Kiểm toán phát hiện hàng loạt "lỗ hổng" trong quản lý nợ công

Thứ hai, 22/05/2017, 08:54
Con số nợ công tại ngày 31/12/2015 sau khi được Kiểm toán Nhà nước xác định lại ở mức 2.556.039 tỷ đồng, đã giảm hơn 52.000 tỷ đồng so với báo cáo của Chính phủ. Tuy vậy, cơ quan kiểm toán đã chỉ ra hàng loạt "lỗ hổng" trong quản lý nợ công từ trung ương cho tới địa phương. Gánh nặng nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trong những năm tiếp theo ngày càng lớn.

Bộ Tài chính chậm trễ trong việc lập báo cáo

Theo Báo cáo của Chính phủ số 464/BC-CP ngày 19/10/2016 về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, nợ công đến 31/12/2015 là 2.608.421 tỷ đồng, bằng 62,2%GDP.

Tuy nhiên, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho hay, cơ quan này xác định nợ công đến 31/12/2015 theo Luật Quản lý nợ công chỉ là 2.556.039 tỷ đồng, bằng 61% GDP, giảm 52.382 tỷ đồng so với số báo cáo của Chính phủ.

Nếu tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014, 2015 số tiền 25.219 tỷ đồng và 8.171 tỷ đồng bù đắp bội chi năm 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công 2.589.429 tỷ đồng, bằng 61,8% GDP, nợ Chính phủ là 2.098.022 tỷ đồng, bằng 50% GDP.

Ngay cả khi không có bảo lãnh của Chính phủ thì nợ DNNN vẫn có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín của Chính phủ.

Trong bản báo cáo vừa gửi đại biểu Quốc hội trước thềm diễn ra kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, cơ quan kiểm toán đánh giá, Bộ Tài chính vẫn chưa lập kịp thời báo cáo giám sát nợ, chưa lập Bản tin nợ công năm 2015 theo quy định của Luật Quản lý nợ công về báo cáo thông tin và công khai thông tin về nợ công.

Quản lý nợ công còn phân tán, thiếu đối chiếu; theo dõi, thống kê, tổng hợp và báo cáo số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định. Điều này dẫn đến việc Bộ Tài chính tổng hợp nợ công có thể chưa đầy đủ các khoản nợ Chính phủ, chính quyền địa phương.

"Hơn nữa, mặc dù nợ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không có bảo lãnh Chính phủ không phải nợ công nhưng nguy cơ tiềm tàng cao ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín Chính phủ khi DNNN thua lỗ, không trả được nợ", báo cáo lưu ý.

KTNN cũng chỉ ra một loạt những bất cập trong quá trình kiểm soát nợ công. Theo đó, đến 31/12/2015, Bộ Tài chính đã chuyển 4.438 tỷ đồng cho Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để thanh toán trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến hạn nhưng chưa được VEC ký nhận nợ, trong đó Bộ Tài chính tính vào nợ của Chính phủ 2.477 tỷ đồng.

Bộ Tài chính còn ghi thu ghi chi vốn cấp phát đối với vốn vay nước ngoài về cho vay lại của 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC (tổng số tiền đã ghi thu ghi chi 18.123 tỷ đồng chưa được quyết toán NSNN, trong đó năm 2014 là 10.783 tỷ đồng, năm 2015 là 7.340 tỷ đồng) khi các dự án chưa được chuyển đổi nguồn vốn đầu tư sang cấp phát và bổ sung kế hoạch vốn;

Đáng chú ý là chưa ký hợp đồng cho vay lại đối với khoản cho vay được cơ cấu lại từ nguồn trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD theo Quyết định số 1227 ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu nợ vay lại của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế năm 2005 và năm 2010.

Một số chương trình, dự án được Chính phủ cho phép miễn thế chấp tài sản không đúng quy định của Nghị định số 15 năm 2011 của Chính phủ, đơn cử như khoản thuê mua 4 máy bay Boeing B787-9, 2 máy bay A321 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines).

Hoạt động quản lý tài sản đảm bảo đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 15 năm 2011 của Chính phủ còn chậm trễ. Theo đó, đến thời điểm kiểm toán mới có 8 trong tổng số 61 dự án (chiếm 13%) ký hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo.

Nhiều khoản cho vay lại, vay được Chính phủ bảo lãnh không hiệu quả

KTNN cũng chỉ ra nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải cơ cấu lại:. Cụ thể, đến 31/12/2015, dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương 28.034 tỷ đồng (55 dự án 5.641 tỷ đồng và Vinashin 22.393 tỷ đồng), chiếm 9,1% tổng dư nợ.

Trong đó các khoản nợ quá hạn tương đương 9.730 tỷ đồng gồm: Vinashin 6.562,8 tỷ đồng; 8 dự án đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) 1.402 tỷ đồng; dự án Xi măng Hạ Long 268 tỷ đồng; dự án Thiết bị thi công công trình - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 là 185 tỷ đồng; dự án Thủy điện Nậm Chiến 129,5 tỷ đồng.

5 dự án cho vay lại có nợ ứng vốn từ Quỹ tích lũy lên tới 1.217,8 tỷ đồng. Trong đó, Xi măng Hải Phòng 39,6 tỷ đồng; Xi măng Thái Nguyên 575,2 tỷ đồng (quá hạn 411 tỷ đồng); Thủy điện ĐakMi4 13,3 tỷ đồng; Chính phủ Lào 68,9 tỷ đồng; Vinashin 520,5 tỷ đồng (được khoanh nợ từ 2015).

Có 10 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với dư nợ trên 199 triệu USD với 7 dự án nợ quá hạn và phải khoanh nợ xấp xỉ 106 triệu USD, chiếm 53,2% tổng dư nợ ứng vốn từ Quỹ tích lũy. Trong đó, dự án Nhà máy sản xuất bột Giấy Phương Nam 60,42 triệu EUR (quá hạn 41,9 triệu EUR, khoanh nợ từ năm 2014); dự án Xi măng Hạ Long 52,21 triệu EUR (quá hạn 23,51 triệu EUR); dự án Xi măng Thái Nguyên 30,79 triệu EUR (nợ quá hạn 14,27 triệu EUR).

Những tình trạng nói trên, theo KTNN đã làm gia tăng nghĩa vụ của Quỹ tích lũy và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trong những năm tiếp theo.

Chưa dừng tại đó, KTNN cũng cho hay, công tác hoàn trả NSNN các khoản vay về cho vay lại chưa đầy đủ, kịp thời. Cụ thể đó là khoản trả lãi trái phiếu quốc tế 2014 (cho vay lại SBIC) số tiền 24 triệu USD tương đương 515 tỷ đồng và khoản trả lãi năm 2015 của dự án đường cao tốc Bắc Nam 35 tỷ đồng (dự án cho vay lại của VEC).

Trong việc quản lý nợ địa phương, một số địa phương chưa xây dựng hạn mức vay, không lập kế hoạch vay và trả nợ vay, bố trí cho các công trình không đúng mục đích, danh mục đăng ký; chưa lập và gửi báo cáo về nợ chính quyền địa phương theo quy định.

Thậm chí, có đến 14/46 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại 31/12/2015 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật NSNN như: tỉnh Hòa Bình 101,6%; Quảng Trị 88%; Ninh Thuận 84%; Nghệ An 74%; Ninh Bình 69%; Nam Định 67%; Tuyên Quang 60%; Phú Thọ 55%; Đắk Nông 55%; Thái Bình 54,9%; Khánh Hòa 52,2%; Quảng Bình 44%; Hà Nam 40%; Hải Dương 39%.

Một số khoản vay trong năm của địa phương nhưng đến hết năm 2015 không giải ngân hết. Cá biệt, tỉnh Quảng Ninh phát hành trái phiếu nhưng phân bổ, sử dụng không kịp thời làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn