|
KTNN kiến nghị kiểm soát chặt chẽ lưu lượng phương tiện qua các trạm BOT |
Kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm
Chiều 22/5, báo cáo Quốc hội về kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, hầu hết các dự án BOT áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu. Việc xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế. Cụ thể, nhiều đơn vị chỉ dựa trên số liệu thống kê của tư vấn khảo sát trong 2 – 3 ngày để nội suy ra lưu lượng phương tiện trong 365 ngày, hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã cũ để nội suy.
Bên cạnh đó, quá trình nghiệm thu, thanh toán còn sai sót. Kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2016 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện hơn 1.150 tỷ đồng; góp vốn chủ sở hữu chưa đúng tỷ lệ cam kết; tiến độ thi công chưa đảm bảo; chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, việc xác định khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70 km. Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 01 tháng, 12 ngày (dự án công trình mở rộng QL1 đoạn Km 1488-Km1525, tỉnh Khánh Hòa).
KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT bổ sung tiêu chí đánh giá năng lực quản lý đầu tư các dự án ngành GTVT vào các quy định đánh giá lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT giao thông và đưa thêm chủ thể đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vào hợp đồng BOT. Đồng thời nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp, chế tài xử lý trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
KTNN cũng đề nghị nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện dự án BOT giao thông, đồng thời khẩn trương chỉ đạo các Nhà đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu phí không dừng
Cùng với đó, cần quy định về việc thường xuyên công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án BOT khi đàm phán và ký kết hợp đồng BOT; Quyết toán các dự án BOT đồng thời hoàn thiện cơ chế quản lý dự án BOT giao thông chặt chẽ, hiệu quả.
30/48 địa phương phát sinh nợ đọng XDCB
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, số nợ đọng XDCB vốn ngân sách trung ương và trái phiếu Chính phủ đến 31/12/2014 là 21.416,641 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy, Bộ KH&ĐT chưa tổng hợp số nợ đọng nguồn ngân sách địa phương để báo cáo Chính phủ theo quy định.
Ngoài ra, 30/48 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng XDCB mới 7.227,3 tỷ đồng, điển hình như: tỉnh Phú Thọ 1.589,04 tỷ đồng, Thái Bình 1.320,28 tỷ đồng, Bắc Ninh 490,96 tỷ đồng, Nam Định 467,35 tỷ đồng, Quảng Ninh 444,14 tỷ đồng, Bình Định 385,23 tỷ đồng… Các cơ quan trung ương 107,18 tỷ đồng, trong đó Bộ Tài chính có 14 dự án với 79,56 tỷ đồng; Bộ Xây dựng 2 dự án với 27,62 tỷ đồng.
Theo KTNN, tỷ lệ nợ đọng XDCB đến hết 31/12/2015 so với tổng chi đầu tư phát triển năm 2015 của một số địa phương còn lớn; một số địa phương chưa xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng XDCB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xác định rõ nợ đọng XDCB, các khoản ứng trước chưa thu hồi chi tiết theo từng dự án trong danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn để làm cơ sở kiểm soát chặt chẽ, xác định trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương không báo cáo đúng đắn, trung thực số liệu nợ đọng XDCB, vốn ứng trước chưa thu hồi.
Theo Tiền Phong