|
Hiệp sĩ bắt cướp. |
Trao đổi với PV, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ông vừa nhận được đề nghị từ TP.HCM về đề xuất xem xét, trình Thủ tướng công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho hai “hiệp sĩ” đường phố tử vong vừa qua. Theo ông Dung, việc này đang được giao cho các cơ quan chức năng đối chiếu các quy định trong pháp lệnh và các văn bản liên quan. “Tinh thần là nếu đủ điều kiện, chúng ta phải sớm công nhận và tôn vinh các hiệp sĩ. Về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ công nhận liệt sĩ cho hai hiệp sĩ”, ông Dung cho hay.
Theo Bộ trưởng Dung, phải khẳng định đây là những tấm gương tốt, xã hội cần phải tôn vinh. Nhưng qua sự việc này, cần chú ý những trường hợp tương tự, nhất là những hiệp sĩ đường phố cần phải được trang bị đầy đủ điều kiện, kỹ năng cho họ hoạt động, nếu tiếp tục phát triển mô hình này. Như vậy vừa để mô hình này hoạt động hiệu quả, nhưng đồng thời cũng bảo đảm sự an toàn cho chính hiệp sĩ. Cũng theo ông Dung, nếu cơ sở pháp lý còn đang thiếu thì phải được củng cố, bổ sung cho hoàn thiện.
Điều đáng tiếc sau vụ hai hiệp sĩ tử vong vừa qua, vào tối 28/5, khi truy đuổi hai đối tượng nghi cướp giật tài sản tại quận Thủ Đức (TP.HCM), nhóm thanh niên lại bị đối tượng dùng dao đâm khiến hai người trọng thương. Trao đổi với PV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhìn nhận, sự việc này thêm một tiếng chuông báo động về nhiều vấn đề liên quan đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố.
Theo ông Khuê, việc tấn công, trấn áp các đối tượng, nhóm tội phạm phải có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa của các lực lượng, chứ không đơn thuần chỉ ở người dân hay các hiệp sĩ đường phố. Ông kiến nghị, về khía cạnh pháp luật cần xem xét, điều chỉnh để có thể xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi cướp giật tài sản, hành hung, gây trọng thương, sát hại người truy đuổi, bắt giữ.
“Một thành phố văn minh, đô thị hiện đại, sống nghĩa tình mà lại để những tội phạm lộng hành như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển, tạo sự bất an, không có sự yên bình trong nhân dân. Do đó, cần phải xem xét cụ thể về khía cạnh pháp luật, nếu không sẽ là mối nguy hiểm chực chờ đối với mọi người dân trên đường phố”, ông Khuê nói.
Đại biểu đoàn TP.HCM đặt vấn đề: Với lực lượng chức năng tỏa rộng từ thành phố xuống đến các quận, huyện, phường, xã, địa bàn dân cư nhưng tội phạm vẫn ung dung hoành hành, xem như chỗ không người. Vậy vấn đề yên bình cho xã hội, người dân nằm ở đâu? Theo ông Khuê, nếu cứ để tình trạng này diễn ra, dễ dẫn đến việc cái tốt không được nảy nở mà bị cái xấu lấn át đi. Cùng quan điểm với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Khuê cho rằng, phải có chính sách cụ thể để bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện kỹ năng cũng như hiểu biết về pháp luật cho các hiệp sĩ đường phố.
ĐBQH Nguyễn Đức Sáu, nguyên Chánh tòa hình sự TAND TPHCM cũng cho rằng, mỗi khi có sự việc xảy ra như vừa qua, người dân và dư luận đều rất lo lắng, bất an. Theo ông Sáu, các cơ quan chức năng và từng người dân phải có biện pháp tăng cường nhất định để ổn định an ninh, trật tự. Làm được việc này, người dân ở thành phố mới có thể yên ổn làm ăn, sinh sống và khách du lịch mới an lòng khi đến với thành phố.
Theo Tiền Phong