Sau khi ra mắt rầm rộ tại TP.HCM, Zara và H&M lại tạo nên cơn sốt tại Hà Nội. H&M Hà Nội báo số lượng khách mua sắm vượt cả tại TP.HCM với 13.000 lượt trong ngày đầu tiên.
Trong khi đó, cửa hàng đầu tiên của Zara tại Hà Nội không quá ồn ào trong ngày khai trương như tại TP.HCM, nhưng cũng nhận được sự chú ý rất lớn của người dân thủ đô.
Chia sẻ với Zing.vn, đại diện Zara tại Việt Nam không cung cấp doanh thu cụ thể ngày đầu khai trương nhưng nói đó là một con số rất ấn tượng.
Đằng sau những khách hào hứng với thương hiệu ngoại lần đầu có mặt tại Hà Nội là không ít người tò mò. Một nhân viên giấu tên của cửa hàng Zara Hà Nội cho biết số lượng người mua đồ trong ngày đầu tiên rất nhiều, nhưng số người đến chỉ vì tò mò cũng đông không kém.
Tất nhiên, khi một thương hiệu mới vào Việt Nam, đặc biệt lại là thương hiệu lớn của nước ngoài thì việc tò mò là điều dễ hiểu. Với những ai chưa từng mua sắm ở H&M, Zara ở nước ngoài đều tò mò về giá cả, chất lượng, mẫu mã, thậm chí là trải nghiệm mua sắm…
Từng mua hàng Zara ở nhiều nước, chị Dương Thị Phượng (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ trải nghiệm tại cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội không thua gì nước ngoài. Chị nhận xét mẫu mã sản phẩm rất phong phú, giá cả cũng được cho phù hợp với mức thu nhập của chị.
Khách hàng hào hứng mua sản phẩm của Zara trong ngày khai trương. Ảnh: Hiếu Công. |
Còn bạn Mai Phương (quận Ba Đình) cho rằng H&M và Zara tạo ra một sự khác biệt tại thị trường thời trang Hà Nội. Các bạn trẻ tại Việt Nam có thể dễ dàng mua sắm và trải nghiệm mà không phải đi đâu xa, không phải vất vả order như trước kia.
Mai Phương cũng cho rằng giá không quá chênh lệch với cả hệ thống trên thế giới. “Các sản phẩm có cái rẻ hơn một chút, có cái đắt hơn một chút, thậm chí có cái đắt hơn khá nhiều, nhưng mình vẫn sẵn sàng mua nếu hợp và yêu thích”, Phương chia sẻ.
Bạn Nam Anh (quận Hoàn Kiếm) thì thẳng thắn thừa nhận H&M và Zara đến Hà Nội đáp ứng nhu cầu sính hàng ngoại của người dân. Bạn cho biết bản thân thường chọn oder đồ thời trang ngoại nên việc cả 2 thương hiệu xuất hiện ở Hà Nội là điều rất tuyệt vời.
Tuy nhiên, trong dòng người rất đông tò mò tham quan các cửa hàng của H&M và Zara phần nhiều phải lắc đầu ra về, do không chọn được sản phẩm ưng ý, cũng như giá cả quá cao so với mức thu nhập của mình và thực tế chất lượng sản phẩm.
Chị Minh Tú (quận Cầu Giấy) chia sẻ đến cửa hàng Zara tại Hà Nội vì thấy bạn bè nói đồ thời trang cho trẻ em rất đẹp. Chị Tú định mua một số quần áo cho các con. Tuy nhiên, khi đến cửa hàng chị mới thấy hàng hóa quá đắt tiền so với thu nhập của gia đình.
Nhiều bạn trẻ tò mò về các sản phẩm lạ mắt nhưng không mua. Ảnh: Hiếu Công. |
“Một chiếc quần bò cho con trai khoảng 4 tuổi có giá 799.000 đồng thì khá đắt so với thu nhập. Thậm chí, chiếc áo khoác cho cháu cũng có giá 1.299.000 đồng. Như vậy tôi khó có thể mua sản phẩm của Zara”, chị Tú chia sẻ.
Duy Nam (25 tuổi, quận Cầu Giấy) đến cửa hàng H&M hy vọng tìm được một số món đồ phù hợp. Theo cảm nhận của riêng Duy Nam, gian hàng dành cho nam ở H&M Hà Nội có vẻ khá đơn điệu và không có nhiều sản phẩm để lựa chọn.
Nam còn cho biết bạn khá khó khăn khi chọn size quần áo. Hầu hết quần áo bày bán có size khá to so với hình thể người Việt Nam. Nếu không mua nhanh, những size nhỏ nhất như XS, S và M hết thì khó mua được hàng.
Minh Anh (sinh viên Đại học Quốc gia) cũng cùng nhóm bạn đi tham quan cửa hàng Zara ngày đầu khai trường ở Hà Nội. Tuy nhiên, cả nhóm ra về tay không vì hàng hóa đắt không như kỳ vọng.
Minh Anh chia sẻ giá đồ phổ biến từ 899.000; 1.099.000; 1.299.000… cho những chiếc quần bò và áo thun thì nhóm bạn khó có thể mua được.
Những con số không dành cho phần đông khách tại cửa hàng của Zara. Ảnh: Hiếu Công. |
Những nhóm bạn như Minh Anh không hề hiếm gặp tại các cửa hàng Zara và H&M những ngày này. Nhiều nhóm đến vì tò mò rồi lại đi ra. Các bạn cho rằng mình sẽ tìm một thương hiệu giá mềm hơn mà vẫn phù hợp với mình.
Chia sẻ với Zing.vn, bà Tưởng Thu Thủy, Phó tổng thư ký Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, nhận định giá bán của H&M và Zara tại Việt Nam không dành cho số đông. H&M và Zara nổi tiếng trên thế giới là hàng thời trang nhanh, bình dân, giá rẻ, nhưng khi về Việt Nam, các hãng này đã không còn bình dân nữa mà dành cho tầng lớp trung lưu trở lên.
“Thôi thấy giá bán không phải là quá cao, thậm chí có thương hiệu thời trang của Việt Nam còn cao hơn. Tuy nhiên, bảo rẻ để số đông người Việt Nam mua được thì chắc chắn không. Thương hiệu này có lẽ dành cho người có mức thu nhập tầm trung lưu ở Việt Nam”, bà Thủy nói.
Bên trong cửa hàng H&M tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Bà Thủy cũng cho rằng thời trang của Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định. Việt Nam đang gia công cho nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới trong đó có cả Zara, H&M, nên chất lượng các sản phẩm này nếu so với sản phẩm của nhiều thương hiệu Việt là điều không quá chênh lệch.
Về mẫu mã, nhiều thương hiệu Việt Nam cũng có những thành công nhất định. Mẫu mã khá đ dạng và phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Tuy nhiên, về thương hiệu vẫn là khâu yếu nhất của thời trang Việt Nam. H&M và Zara có lịch sử lâu đời và là những thương hiệu lớn. Ngoài ra họ cũng có cách làm thương hiệu rất tốt. Sự xuất hiện của họ ở Hà Nội ngay lập tức nhận được sức hút lớn, như một làn gió mới trên thị trường thời trang”, bà Thủy nói.
Bà Thủy cho rằng sức ép cạnh tranh của Zara và H&M cũng là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện mẫu mã, chất lượng và đặc biệt là thương hiệu. Hàng hóa và mẫu mã thời trang của Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận và không phải vất vả lo mất thị phần.
Theo Zing