Lập lại trật tự thị trường tiền gửi: Các ngân hàng lên tiếng

Thứ tư, 02/11/2011, 04:45
Nằm trong định hướng cải tổ, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có những bước đi khá cơ bản.   

TTTC

 

Có thể thấy, kinh doanh minh bạch, có trật tự là điều Ngân hàng Nhà nước đang muốn thực hiện để tiến xa hơn trong lộ trình sắp xếp, cải tổ lại hệ thống ngân hàng.

 

 

Trước hết thông qua việc thiết lập trần lãi suất tiền gửi 14%/năm và xử lý nghiêm khắc vi phạm, nhà điều hành đã triệt tiêu cách thức cạnh tranh thiếu lành mạnh lâu nay là dâng lãi suất lấy vốn của nhau. 

Tiếp đó, nâng lãi suất chủ chốt tái cấp vốn từ 14%/năm lên 15%/năm, để hạn chế việc tiếp cận nguồn vốn của những đơn vị hoạt động yếu kém. Những ngân hàng yếu thanh khoản chỉ còn cách vay trên thị trường 2 nhưng đó là cơ hội để các ngân hàng lớn, dư giả nâng giá vốn thông qua “lãi suất phạt”. 

Có thể thấy, kinh doanh minh bạch, có trật tự là điều Ngân hàng Nhà nước đang muốn thực hiện để tiến xa hơn trong lộ trình sắp xếp, cải tổ lại hệ thống ngân hàng. Nhưng, làm như thế nào để vừa kinh doanh có nề nếp nhưng hệ thống vẫn ổn định là điều rất khó. 

Những ngày này, thị trường đang chờ đợi những bước đi tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước, vừa không phá vỡ định hướng cải tổ hệ thống, vừa không bị mang tiếng “rụt tay” vì sợ “đập chuột làm vỡ bình hoa”. Trong khi đó, quan điểm của các ngân hàng ra sao? VnEconomy xin giới thiệu ý kiến của một số lãnh đạo ngân hàng thương mại.

Chớ nên một mất mười ngờ!
Bà Lê Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông (Agribank)

"Sau khi nhân viên của Agribank bị phát hiện vi phạm trần lãi suất, chúng tôi đã xử lý rất nghiêm khắc các trường hợp trên. Sau sự việc này, Agribank chia ra 5 vùng và họp với từng vùng, yêu cầu quán triệt đầy đủ Thông tư 30 của Ngân hàng Nhà nước, duy trì trật tự lãi suất tiền gửi 14%/năm.
Tôi nghĩ, với mức lãi suất này, các ngân hàng sẽ có điều kiện kéo lãi vay xuống mức thấp hơn, giảm tải chi phí vốn cho doanh nghiệp. Nhờ đó, giá thành sản phẩm, giá tiêu dùng sẽ giảm.
Hiện nay, có dư  luận rằng, ngân hàng lớn hút mất vốn ngân hàng nhỏ, nhưng tôi nghĩ, nếu tập trung chăm chút vào dịch vụ  khách hàng, thái độ phục vụ, sẽ thu hút được khách. Còn nói về chuyện giảm nguồn vốn thì tôi thấy, kể cả ngân hàng lớn cũng bị giảm chứ không riêng nhỏ. Tuy nhiên, phân tích ở góc độ từng chi nhánh ở Agribank thì những chi nhánh nào có chất lượng dịch vụ tốt, tác phong chuyên nghiệp thì tốc độ tiền gửi tăng và ngược lại, chi nhánh nào làm ăn kém hiệu quả, chất lượng hoạt động chưa tốt, quản lý kém thì tiền gửi giảm. 
Để ổn định được thị trường, cần có nhiều biện pháp nhưng tôi cho rằng, các phương tiện thông tin đại chúng nên tuyên truyền theo hướng: lãi suất toàn bộ thị trường chỉ 14%/năm, khách hàng có gửi ở đâu cũng mức đó thì sẽ không có chuyện ngân hàng này dùng mánh khóe lấy tiền của ngân hàng kia. Lúc đó, khách hàng sẽ yên tâm về mặt lãi suất và họ chỉ chọn những đơn vị có dịch vụ tốt, địa điểm thuận lợi để gửi tiền.
Khi không còn lãi suất nhấp nhô giữa ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn, có thể sẽ có một số đơn vị gặp khó khăn thanh khoản xuất phát từ những lý do như nói trên nhưng giải quyết vấn  đề này lại là câu chuyện khác. Ngân hàng Nhà nước có thể thông qua tái cấp vốn hoặc các cơ chế chính sách ưu tiên khác để các ngân hàng nhỏ yên tâm vì thanh khoản được bảo vệ. 

Còn khi đã đối mặt với người dân, lãi suất tiền gửi chỉ nên 14%/năm. Với mức đó, cho vay đã là 17%/năm và doanh nghiệp cũng khó khăn lắm rồi. Nếu cứ đưa đầu vào lên 17% - 18%/năm thì đầu ra 23-25%/năm, liệu có doanh nghiệp nào chịu nổi? Phải hiểu, tất cả lãi vay, cuối cùng sẽ ra giá bán hàng hóa dịch vụ và cuối cùng là người dân phải chịu.
Còn vấn đề dịch chuyển nguồn vốn, tôi có ý kiến thế này, ngày xưa, khách hàng có thể ở quận Hoàn Kiếm xuống gửi ở Từ Liêm vì có lãi cao nhưng nay, tất cả một mức như nhau thì ở đâu thuận lợi giao thông, uy tín, họ sẽ gửi. Đó cũng là điều bình thường của thị trường. Tất nhiên, các ngân hàng phải tăng cường giám sát lẫn nhau nhưng cũng đừng vì thế mà nghi ngờ dịch chuyển tiền gửi là có vấn đề mờ ám phía sau đó.
Ngay cả vi phạm của Agribank cũng là do ngân hàng khác phát hiện và báo lên Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi rất cám ơn vì điều này. Có  như thế, chúng tôi mới có điều kiện chấn chỉnh lại trật tự trong hệ thống, tránh lặp lại những sự cố đáng tiếc".

Quản trị kém thì phải chịu lãi suất phạt!
Bà Nguyễn Thị An Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB)

"Chúng tôi rất mừng vì Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra cơ hội để lập lại trật tự thị trường tiền tệ. Điều này sẽ giúp cho hoạt động của hệ thống ngân hàng trở nên lành mạnh và cạnh tranh sòng phẳng hơn.
Khi tất cả cùng thực hiện một mức lãi suất tiền gửi 14%/năm, sẽ có  hiện tượng những ngân hàng lớn, có uy tín, thương hiệu mạnh hút vốn từ những ngân hàng nhỏ. Đó là một xu thế nhưng kể cả với những ngân hàng lớn, thương hiệu mạnh, dịch vụ tốt, mặc dù có sự dịch chuyển khách hàng nơi khác đến với mình nhưng xét về tổng thể, tiền gửi vẫn bị tổn thương. 
Tôi nghĩ, đâu đó đã có sự sắp xếp lại đúng bản chất kinh tế tiền gửi nhưng cũng cần nghiên cứu tiếp mức lãi suất tiền gửi 14% đã đủ sức hấp dẫn đối với người gửi tiền hay chưa, sau khi đã loại trừ các yếu tố phản ánh sai lệch dòng tiền gửi. Bởi có một thực tế đang xảy ra: ngân hàng nhỏ bảo là tiền đang chuyển sang ngân hàng lớn; còn ngân hàng lớn cũng bị sụt giảm, vậy thì tiền đang ở đâu?
Phải thấy rằng, khi khách hàng mang tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác thì đừng vội nghĩ ông kia đang câu kéo tiền của mình, uẩn khúc mờ ám... mà hãy xem lại chất lượng dịch vụ của mình như thế nào, năng lực tài chính ra sao. Đằng này, khi chưa có đủ thông tin, đã vội phản ánh lên cơ quan quản lý, gây phiền phức cho cả người đi kiểm tra lẫn người bị kiểm, chưa kể, đó cũng là yếu tố thiếu lành mạnh trong hệ thống. 
Tôi nghĩ, khi cung cấp thông tin lên đường dây nóng, phải có trách nhiệm đưa những thông tin đủ dấu hiệu, đủ cơ sở để đạt hiệu quả cao trong việc tăng cường giám sát chéo lẫn nhau, thực hiện thành công một chủ trương đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
Xung quanh một số  gợi mở nên áp đặt trần lãi suất thị  trường liên ngân hàng, nhằm tránh tình trạng ngân hàng lớn chỉ nhăm nhăm cho vay và bắt chẹt ngân hàng đi vay, tôi cho rằng, không nên áp trần đối với loại lãi suất này. Lý do là bởi ngân hàng nào quản trị thanh khoản lỏng lẻo, sử dụng vốn nhiều hơn huy động thì chắc chắn phải đi mua vốn từ thị trường 2 và nhận vốn từ Ngân hàng Nhà nước. 
Ngân hàng nào quản trị yếu, thanh khoản thiếu bền vững thì phải mua vốn với giá phù hợp và đúng nhu cầu của mình cũng như mặt bằng giá trên thị trường. Đó cũng là cách để không khuyến khích những ngân hàng cho vay nhiều hơn huy động.
Trước chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thiết lập lại trật tự thị trường, tôi nghĩ, các ngân hàng nên tuân thủ triệt để, vừa lành mạnh cho thị trường, vừa lành mạnh cho cả chính mình. Không nên duy trì một thời gian ngắn để rồi đâu lại vào đó. Làm như vậy, những ngân hàng hoạt động hiệu quả, họ sẽ xứng đáng nhận được công bằng của thị trường, những ngân hàng hoạt động kém, làm méo mó thị trường, sẽ bị Ngân hàng Nhà nước xử lý nghiêm túc". 

Xót ruột, nhưng không cố hút tiền bằng mọi cách
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương (OceanBank)

"Từ tháng 8/2010, OceanBank đã triệt để chấp hành lãi suất tiền gửi 14%/năm và cũng từ thời điểm đó trở đi, chỉ lác đác vài ngày tiền gửi dân cư không bị sụt giảm. 
Mặc dù rất xót ruột khi tiền gửi bị rút nhưng chúng tôi kiên quyết chỉ đạo nhân viên không vì sợ chỉ tiêu khoán bị ảnh hưởng mà cố thu hút tiền bằng mọi cách. Trong thâm tâm, chúng tôi vẫn tin là bằng mọi cách, Ngân hàng Nhà nước sẽ lập lại trật tự thị trường tiền gửi và lúc đó, với sự tận tâm cũng như chất lượng dịch vụ, khách hàng sẽ quay lại với chúng tôi.
Cũng có trường hợp khách hàng rút 4 tỷ đồng ở một ngân hàng thương mại nhà nước gửi ở OceanBank nhưng sau khi thanh tra vào kiểm tra thì đúng là không có gì mờ ám. Thực chất, khách hàng này trước đây gửi ở OceanBank 6 tỷ, sau đó họ rút sang gửi ở một ngân hàng quốc doanh và khi quay về, chúng tôi vẫn thấy tiếc là bị hụt mất 2 tỷ đồng, chắc là họ đang gửi ở đâu đó.
Tôi biết những ngày này, nhiều ngân hàng đang cố sức giữ lại những khoản tiền tỷ, đặc biệt là đối với những khách hàng có món tiền lớn vẫn còn mặc cả. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã kiên quyết thiết lập trần lãi suất tiền gửi 14%/năm thì tất cả phải tuân thủ, nếu không, sẽ có nhiều đơn vị lao đao và tình trạng xé rào lãi suất lại tái diễn. 
Tuy nhiên, ở OceanBank vẫn có những khách hàng mang cả bọc tiền lớn đến gửi nhưng không thèm hỏi lãi suất bao nhiêu. Đó là tín hiệu đáng mừng. Ngoài ra, các ngân hàng phải chủ động giữ ổn định cơ cấu tiền gửi giữa dân cư và tổ chức. Bởi lẽ, khách hàng tổ chức lớn tuy gửi món to nhưng trong một ngày, nếu vài ba khách hàng rút, mỗi khoản vài nghìn tỷ đồng là rất đáng lo ngại. Vì thế, cùng với thu hút tiền gửi tổ chức thì phải giữ được khách hàng cá nhân, dân cư thì cơ cấu tiền gửi mới bền vững.
Thứ ba, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời khống chế trần lãi suất tiền gửi ngắn ngày, tiền gửi thanh toán ở mức 6%/năm nên sẽ không còn tình trạng vài ngày khách hàng rút ra gửi vào một lần, gây mất ổn định cơ cấu tiền gửi của ngân hàng". 

Có lý do gì để các ngân hàng còn lách luật?
Ông Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội

"Một thời gian dài, ngành ngân hàng đối mặt với hàng loạt bấn loạn: lãi suất cao, nền kinh tế bị ảnh hưởng; ngân hàng mệt mỏi vì lãi suất lộn xộn do khách hàng mặc cả; lãnh đạo không biết nhân viên đưa đủ tiền hay bớt lại... còn bây giờ là lúc để ngành ngân hàng lấy lại hình ảnh kinh doanh có nền nếp, trật tự và minh bạch. 
Nếu tất cả cùng chấp hành rất nghiêm túc một cách tự giác thì giữa các ngân hàng không phải cạnh tranh thiếu lành mạnh và ngay cả giữa các chi nhánh trong cùng một ngân hàng, sẽ không còn chuyện người nọ giành khách người kia.
Qua theo dõi, chúng tôi thấy thị trường đang từng bước đi vào nề  nếp. Mặc dù vẫn còn biểu hiện tiền gửi giảm ở một số tổ chức tín dụng nhưng đó là điều cần thiết vì khi lãi suất trở về một mức, dòng tiền sẽ rõ ràng, minh bạch và đúng với bản chất kinh tế của hoạt động ngân hàng. Điều này có tác dụng làm cho chu chuyển dòng vốn đúng hướng. Tôi cho rằng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, chắc chắn, vốn gửi sẽ tăng trở lại và đúng quy luật nguồn vốn.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi. Trước đây, các ngân hàng thương mại kêu điều hành giao dịch OMO chưa linh hoạt thì  nay, kỳ hạn OMO đã kéo từ 7 ngày lên 14 ngày; có thời điểm vốn đã bơm ròng, thậm chí bơm trực tiếp cho ngân hàng gặp khó khăn. 

Vậy thì có lý do gì để các ngân hàng còn lách luật?

Chúng tôi cũng thông cảm với khó khăn của các ngân hàng thương mại nhỏ, yếu thanh khoản vì một số lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước đã tăng cao hơn trước. Nhưng sự điều chỉnh đó đúng với bản chất lãi suất phạt. Trước tình hình đó, các ngân hàng nhỏ sẽ phải quay ra giao dịch trên liên ngân hàng, đẩy lãi suất ở đây có thời điểm lên tới 17%/năm. 
Tôi nghĩ, “buôn có bạn, bán có phường”, trong lúc khó khăn, các ngân hàng lớn nên chung tay giúp các ngân hàng nhỏ, giảm bớt áp lực lãi suất liên ngân hàng, góp phần hỗ trợ thanh khoản cho họ. Còn việc một số ý kiến nêu rằng, nên có 2 mức lãi suất tiền gửi khác nhau áp dụng cho quy mô nhóm ngân hàng, tôi nghĩ không nên.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà  nước đang phân loại các nhóm ngân hàng xem ngân hàng nào mạnh, ngân hàng nào yếu để can thiệp kịp thời. Những ngân hàng nào cần hỗ trợ, Ngân hàng Nhà  nước sẽ hỗ trợ nhưng cũng tăng cường giám sát và muốn biết ai yếu, Ngân hàng Nhà nước điểm mặt được ngay.
Ngoài ra, tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường phối kết hợp với các cơ  quan bảo vệ pháp luật, mời lực lượng công an vào cuộc. Những cá nhân, tổ chức vi phạm, sẽ  bị xử lý nghiêm khắc. Nhẹ thì xử lý hành chính, cách chức, buộc thôi việc, nặng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự". 
 
Đã lập nhiều đội giám sát lãi suất
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank)

"Sau khi Ngân hàng Nhà nước tái thiết lập trần lãi suất tiền gửi 14%/năm, Maritime Bank đã chỉ đạo từ trên xuống dưới, thống nhất chấp hành nghiêm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, những ngày đầu thực hiện, chúng tôi thấy tiền gửi ở một số ngân hàng, trong đó có Maritime Bank bị giảm mạnh. 
Rất có thể, đã có hiện tượng chuyển dịch tiền gửi từ những ngân hàng tuân thủ nghiêm túc sang ngân hàng thực hiện chưa nghiêm.
Những trường hợp vi phạm trong thời gian qua cho thấy có một số ngân hàng vi phạm là do trách nhiệm cá nhân nhưng cá biệt, có những đơn vị có hẳn chủ trương lách luật từ hội sở. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì họ đi ngược lại với chủ trương thiết lập lề lối kinh doanh minh bạch của Ngân hàng Nhà nước. 
Với một hệ thống tổ chức tín dụng trên 100 đơn vị, chi nhánh mạng lưới trải dài khắp nước, nếu tiếp tục kiểu làm ăn như vậy, thử hỏi quản lý làm sao nổi? Vì thế, ngoài việc các ngân hàng phải tự giác tuân thủ, thì rất cần thiết phải tăng cường giám sát lẫn nhau để từng bước đưa hoạt động kinh doanh ngân hàng đi vào nề nếp.
Kể từ ngày 7/9 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã quay về mốc 14%/năm cho toàn hệ thống. Điều đó rất quan trọng cho việc xóa bỏ tình trạng mặc cả, kỳ kèo lãi suất như đã từng diễn ra. Đó là tín hiệu đáng mừng cho tất cả các thành viên trong hệ thống. Tuy nhiên, điều đó có duy trì được hay không, phần lớn phụ thuộc vào các ngân hàng. 
Từ nhận thức này, Maritime Bank cũng thành lập nhiều đội giám sát trực tiếp các chi nhánh của mình và giám sát việc chấp hành của các đơn vị khác để phát hiện những ngân hàng chưa tuân thủ triệt để chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Đành rằng, cực chẳng đã, giữa cái tồn tại hay không tồn tại, chúng ta đã phải lựa chọn giải pháp để tồn tại. Song lúc này đây cơ hội hiếm có, chúng ta nên chớp lấy để lập lại trật tự trong giao dịch ngân hàng, lấy lại sự văn minh, lịch sự; uy tín, danh dự, phong thái quy trình làm việc đẳng cấp cho hoạt động của hệ thống". 

Cơ hội để ngành ngân hàng phục hồi hình ảnh
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank)

"Tháng 11/2010, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội đã tập hợp được 12 ý kiến từ 12 ngân hàng thương mại ở Hà Nội để làm cơ sở cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định trần lãi suất tiền gửi 14%/năm, sau khi không thể nào dàn xếp được đồng thuận lãi suất. 
Cũng từ đó đến nay, dù quyết định đã ban hành nhưng chuyện xé rào lãi suất vẫn chưa chấm dứt. Bởi vậy, với quyết định cứng rắn của Ngân hàng Nhà nước ở lần này, chúng tôi cho đó là cơ hội để ngành ngân hàng phục hồi hình ảnh đã bị mai một trên thị trường.
Chúng tôi nhận thấy Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi cung cách quản lý theo hướng nghiêm khắc hơn. Và đó là cơ hội rất tốt để thiết lập lại thị trường; đồng thời đưa mặt bằng lãi suất tiền vay xuống ở mức phù hợp hơn với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế.
Theo tôi, ban lãnh đạo các ngân hàng thương mại cần thống nhất chỉ đạo từ trên xuống dưới, đồng lòng cam kết thực hiện và tích cực phát hiện những sai trái của các ngân hàng bạn để đảm bảo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước sớm đi vào thực tiễn. 
Bởi lẽ, đặc điểm của khách hàng gửi tiền ở Việt Nam là chỉ cần chênh nhau 0,1%/năm, tức khắc họ chuyển tiền từ ngân hàng nọ sang ngân hàng kia. Tất nhiên, khi thực hiện như vậy, những đơn vị yếu thanh khoản, cơ cấu nguồn thu đơn điệu sẽ thêm khó khăn nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ có những bài tính để ổn định thanh khoản cho hệ thống.
Qua theo dõi gần đây, lãi suất liên ngân hàng có biểu hiện tăng vọt, có ý kiến nêu rằng, nên thiết lập trần lãi suất tiền vay liên ngân hàng để gỡ khó cho những đơn vị đi vay trên đó nhưng tôi nghĩ, không nên làm như vậy. Thay vào đó, các ngân hàng cho vay nên nương nhẹ đối với ngân hàng đi vay thì tốt hơn là ban hành thêm một trần lãi suất liên ngân hàng. 
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy điểm nổi bật là các ngân hàng sẽ sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn thực của mình, nhanh chóng rút về những khoản tiền ủy thác và rà soát lại các hạn mức cho vay dành cho ngân hàng đi vay. Vì thế, tới đây, vấn đề nóng hổi không phải lãi suất thị trường liên ngân hàng mà là xu hướng giao dịch trầm lắng. Và khi tín hiệu đó phát đi thì một câu chuyện khác được đặt ra: Ngân hàng Nhà nước phải giải quyết bài toán tổng thể về thanh khoản cho toàn bộ thị trường, trong đó có các ngân hàng nhỏ như thế nào.

Thời gian qua, vẫn thấy tiền từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác, cán bộ đi theo cũng chỉ biết là tiền vào đó chứ không rõ họ làm gì với nhau. Cũng vì lãi suất một mức 14%/năm nên nhiều khách hàng đã chuyển tiền gửi kỳ hạn 3 tháng xuống 1 tháng, từ 1 tháng xuống 2 tuần. May mà Ngân hàng Nhà nước kịp thời khống chế lãi suất tiền gửi thanh toán, ngắn hạn khác xuống 6%/năm nên tình trạng đó mới dừng lại. Còn nếu không thì tất cả các ngân hàng đều vi phạm chỉ số thanh khoản 7 ngày và thanh toán ngay. 


Chính vì còn sự vi phạm của một vài ngân hàng nên mới gây tâm lý hoang mang và kén cá chọn canh của người gửi tiền. Nếu đi sâu vào cơ cấu thanh khoản, cơ cấu tiền gửi, cơ cấu kỳ hạn tiền gửi mới thấy hết sức nguy hiểm, ai đời lãi suất lên tới 8%/tháng. Nếu tiền gửi chỉ qua đêm và một tháng thì ngân hàng còn làm ăn được gì?

Trong cuộc họp nội bộ  ngành, nhiều ngân hàng đều phản ánh là tiền gửi bị rút rất nhiều. Với Techcombank, từ ngày 8/9 đến 8/10/2011, chỉ có hai ngày là tốc độ tăng tiền gửi không bị giảm, còn phần lớn là giảm. Có thể, một phần là do lượng tiền ủy thác của các nơi khác họ rút đi, nhưng một phần cũng do nhiều nguyên nhân khác và không loại trừ trường hợp bị ngân hàng khác lách trần lãi suất rút đi".

 

(Theo VnEconomy)

Các tin cũ hơn