“Từ sáng đến giờ nhiều xe tải qua trạm chậm, tài xế bức xúc bóp còi inh ỏi nên dân ở gần trạm hầu như không nghỉ ngơi gì được”, bà Nguyễn Thị Mỹ, một người dân sống ở gần trạm nói.
Anh Nguyễn Văn Lào, tài xế xe tải cho biết trước khi có trạm BOT, đường nhỏ nhưng ít khi kẹt xe. "Có đường mới tài xế mừng, nhưng nếu vừa phải đóng phí mà ngày nào qua đây cũng ùn ứ, mất gần 10 phút thì cũng như không", tài xế Lào nói.
Do phần lớn các doanh nghiệp vận tải tập trung ở khu vực Bến Lức, nên tại đầu Đức Hòa, xe cộ qua lại thông thoáng hơn.
Ùn ứ xe trong ngày đầu thu phí tại BOT Bến Lức. |
Ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Công ty Băng Dương, Chủ đầu tư BOT Bến Lức - cho biết, trong buổi sáng đầu tiên thu phí, không có tình trạng tài xế phản đối trả tiền lẻ. Tuy nhiên, do đường dẫn vào trạm nhỏ, xe đông và phải giải thích cho một số người dân sống ở khu vực về mức phí đã dẫn đến tình trạng ùn ứ xe cục bộ.
“Trước đó, chủ đầu tư đã phối hợp với chính quyền địa phương xã, huyện lên danh sách các chế độ miễn giảm cụ thể cho người dân. Tuy nhiên, một số người vẫn chưa nắm rõ mức phí, nên dân đi qua hỏi, nhân viên tại trạm phải trả lời mất thời gian”, ông Cường nói.
Được đặt vấn đề tại một số trạm như BOT Cai Lậy có một làn đường nhỏ dành riêng cho xe máy khi qua trạm để hạn chế kẹt xe, trong khi tại BOT Bến Lức không có làn đường này, chủ đầu tư BOT Bến Lức lý giải là do không giải phóng được mặt bằng.
“Hiện đường dẫn vào trạm rộng khoảng 18 m, chủ đầu tư cũng muốn đường này rộng hơn, để xe vào thông thoáng. Tuy nhiên, do việc giải phóng mặt bằng hiện đang gặp khó khăn", ông Cường nói.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo ngành chức năng và địa phương can thiệp, sớm giải quyết tình trạng ùn ứ xe. “Trường hợp kẹt xe kéo dài thì trạm phải xả theo quy định”, ông Cảnh nói.
Dự án đường ĐT 830 được UBND Long An phê duyệt năm 2016, dài 24km, rộng 17m, 4 làn xe, xây mới 8 cầu, tốc độ 80km/h. Giá vé 25.000-165.000 đồng mỗi lượt. Riêng ôtô của người dân hai bên tuyến không sử dụng mục đích kinh doanh vận tải sẽ được miễn phí; xe của các doanh nghiệp nằm trên tuyến chỉ thu phí một lần và được giảm 20%. Tổng kinh phí dự án khoảng 1.079 tỷ đồng, dự kiến thu phí trong 19 năm.
Đây là điểm kết nối tỉnh lộ ĐT 824 vào đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10) của TP.HCM. Trên tuyến có hai trạm thu phí thuộc xã An Thạnh, huyện Bến Lức và xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hòa.
Mục tiêu dự án là nâng cao năng lực trung chuyển hàng hoá từ các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Long An, đồng thời tăng cường vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, góp phần "chia lửa" áp lực quá tải cho các tuyến đường cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo VNE