Ông Đặng Quang Tuấn, con trai của ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã mua thành công hơn 27,6 triệu cổ phiếu nhà băng này, tương đương 4,9% vốn điều lệ.
Trước đó, ông Tuấn đã đăng ký mua vào tổng cộng 28,1 triệu cổ phiếu VIB trong thời gian từ 9/10 đến 7/11. Tuy nhiên, do không đủ thời gian mua đủ số lượng như đăng ký ban đầu nên ông Tuấn không thực hiện giao dịch hết số cổ phiếu đăng ký.
Trong giai đoạn ông Tuấn đăng ký mua vào khối lượng cổ phiếu khổng lồ của VIB, thị giá cổ phiếu nhà băng này ổn định quanh mức 21.000-22.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, số tiền con trai Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ chi ra cho thương vụ này có thể không dưới 600 tỷ đồng theo giá thị trường.
Thời gian gần đây, những người thân của Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ liên tục thực hiện các giao dịch mua bán cổ phiếu nhà băng VIB.
Giữa tháng 9 vừa qua, khi bố vợ ông Vỹ đăng ký bán hơn 27,9 triệu cổ phiếu thì vợ ông cũng đăng ký mua vào đúng bằng số lượng đó. Đến đầu tháng 10, giao dịch hoàn tất và bố vợ ông Vỹ không còn nắm giữ cổ phiếu nào của nhà băng, trong khi vợ ông sở hữu 4,99% vốn.
Hiện tại, bên cạnh vợ và con trai nắm giữ khối lượng lớn cổ phiếu tại ngân hàng này, cá nhân Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cũng nắm 28,16 triệu cổ phiếu VIB tương đương 4,99% vốn.
Trước đó, ông Vỹ từng sở hữu tới 13,6% vốn tại VIB và vợ là bà Trần Thị Thảo Hiền nắm 4,9% vốn
Cuối năm 2014, ông Vỹ và vợ đồng loạt bán bớt cổ phần tại VIB, trong đó, ông Vỹ giảm sở hữu về mức 4,99% và vợ ông về 0%. Tuy nhiên, vợ chồng vị Chủ tịch này bán ra thì gia đình nhà vợ ông Vỹ lại tích cực mua gom tới 10,21% vốn VIB.
Hiện tại, VIB có duy nhất cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn điều lệ là ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA), với tỷ lệ sở hữu 20% vốn.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 diễn ra hồi đầu năm, VIB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 5.644 tỷ đồng lên 7.902 tỷ đồng. Phương thức tăng vốn điều lệ gồm 3,5% với cách chia cổ tức bằng cổ phiếu, 36% bằng phát hành cổ phiếu tưởng từ thặng dư vốn và các quỹ, 0,4% bằng cổ phiếu ESOP từ nguồn lợi nhuận sau thuế.
Tuy nhiên, mới đây HĐQT nhà băng này lại có quyết định trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt hủy phương án tăng vốn điều lệ như đã đề ra và mua lại cổ phiếu quỹ tối đa 10,1%. Nguồn vốn thực hiện, VIB dự kiến sẽ dùng quỹ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận để lại và các nguồn vốn hợp lệ khác.
Theo Zing