Nghị định số 141 của Chính phủ quy định đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), mức vốn pháp định áp dụng cho đến ngày 31-12-2010 phải là 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2010, theo thống kê còn rất nhiều ngân hàng có vốn điều lệ dưới 3.000 tỉ đồng. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình Chính phủ việc giãn tiến độ đến ngày 31-12-2011. Như vậy chỉ còn không đầy hai tháng nữa là đến hạn mà các NHTM phải đưa mức vốn lên 3.000 tỉ đồng.
Tiếp tục tăng gần 20.000 tỉ
Tính từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng tăng tốc để tăng vốn trước thời hạn 31-12 như HDBank, TrustBank, OceanBank… Theo số liệu công bố trên của NHNN thì hiện nay chỉ còn khoảng bốn ngân hàng chưa tăng đủ vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong bốn ngân hàng còn lại này số vốn điều lệ của họ đều không còn xa mức 3.000 tỉ đồng là bao nhiêu. TS Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, nhận định các ngân hàng này cũng sẽ thực hiện được kế hoạch tăng đủ 3.000 tỉ đồng trước ngày 31-12-2011.
Không chỉ các NHTM chưa đạt 3.000 tỉ đồng chạy đua tăng vốn điều lệ để đáp ứng lộ trình theo quy định của NHNN mà cả những ngân hàng lớn đã vượt mức vốn quy định cũng ồ ạt lên kế hoạch tăng vốn thêm nữa. Cụ thể như VPBank tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỉ lên 5.050 tỉ đồng. Trong tháng 7, Techcombank cũng đã có quyết định về việc tăng vốn điều lệ từ 6.932 tỉ lên trên 8.788 tỉ đồng… Nhiều ngân hàng có số vốn trên 10.000 tỉ đồng cũng tiếp tục tăng vốn điều lệ. Như Vietcombank tăng vốn điều lệ từ trên 17.587 tỉ lên 19.698 tỉ đồng và trong kế hoạch sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên mức 24.622 tỉ đồng từ nguồn thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài vào cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012.
Vietcombank có số vốn trên 10.000 tỉ đồng cũng tiếp tục tăng vốn điều lệ để phát triển
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), mục đích của việc tăng vốn điều lệ là để giúp ngân hàng hoạt động vững chắc, nguồn lực dồi dào hơn.
Tăng vốn khác với thanh khoản
Tuy nhiên, theo TS Hoàng Công Gia Khánh, vốn điều lệ không phải là thước đo sự an toàn, khả năng thanh khoản của ngân hàng, vì vậy các ngân hàng tăng vốn lên mức cao trong thời gian gấp rút chưa hẳn đã hợp lý.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, tăng vốn điều lệ là một việc, còn thanh khoản là câu chuyện khác. Nếu ngân hàng tăng vốn điều lệ bằng tài sản thì không có tác dụng thanh khoản. Bởi thanh khoản đơn giản bao gồm những tài sản dễ chuyển thành tiền nhất. “Vì thế theo tôi, nếu ngân hàng nâng vốn điều lệ bằng tiền mặt sẽ là tốt nhất vì vừa có tác dụng nâng tài sản mà thanh khoản lại cao. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một yếu tố trong vấn đề thanh khoản mà thôi” - ông Thành nói.
Theo thông lệ, ông Khánh cho hay để so sánh quy mô của một ngân hàng, người ta dùng tài sản làm tiêu chí chứ không dùng vốn điều lệ. Bởi lẽ nguồn vốn chủ yếu của ngân hàng là từ tiền vay chứ không phải từ vốn điều lệ. Ở các nước phát triển luôn tồn tại song hành các ngân hàng có quy mô lớn và các ngân hàng có quy mô nhỏ. Cụ thể, ngân hàng lớn như các ngân hàng siêu khu vực, ngân hàng quốc tế. Các ngân hàng có quy mô nhỏ đó là các ngân hàng địa phương, hoạt động giới hạn trong phạm vi địa lý theo luật, họ bị giới hạn nghiệp vụ hoạt động. Vì vậy các ngân hàng này sẽ chọn những phân khúc thị trường đặc thù mà các ngân hàng có quy mô lớn không xem là mục tiêu.
“Trên thế giới có khá nhiều ngân hàng có vốn điều lệ chỉ vào khoảng chục tỉ đồng, quy ra chỉ khoảng vài triệu USD. Thế nhưng họ vẫn tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các chỉ tiêu an toàn, được giám sát chặt chẽ, vì vậy họ vẫn hoạt động rất hiệu quả” - ông Khánh nói.
Rạch ròi giữa ngân hàng đầu tư và NHTM Ở thế giới, người ta phân biệt rõ NHTM và ngân hàng đầu tư. Chính vì thế NHTM chỉ chuyên làm nhiệm vụ nhận tiền gửi và cho vay. Còn ngân hàng đầu tư thì được dùng tiền gửi để đi đầu tư kinh doanh. Bởi vậy, tuy họ có hàng nghìn ngân hàng nhưng chủ yếu nằm ở dạng các quỹ tín dụng. Các quỹ này được quản trị rất tốt và quản lý rủi ro cao. Chính vì thế, vấn đề không phải là vốn điều lệ bao nhiêu mà là quản trị và kiểm soát rủi ro thế nào. Một chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam |
(Theo Pháp Luật TP)