PVN vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình xử lý tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp kém hiệu quả. Trong đó, việc xử lý Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (nhà máy đóng tàu Dung Quất) tập đoàn cho biết ngày 25/7 đã có văn bản báo cáo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ Công Thương về phương án xử lý.
PVN đưa ra 4 kiến nghị, thứ nhất là đề xuất bán nhà máy đóng tàu Dung Quất theo hành lang pháp lý đã được Chính phủ quy định. Trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản.
Công nhân làm việc tại nhà máy đóng tàu Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng. |
Đề xuất thứ hai của PVN là uỷ quyền cho Hội đồng thành viên PVN quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình thực hiện phương án được duyệt.
Thứ ba, PVN đề xuất có cơ chế giao một số phần việc cho nhà máy đóng tàu Dung Quất thực hiện. Việc này nhằm đảm bảo đời sống, việc làm và ổn định tư tưởng, tâm lý cho cán bộ, công nhân viên chức của nhà máy.
Thứ 4 là Bộ Công Thương sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hồ sơ đối với tàu 104.000 DWT. Kết quả kiểm toán sẽ là cơ sở để xác định giá trị, nhằm xử lý dứt điểm việc bàn giao giữa PVN và Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam.
Liên quan đến việc xử lý các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý theo quy định, PVN cho biết Hội đồng thành viên đang xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh lý, dự kiến trong tháng 8 sẽ hoàn thành.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, ông Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà máy đóng tàu Dung Quất, cho biết Chính phủ đang xem xét 3 kịch bản cho nhà máy đóng tàu Dung Quất. Một trong các phương án là phá sản.
Ụ tàu số 2, nhà máy đóng tàu Dung Quất rơi vào tình cảnh bỏ hoang - hệ lụy đầu tư dàn trải của Vinashin. Ảnh: Minh Hoàng. |
Nếu thực hiện phương án phá sản, PVN có thể mất khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã rót cho nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Trước đó, PVN đã chuyển Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất gần 2.000 tỷ đồng góp vốn điều lệ và trên 3.100 tỷ đồng để thanh toán nợ cũ cho Vinashin.
Theo Bộ Công Thương, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư.
Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế, trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.
Bộ này đánh giá phương án phá sản có nhiều khó khăn nhất định, gây ra thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên, nếu các phương án khác không khả thi thì có thể xem xét, trình Thủ tướng quyết định.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất (Quảng Ngãi). |
Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được thành lập ngày 20/2/2006, là thành viên của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Năm 2010, nhà máy được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) quản lý, khai thác.
Do những khó khăn từ thời Vinashin, nhiều năm qua, nhà máy chìm trong thua lỗ, nợ lương. Gần đây tình hình kinh doanh có cải thiện nhưng vẫn chưa xóa bỏ được khoản lỗ lũy kế lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của PVN, đến cuối năm 2015, tập đoàn vẫn nắm 100% vốn tại công ty này, tương ứng 1.990 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà máy liên tục thua lỗ khiến PVN phải trích lập dự phòng rủi ro đầu tư 100%.
Theo Zing