Tỷ phú Thái: Mưu đồ "bất chấp đắt rẻ" trên đất Việt Nam

Thứ hai, 18/06/2018, 09:20
Bên cạnh các dự án FDI, người Thái và các ông lớn trên thế giới đang đổ tiền vào thâu tóm các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Người Thái đang thâu tóm nhiều DN Việt bằng mọi cách họ sẵn sàng chờ đợi hàng chục năm, mua gom từng lô nhỏ cho đến làm cú đậm hàng tỷ USD... bất chấp đắt rẻ miễn là được làm chủ DN Việt.

Dồn dập thâu tóm DN Việt

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), F&N Dairy Investment thuộc tập đoàn đồ uống Singapore F&N do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát đã chi khoảng 20 tỷ đồng để mua 130.000 cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam từ ngày 2-31/5.

Sau khi hoàn tất giao dịch, F&N nắm hơn 251,2 triệu cổ phiếu VNM, chiếm 17,31% vốn điều lệ của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam. Đáng chú ý, ngay sau đó, F&N lại tiếp tục đăng ký mua 14,5 triệu cổ phiếu VNM trong thời gian từ 6/6 đến 5/7, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,3%.

F&N Dairy Investments hiện là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk và có đại diện là ông Lee Meng Tat trong HĐQT.

Thống kê từ cuối 2016 đến nay cho thấy, F&N đã có khoảng 15 lần đăng ký mua cổ phiếu VNM trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, F&N cũng đã mua thành công hơn 78 triệu cổ phiếu VNM trong đợt thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo tờ Nikkei, Siam Cement - một công ty con của Tập đoàn SCG (Thái Lan) hồi cuối tháng 5 đã ký thỏa thuận chi hơn 90 triệu USD để mua nốt 29% cổ phần còn lại để chính thức sở hữu 100% dự án hóa dầu Long Sơn của Việt Nam.

Cụ thể, Siam Cement dự kiến sẽ hoàn thành hợp đồng trong tháng 6/2018. Dự án 5,4 tỷ USD có thể đi vào hoạt động thương mại từ đầu năm 2023 với công suất sản phẩm olefin đạt 1,6 triệu tấn/năm.

Trên tờ The Business Times của Singapore, doanh nghiệp triển bất động sản Frasers Property của nhà tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cho biết đang cân nhắc thỏa thuận mua 24 triệu cổ phần phổ thông (tương đương 75%) của CTCP bất động sản Phú An với giá 409 tỷ (gần 18 triệu USD).

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) diễn ra ngày 20/4, Nawaplastic Industries của người Thái đã chính thức đưa 3 đại diện vào HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 sau khi nâng mạnh sở hữu tại công ty này lên trên ngưỡng 50%.

Trong đợt thoái vốn của SCIC tại BMP hồi tháng 3, The Nawaplastic Industries đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 49,89% sau đó mua thêm hơn 800.000 cổ phiếu ngoài thị trường.

Hồi giữa tháng 4/2018, thương vụ thâu tóm chưa từng có của Tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi tại Việt Nam đã khép lại với việc người Thái làm chủ tịch Sabeco sau khi bỏ ra 5 tỷ USD để thâu tóm hơn 53% cổ phần tại hãng bia lớn nhất Việt Nam. TCC có 3 đại diện trong HĐQT Sabeco.

Nỗi lo dòng vốn ngoại

Dòng vốn của các tỷ phú nước ngoài đang âm thầm chảy vào Việt Nam, giúp Nhà nước cũng như các DN thu được một lượng vốn lớn. Tuy nhiên, không ít người lo ngại về cuộc tấn công dồn dập của các ông lớn nước ngoài.

Trong thương vụ tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi chi 5 tỷ USD mua hơn 53% cổ phần Sabeco thông qua Vietnam Beverage - công ty do Tập đoàn bia Thái Lan ThaiBev của tỷ phú Charoen nắm giữ 49% vốn, Vietnam Beverage đứng ra vay nợ 4,8 tỷ USD do Vietcombank thu xếp.

Một số NĐT lo ngại, hiện tượng dư nợ nước ngoài của Việt Nam năm 2017 tăng đột biến 73% so với năm 2016 là do thương vụ người Thái thành lập công ty ở Việt Nam mua Sabeco.

Một số người thậm chí còn lo ngại, sau khi nắm quyền kiểm soát Sabeco, số nợ của Vietnam Beverage sẽ được chuyển sang bảng cân đối kế toán của Sabeco rồi vị tỷ phú Thái sẽ rút êm số tiền mình đã đầu tư, rũ bỏ mọi rủi ro mà vẫn giữ được quyền kiểm soát. Sabeco với khoản nợ đó nếu vẫn hoạt động tốt thì tỷ phú Thái sẽ thắng lớn, nếu phá sản ông ta cũng chẳng hề hấn gì.

Bên cạnh đó, việc các tỷ phú nước ngoài cũng nắm các ty đầu ngành tại Việt Nam cũng sẽ chi phối, áp đảo hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Nhiều hệ thống bán lẻ và thương mại điện tử trong nước đã về tay người Thái và người Trung Quốc.

Trong năm 2016, giới đầu tư đã chứng kiến các hoạt động thâu tóm mảng bán lẻ của các tập đoàn đến từ Thái Lan nhắm tới Big C và Metro.

TCC Holdings đã hoàn thành thỏa thuận mua lại Metro Việt Nam vào tháng 1/2016 với giá hơn gần tỷ USD. Tới tháng 7/2016, Metro Việt Nam đã được đổi tên mới thành Mega Market Vietnam. TCC cũng là tập đoàn đã mua Phú Thái Group.

Một tập đoàn lớn khác của người Thái - Central Group cũng đã chi 1 tỷ USD thâu tóm hệ thống siêu thị Big C Việt Nam. Tập đoàn này cũng mua lại chuỗi điện máy Nguyễn Kim, chuỗi siêu thị Lan Chi hay trang thương mại điện tử Lazora. Zalada bị Alibaba của tỷ phú Jack Ma thâu tóm.

Trao đổi về vấn đề Sabeco, ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, cho rằng, chính sách đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn của Nhà nước là hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nước.

Việc Vietnam Beverage vay tiền nước ngoài mua cổ phiếu là bình thường và không dễ gì đẩy nợ sang bảng cân đối của Sabeco vì phía Việt Nam còn sở hữu tỷ lệ trên 35% đủ để phủ quyết, giống như ở Vinamilk và khác hoàn toàn với vụ nhà Glazer làm với đội bóng M.U.

Với các DN bán lẻ, một số chuyên gia nhận định, thị trường vẫn còn rộng mở và nhiều DN bán lẻ nội vẫn đang phát triển khá tốt như hệ thống Vinmart và trang trực tuyến Adayroi của Tập đoàn Vingroup, FPT Retail; hệ thống điện thoại, điện máy, Bách hóa xanh của MWG nhà ông Nguyễn Đức Tài; hệ thống trang sức PNJ; Coop Mart,...

Vấn đề chính vẫn là nội lực và sức cạnh tranh của chính DN Việt...

Theo VietnamNet

Các tin cũ hơn