Bà Nguyễn Thị Thanh Loan phủ nhận dùng vỏ cà phê nhuộm than pin chế biến thành cà phê - Ảnh: CAO NGUYÊN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám vừa ký văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả xác minh vụ việc nhuộm phế phẩm cà phê, sỏi đá bằng bột pin xảy ra tại tỉnh Đắk Nông.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, ngày 15-4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) tỉnh Đắk Nông phối hợp với Sở NN-PTNT kiểm tra đột xuất cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Loan (thôn 3, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) làm chủ. Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ sở của bà Loan có giấy chứng nhận hộ kinh doanh với ngành nghề thu mua nông sản (không đăng ký sơ chế, chế biến nông sản).
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này không có và không treo biển hiệu theo quy định. Trong kho xưởng có nhiều bao đựng hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ (kích thước 0,5-3 mm), nhuộm lõi pin đã được sấy khô với khối lượng gần 21,3 tấn. Ngoài ra, kho còn có khoảng 4 tấn đá sỏi, 300 kg vỏ cà phê, 40 lít dung dịch màu đen, 1 cối trộn bê tông, 192 kg lõi pin và 35 kg vỏ pin được đập dập.
Qua lời khai của bà Loan, cơ sở này đã bán 3 tấn hỗn hợp này cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thảo Dung (địa chỉ ở khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Sau đó, cơ sở Thảo Dung dùng khoảng 1,5 tấn để trộn với 7,5 tấn hạt hồ tiêu xô khô để được 9 tấn tiêu (đây là loại tiêu chưa phân tách thành các loại tiêu trắc, tiêu lửng, tiêu lép). Số tiêu này sau đó được bán lại cho cơ sở thu gom khác để sơ chế, chế biến và phân loại.
Theo Bộ NN-PTNT, số tiêu trên chưa bán trực tiếp cho người tiêu dùng cũng như để xuất khẩu trực tiếp. Số còn lại khoảng 1,5 tấn (trong số 3 tấn) khi có tin cơ quan công an phát hiện cơ sở bà Loan vi phạm ở Đắk Nông, bà Dung đã trộn với vôi, kali và phân heo rồi giấu trong lô cây cao su để tẩu tán tang vật. Hiện số hàng này đã bị cơ quan công an thu giữ để phục vụ điều tra.
Dẫn báo cáo của Sở NN-PTNT Đắk Nông, Bộ NN-PTNT cho biết qua kiểm tra, địa phương từng phát hiện trường hợp cà phê kém chất lượng (hàm lượng cafein thấp), nhưng chưa từng phát hiện sự việc tương tự trên địa bàn tỉnh.
Để ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các đơn vị thuộc bộ và địa phương phối hợp chặt chẽ với cảnh sát điều tra, làm rõ vụ việc và kiến nghị xử lý nghiêm, đảm báo tính răn đe.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm với cơ sở chế biến cà phê, hồ tiêu, hạt điều và các loại nông sản khác, trong đó chú trọng thanh kiểm tra điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản nguyên liệu, thành phẩm.
Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an sớm kết luận điều tra, xử lý vụ việc và công bố công khai. UBND các tỉnh, thành phố kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, nhất là cấp huyện, xã để tăng hiệu quả quản lý.
Như đã phản ánh, từ ngày 15 đến 17-4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan dùng dung dịch hỗn hợp nước và pin để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê (vỏ cà phê, đá sỏi nhỏ). Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp với ngành chức năng lập biên bản, niêm phong 21,265 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm nhuộm đen và được đóng bao bì; 40 lít dung dịch; 35kg pin bị đập dẹp; 192kg lõi, nắp và vỏ pin. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 5 đối tượng về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. 5 đối tượng bị bắt khẩn cấp gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975; ngụ thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985; ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’lấp – chồng bà Loan), Phan Thị Dung (SN 1962; ngụ khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979; ngụ thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, nghề nghiệp: kinh doanh), Trần Văn Tuấn (SN 1976; ngụ thôn 2, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song). |
Theo NLĐ