Tái cơ cấu ngân hàng: “Thuốc đắng” có “dã tật”?

Thứ năm, 03/11/2011, 09:51
Chưa bao giờ vấn đề tái cơ cấu lại “nóng” và được bàn luận nhiều đến vậy. Trên diễn đàn Quốc hội đang họp ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ coi tái cơ cấu là chuyện trọng điểm trong bước chuyển của nền kinh tế hiện nay.
 

Tái cấu trúc toàn diện để các ngân hàng thương mại phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không phải là vấn đề mới được đặt ra, song khâu triển khai lại rất chậm. Khi tình hình thanh khoản của các ngân hàng nhỏ trở nên căng thẳng hơn trong thời gian gần đây, việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng lại được nhắc lại một lần nữa.

Trong 10 kiến nghị ổn định kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (QH) khóa XII và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vừa gửi đến QH khóa XIII, một trong những kiến nghị quan trọng được đề cập đó là phát triển đồng bộ và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, giảm thiểu rủi ro thông qua hệ thống giám sát an toàn thị trường tài chính nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng là nền tảng cơ bản để ổn định kinh yế vĩ mô và phát triển bền vững.

Tại kiến nghị này, các nhà kinh tế cho rằng, trong những năm 90 của thế kỷ trước, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn khá khép kín và bị chi phối bởi khu vực nhà nước. Bước sang thâp niên đầu tiên của thế kỷ 21, thị trường tài chính tiền tệ đã có bước tăng trưởng nhanh chóng cùng với sự ra đời của thị trường chứng khoán và hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân được thành lập. Mặc dù tăng nhanh về số lượng và tổng tài sản, hệ thống ngân hàng vẫn chưa thực sự phát triển, một bộ phận ngân hàng thương mại cổ phần là những ngân hàng quy mô nhỏ, quản trị rủi ro kém và rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính vẫn lấy ngân hàng thương mại làm trung tâm, theo đó, tín dụng ngân hàng đóng vai trò chủ chốt cung cấp vốn cho sự vận hành của nền kinh tế và gắn với khu vực doanh nghiệp và các thị trường tài sản. Những đặc điểm này khiến hệ thống tài chính – ngân hàng đang đối diện với một số rủi ro lớn như: Rủi ro thanh khoản; rủi ro đạo đức (hành vi thiếu trách nhiệm) đi kèm với rủi ro nợ xấu; rủi ro chéo với các thị trường tài sản… Với những rủi ro trên hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay trở nên rất nhạy cảm và dễ tổn thương trước những cú sốc vĩ mô bất lợi.

Vì vậy, việc phát triển hệ thống ngân hàng lành mạnh thông qua tạo môi trường thông tin minh bạch và cơ chế thanh lọc những ngân hàng yếu kém, cương quyết xử lý những ngân hàng vi phạm pháp luật, giảm thiểu rủi ro thông qua cơ chế giám sát an toàn hệ thống ngân hàng và cảnh báo sớm có hiệu quả… nhằm xây dựng một hệ thống bền vững và an toàn là nền tảng cơ bản về ổn định kinh tế vĩ mô…

Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại hiện đang được xem là một nhiệm vụ cấp bách. TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, tái cấu trúc các ngân hàng thương mại, đặc biệt về tổ chức và tài chính là một trong những trọng tâm của chương trình tái cấu trúc nền kinh tế nước ta. Theo đó, tái cấu trúc được tiến hành trên nền tảng áp dụng các thông lệ chuẩn mực ngân hàng quốc tế về quản trị ngân hàng thương mại. Có thể tái cấu trúc tài chính, “làm sạch” bản cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại và định chế tài chính; xây dựng một chiến lược kinh doanh mới trên nền tảng cạnh tranh quốc tế phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường tài chính trong nước; cải cách hệ thống kế toán theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt các chuẩn mực về báo cáo tài chính… 

Cơ cấu lại các ngân hàng thương mại là điều cần thiết, song phải tiến hành ra sao và theo hướng nào thật không phải dễ. Một số chuyên gia kinh tế đã cho rằng, cơ cấu lại ngân hàng thương mại là cơ cấu theo hướng mới, không nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao bằng mọi giá mà thay vào đó là một mức tăng trưởng hợp lý, bền vững. Ts. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, đánh giá, để tái cấu trúc, việc đầu tiên là phải rà soát tổng thể hệ thống ngân hàng, đặc biệt là minh bạch hóa mọi thông tin liên quan đến hoạt động của loại hình doanh nghiệp đặc biệt này. Trước khi thực hiện tái cấu trúc, NHNN phải đánh giá được thực trạng của hệ thống ngân hàng hiện nay, phân tích những yếu kém cụ thể là gì, xuất phát từ đâu, giải pháp khắc phục cụ thể với từng ngân hàng ra sao. Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hệ thống ngân hàng của chúng ta hiện nay đông về số lượng nhưng không mạnh về năng lực tài chính và năng lực quản trị. Thời gian qua, số lượng ngân hàng và các định chế tài chính ra đời nhiều và diễn ra trong thời gian khá ngắn nên quản trị của các ngân hàng này rất yếu.

Đã đến lúc cần tiến hành khảo sát, đánh giá mô hình cấu trúc hiện tại của các ngân hàng thương mại, tìm ra những điểm hợp lý cũng như bất hợp lý để xây dựng mô hình cấu trúc mới một cách toàn diện cho các ngân hàng thương mại phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
 
(Theo Công Luận)

 

Các tin cũ hơn