Thống đốc NHNN: Khó giảm lãi suất cho vay nếu không xử lý nợ xấu

Thứ ba, 23/05/2017, 08:55
Báo cáo Quốc hội về phương án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ ra 6 khó khăn lớn hiện nay.    

Chiều 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã báo cáo trước Quốc hội về kế hoạch xử lý nợ xấu.

Thiếu cơ chế khuyến khích mua bán nợ xấu

Ông cho biết sau gần 4 năm thực hiện đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), hiện tại, quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 6 khó khăn cần được tháo gỡ trong quá trình xử lý nợ xấu hiện nay.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Thắng Quang.

Thứ nhất, ông Hưng cho biết hiện nay vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện xử lý nợ xấu, đặc biệt là quá trình làm hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm.

Việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án cũng rất chậm, không hiệu quả do quá trình xét xử, thi hành án có nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài thời gian.

Thứ hai, việc xử lý nợ xấu bằng việc xử lý tài sản bảo đảm, quá trình bán nợ, thu nợ còn nhiều hạn chế. Điều này khiến việc xử lý nợ xấu triệt để khó khăn.

Thứ ba, nhiều khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài.

Ông Hưng cũng cho biết hiện nay cơ chế về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn cho các tổ chức tín dụng và VAMC như thiếu cơ chế khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu.

Bên cạnh đó, thị trường mua bán nợ chậm phát triển khiến việc xử lý nợ xấu kéo dài hơn, gia tăng chi phí cho cả tổ chức tín dụng, khách hàng và nền kinh tế

Thứ năm, sau gần 4 năm đi vào hoạt động, VAMC hiện còn thiếu nguồn lực, cơ chế, quy định pháp lý để xử lý nhanh tài sản đảm bảo và nợ xấu đã mua.

Cuối cùng, Thống đốc NHNN cho biết hiện nay nợ xấu, nợ tiềm ẩn đang có nguy cơ tăng trở lại.

Theo đó, tính đến hết năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% tổng dư nợ cho vay trong nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn thì tỷ lệ này lên tới 10,08%, cao hơn rất nhiều con số thực.

BIDV hiện vẫn là ngân hàng có khối lượng nợ xấu nội bảng lớn nhất hệ thống, trong khi đó, Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lớn nhất. Đồ họa: Quang Thắng.

Quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng chưa được bảo vệ

Ông Lê Minh Hưng cũng cho biết nguyên nhân chính của những khó khăn này do cơ chế, chính sách, pháp luật về nợ xấu hiện nay chưa hoàn thiện và chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD.

Theo đó, trong việc xử lý đất đai là tài sản đảm bảo của các khoản nợ, pháp luật hiện hành chỉ cho phép mua, bán nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, nhưng chưa có quy định cụ thể về bán nợ thấp hơn giá trị ghi sổ...

Bên cạnh đó, chi phí và thời gian trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo qua tòa án cũng không hiệu quả. Nếu như thời gian giải quyết theo quy định vào khoảng 400 ngày thì thời gian thực tế phải đợi lên tới 2 năm, chi phí cũng chiếm khoảng 29% giá trị đòi nợ.

Theo ông Hưng nếu những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu không được xử lý sẽ không thể huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia quá trĩnh ử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, sẽ kéo dài thời gian xử lý nợ xấu, đồng nghĩa với việc kéo dài khoản nợ xấu tạo ra nguy cơ rủi ro lan truyền trong hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng, nếu nợ xấu không được xử lý triệt để sẽ khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng, khó giảm được lãi suất cho vay, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Theo Zing

Các tin cũ hơn