Theo các chuyên gia bất động sản, giá nhà đất còn tiếp tục giảm sát với giá trị thực tế
Mới chỉ là bớt lãi
Trước việc PVL giảm giá, bán tháo nhà để thu hồi vốn, GS-TSKH Đặng Hùng Võ khẳng định: “Đây là hiện tượng rất tốt vì giá nhà đất sẽ xuống sát với thực tế và người dân có thêm điều kiện để mua được nhà để ở. Sau PVL chắc chắn sẽ còn nhiều doanh nghiệp phải giảm giá nhà đất. Việc này sẽ giúp thị trường bất động sản dần ổn định”. Ông Đặng Hùng Võ phân tích đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và theo đúng quy luật của thị trường. “Việc giảm giá này cũng chưa đến mức doanh nghiệp phải bán lỗ mà giá này vẫn có lãi, thậm chí vẫn còn lãi lớn. Doanh nghiệp đã kiếm lãi lớn trong suốt thời gian dài nay bớt lãi một chút thì phải chấp nhận” – ông Võ nói.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, cũng là một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản, cho biết khi Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng dẫn đến thu hẹp nhà đầu tư thứ cấp, nhỏ lẻ và chủ đầu tư dự án đến hạn trả nợ ngân hàng thì việc doanh nghiệp hạ biên độ lợi nhuận, giảm giá để mong bán được sản phẩm là điều tất yếu xảy ra. Thậm chí trước sức ép kỳ hạn của ngân hàng hay để tái đầu tư ở các dự án khác mà thị trường vẫn đóng băng thì doanh nghiệp còn phải bán hòa vốn hoặc dưới giá thành để thu hồi vốn.
Cùng nhận định như ông Đặng Hùng Võ, ông Nguyễn Hữu Cường cho biết từ nay đến cuối năm sẽ còn thêm nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh như PVL. Việc tăng, giảm giá hoàn toàn theo quy luật, sự ngẫu hứng của thị trường bất động sản và là điều kiện tốt hơn để người dân mua được nhà. Đây cũng là thời điểm để các nhà đầu tư còn vốn thu mua nhà đất chờ thị trường “ấm” trở lại bán kiếm lời.
Không lo ảnh hưởng chung
Giải đáp về những lo ngại việc bán tháo nhà đất có thể gây ra những hệ lụy xấu cho nền kinh tế - xã hội, GS Đặng Hùng Võ trấn an việc xuống giá sẽ còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới và sẽ chẳng ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến các ngành khác và thị trường chứng khoán vốn đã trầm lắng. Cả thời gian dài doanh nghiệp lãi to nên nay thua lỗ cũng phải chấp nhận mà không thể kêu cứu. Nhà nước chỉ nên can thiệp vào thị trường bất động sản khi gây ra sự đổ vỡ rộng hơn với số lượng rất lớn doanh nghiệp thua lỗ nặng, mất khả năng thanh khoản.
Theo ông Võ, vào cuối năm 2008, thị trường bất động sản đã rơi vào tình trạng ảm đạm và xuống giá tương tự như thời gian qua nhưng sau đó có gói kích cầu của Nhà nước nên vực dậy nhanh chóng. Tuy nhiên, trong bối cảnh quyết liệt kiềm chế lạm phát như hiện nay, chắc chắn Chính phủ sẽ không đưa ra gói kích cầu đối với bất động sản.
Ông Nguyễn Hữu Cường cho biết đây cũng là tín hiệu khẳng định thêm thị trường bất động sản không bền vững và đồng thời là thước đo “sức khỏe” đối với các doanh nghiệp. Như mọi “cuộc chơi” khác trên thương trường, bất động sản là lĩnh vực cũng mang nhiều rủi ro. “Khi thị trường ảm đạm, doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính thì tất yếu rơi vào cảnh khó khăn hoặc khó trụ vững đúng như câu buôn tài không bằng dài vốn” – ông Cường bộc bạch.
Giải pháp đúng Trước việc Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí chấp nhận lỗ 70 tỉ đồng để bán 85 căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark với giá 15,5 triệu đồng/m2 (giá trước đó là 21,36 triệu đồng/m2) để thanh toán nợ ngân hàng, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm khẳng định đây cũng là một nguy cơ nhưng không tới mức dẫn tới đổ vỡ thị trường bất động sản. Ông Kiêm lý giải việc doanh nghiệp hạ giá bán sản phẩm là do khó khăn và đến thời hạn trả vốn cho ngân hàng. Giải pháp này là đúng, còn hơn ngồi giữ giá mà phá sản. Mặt khác, theo ông Kiêm, mức giá mà doanh nghiệp bán ra có thể cũng chưa tới mức giá gốc vì lâu nay giá nhà đất là giá ảo. |