỹ thuật.
Song hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Cục vẫn chưa nhận được kịch bản giá điện 2017 của EVN.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do giá nguyên liệu đầu vào là giá than tăng nên EVN chưa thể trình được kịch bản giá điện 2017 |
Theo chia sẻ của đại diện EVN, vẫn chưa thể trình kịch bản giá điện 2017 vì chưa đủ số liệu đầu vào. Việc lên kịch bản giá điện cho năm 2017 là dựa trên giá than cũ nhưng mới đây ngành than đã tăng giá, làm thay đổi giá đầu vào của điện. Hiện nay EVN vẫn đang chờ kết quả hiệp thương về giá bán điện.
Trong khi đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Tập đoàn Điện lực EVN cho biết, một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng.
Ngoài than, các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 song chưa được đưa vào cân đối giá điện hiện hành bao gồm biến động tỷ giá, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng.
Trong khi đó, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 - 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn.
Mặc dù chưa khẳng định sẽ tăng giá điện trong năm nay, nhưng có thể thấy các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện đang gây áp lực tăng giá điện trong năm 2017.
Chia sẻ với PV báo điện tử Infonet, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong các nguồn điện ở nước ta hiện nay có thủy điện, nhiệt điện, điện dầu và năng lượng tái tạo. Trong đó cơ cấu nhiệt điện chiếm tỷ trọng lớn, còn điện tái tạo mới chiếm tỷ trọng nhỏ.
Nguyên tắc hình thành giá điện dựa vào các yếu tố đầu vào. Song chuyên gia cũng cho rằng, trong các yếu tố đầu vào thì than chỉ là một yếu tố. Không phải than tăng là chi phí phát điện sẽ tăng bởi có thể yếu tố này tăng, yếu tố khác giảm nên phải tính toán một cách tổng thể. Và phải xem các chi phí đầu vào đó tăng là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan.
“Phải xem cụ thể yếu tố đầu vào tăng bao nhiêu. Giá điện tăng phải xem xét chi phí đầu vào có tăng không, do khách quan hay chủ quan. Nếu do chủ quan phải xem cụ thể. Rất nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng đến giá điện như than, biến động tỷ giá… Còn thực tế, bao giờ doanh nghiệp cũng muốn đề xuất tăng”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Chuyên gia cũng lưu ý, điện là yếu tố đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực, khi điện tăng chắc chắn tác động dây chuyển. Giá điện là vấn đề hết sức nhạy cảm, và phải thận trọng.
Còn ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng giá than tăng, giá đầu vào tăng sẽ tác động đến giá điện.
Theo ông, hiện nay Chính phủ yêu cầu EVN tính toán lại giá thành một cách hợp lý nhất. Trong giá thành ấy, phải giảm tổn thất điện năng để giảm chi phí, giảm bộ máy, giảm chi phí tiêu dùng hàng ngày và quảng cáo, năng suất lao động…để có giá thành hợp lý nhất và không bị lỗ. Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức giá điện nào là hợp lý. Ngoài yếu tố giá than tăng, chính phủ còn yêu cầu nhiều thứ nên EVN hiện nay chưa tính toán, cân đối được và chưa thể trình kịch bản giá điện 2017.
Liên quan đến lo ngại có hay không áp lực tăng giá điện trong thời gian tới? Theo ông Ngãi, chuyện tăng giá điện là chuyện bình thường.
“Tôi không bênh cho ngành điện nhưng chúng ta cần có cái nhìn công bằng, nếu không làm sao ngành điện phát triển được. Ngành điện là ngành cơ sở hạ tầng quan trọng, nếu thiếu điện thì sẽ ra sao. Tăng một chút tiền điện thì lo nhưng nếu thiếu điện thì sẽ ra sao”, ông nói.
Theo Infonet