Để tránh vạ lây cho những ngân hàng nhỏ nhưng hoạt động an toàn, Ngân hàng Nhà nước nên công bố chất lượng hoạt động các ngân hàng để người dân có thêm cơ sở lựa chọn.
Ngân hàng nhỏ bức xúc
Một số thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thiết lập lại trần lãi suất 14%/năm, tốc độ tăng tiền gửi ở không ít ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ bị giảm. Cùng đó, một lượng tiền, chủ yếu tiền gửi ở nhóm dân cư được rút ra khỏi ngân hàng khá bất thường.
Mặc dù không ở trong cảnh ngộ trên, nhưng một số ngân hàng nhỏ bắt đầu lên tiếng về thực tế mù mờ này.
Theo Tổng giám đốc KienlongBank Trương Hoàng Lương, gần đây, gắn với chủ trương tái cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng, nhiều thông tin rùm beng rằng, ngân hàng nhỏ là yếu hoặc sắp mất thanh khoản nên cần sáp nhập và tái cơ cấu. Điều này khiến người gửi tiền không muốn rút cũng phải rút.
Ông Lương nói: “Tái cơ cấu là làm cho thị trường lành mạnh. Ngân hàng nhỏ nếu hoạt động tốt thì phải tạo điều kiện để họ phát triển; còn những ngân hàng nào không đứng vững được, làm bậy bạ thì mới phải bắt buộc sáp nhập hay mua lại, chứ sao cứ vơ đũa cả nắm rằng cứ nhỏ là yếu?”.
Tổng giám đốc KienlongBank dẫn chứng, ở những đợt sốt thanh khoản trước đây, trong khi một số ngân hàng lớn cũng dính “trọng bệnh” này thì KienlongBank vẫn duy trì tốt cân đối nguồn, tài sản “Có” vẫn giữ được sự lành mạnh cần thiết, thậm chí còn cho vay liên ngân hàng. Tính đến nay, tổng huy động vốn đạt 11.119 tỷ đồng trong khi dư nợ chỉ 7.526 tỷ đồng tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng dành 60% tỷ trọng tín dụng cho “tam nông” trong khi cho vay chứng khoán chỉ vài chục tỷ đồng, cho vay bất động sản hơn 200 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 1,66%/tổng dư nợ, thấp hơn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Trong 17 năm hoạt động, KienlongBank chưa bao giờ vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước.
Có cùng suy nghĩ với ông Lương, ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nguồn tái cấp vốn ở mức thấp, lãi suất tái cấp vốn nâng từ 14%/năm lên 15%/năm. Chỉ khi nào thị trường quá căng, nhà điều hành mới “nhả” một ít. “Đợt thanh khoản căng thẳng vừa qua không loại trừ một số đại gia gửi tiền cá nhân đã rút về mua vàng và USD do đồn đại thiếu chính xác về thanh khoản kém ở một số ngân hàng”.
Theo ông Hưởng, thị trường càng khó khăn, càng dễ kinh doanh nếu thanh khoản vững chắc. “Chúng tôi tuy là ngân hàng nhỏ nhưng cân đối nguồn rất tốt. Đợt này, giao dịch liên ngân hàng không bị ràng buộc đủ thứ như trước nên cho vay tốt hơn. Tiếng là hỗ trợ bạn hàng nhưng lại kiếm ăn tốt”, ông Hưởng khoe.
Quy mô quyết định chất lượng?
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc TienPhongBank, khi thị trường cùng một mặt bằng giá, người dân sẽ chọn ngân hàng an toàn để gửi tiền. Điều đó không có gì lạ do xuất phát từ quan niệm: quy mô lớn tạo cảm giác an toàn hơn.
“Nhưng quy mô lớn không có nghĩa là chất lượng dịch vụ tốt, giá cả dịch vụ tốt và đặc biệt không có nghĩa là quản trị rủi ro tốt. Thậm chí, nếu quy mô lớn nhưng vượt quá khả năng quản trị của các nhà quản lý ngân hàng thì còn tệ hơn là quy mô nhỏ nhưng thận trọng”, ông Anh phân tích.
Theo ông, ngân hàng nhỏ thường linh hoạt và năng động hơn, dễ dàng thích ứng với tình hình thị trường. Cơ cấu tài sản của ngân hàng nhỏ cũng rõ ràng mạch lạc hơn, dễ dàng quản trị rủi ro hơn. Hơn nữa, ngân hàng nhỏ đang đứng trước áp lực cạnh tranh lớn nên phải tạo dựng và gìn giữ uy tín và luôn đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu trong mọi trường hợp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ công bố xếp hạng mức độ tín nhiệm hay chất lượng thanh khoản các tổ chức tín dụng, nếu đặt mình vào vị thế người gửi tiền, thật khó có thể làm khác quan niệm “to là an toàn”.
Vậy thì, người dân nên dựa vào những tiêu chí nào để vừa an toàn, vừa sinh lời?
Ông Anh cho rằng, khả năng đảm bảo thanh khoản của ngân hàng luôn được Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ bằng nhiều quy định và biện pháp, thông tin này hiếm khi được công bố. Vì thế, sẽ rất khó để thấy sự khác biệt, nếu nhìn vào thanh khoản. Bên cạnh đó, tiền gửi toàn thị trường đang chung một giá vốn nên lãi suất không đặt ra nữa.
Vì thế, các yếu tố khác như: sự tiện lợi, sản phẩm năng động, khả năng tạo lập và giữ khách hàng trung thành sẽ được người dân quan tâm.
Cũng theo lãnh đạo một số ngân hàng khác, muốn tồn tại, các ngân hàng phải xác định rõ phân khúc thị trường và không nên hoạt động chồng lấn lên phân khúc của nhau. Đơn cử, nếu huy động vốn ở Kiên Giang và khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì KienlongBank mặc dù quy mô không lớn so với Agribank nhưng lại là đối thủ đáng gờm của bất kỳ ngân hàng nào.
Hoặc, trong lĩnh vực ngân hàng điện tử, gắn với nền tảng công nghệ thì TienPhongBank lại có những ưu thế với những dòng sản phẩm: tiết kiệm điện tử thông qua cú “kích chuột” như dịch vụ thẻ, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, nộp thuế trực tuyến, mobile banking...
Như vậy, khi chọn ngân hàng gửi tiền, ngoài việc dựa vào tiêu chí quy mô, thương hiệu, có lẽ người dân cũng cần tìm hiểu thêm về khả năng cung cấp dịch vụ, sản phẩm, xu hướng phát triển bền vững.
Thứ hai, để tránh vạ lây cho những ngân hàng nhỏ nhưng hoạt động an toàn, Ngân hàng Nhà nước nên công bố chất lượng hoạt động các ngân hàng để người dân có thêm cơ sở lựa chọn.
Hiện có khoảng 50 ngân hàng thương mại trong nước nhưng số ngân hàng nội lên sàn niêm yết chứng khoán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có lộ trình để thúc đẩy các ngân hàng thương mại lên sàn chứng khoán càng sớm càng tốt. Nhờ đó, thông tin về chất lượng hoạt động sẽ được minh bạch, người gửi tiền có cơ sở lựa chọn ngân hàng tốt, đồng thời tránh được tình trạng “xập xí, xập ngầu” khi đánh giá về chất lượng ngân hàng như hiện nay.
(Theo VnEconomy)