Ngày 18-5, Công an quận 1, TP.HCM tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Thái Tài (20 tuổi, ngụ quận 1) để điều tra về hành vi cướp giật tài sản. Trước đó, vào trưa cùng ngày, Tài bị Tổ Hình sự đặc nhiệm Công an quận 1 truy bắt sau khi cướp chiếc điện thoại iPhone 8 Plus của một du khách người Thụy Điển tại giao lộ Đề Thám - Bùi Viện.
Manh động, liều lĩnh
Những thông tin về nạn trộm, cướp đại loại như vậy có thể tìm thấy mỗi ngày trên các trang mạng hoặc báo chí. Bất chấp những nỗ lực của lực lượng công an TP, tình trạng trộm, cướp không chỉ xảy ra nhiều ở khu vực trung tâm mà xuất hiện hầu hết các quận - huyện trên địa bàn TP; không chỉ xảy ra ở các tuyến phố vắng vào ban đêm mà diễn ra ngay giữa phố đông người vào ban ngày khiến không chỉ du khách hoảng sợ mà người dân TP cũng ngao ngán, không dám đeo nữ trang, giỏ xách ra đường. Thậm chí ngồi ở quán nước, đứng trước cửa nhà nghe điện thoại cũng phải nhìn trước ngó sau. Đối tượng cướp giật ngày càng manh động và lộng hành, sẵn sàng chống trả, xâm hại những người cố gắng bảo vệ tài sản của mình, tấn công cả những người truy bắt.
Khi được hỏi về nạn cướp giật ở khu phố Tây, bà Phạm Thị Bạch (46 tuổi; ngụ đường Phạm Ngũ Lão, quận 1) cho biết ngày nào ở khu trung tâm cũng có du khách nước ngoài bị cướp giật, có ngày xảy ra vài vụ, hễ nghe tiếng xe gầm rú, phóng bạt mạng là biết vừa có cướp xảy ra. "Vì vậy, hễ thấy nữ du khách mang dây chuyền, túi xách hớ hênh là chúng tôi nhắc nhở cẩn thận ngay" - bà Bạch nói.
Còn theo ông Trần Văn Trọng (đậu xe ôm gần giao lộ Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo, quận 1), cướp giật ngày càng manh động, bất chấp giữa ban ngày hay đường phố đông đúc. Nhiều khi sự việc diễn ra quá nhanh, người dân và CSGT đứng gần đó cũng không kịp hỗ trợ.
Là nạn nhân của một băng cướp ở huyện Bình Chánh vừa mới bị sa lưới, chị H.T.P (39 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) kể: "Hai tháng trước, ở khu vực này rộ lên thông tin có một nhóm thường xuyên chặn cướp xe của phụ nữ đi một mình. Tôi cũng lo nhưng hôm đó có việc phải đi trong sáng sớm, khi đến đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, tôi bị 4 tên chặn xe, lấy mã tấu gí vào cổ. Hoảng sợ, tôi thả tay lái ngã lăn xuống mặt đường và tri hô nhưng chúng dọa "Mày la nữa là bỏ mạng" rồi nhảy lên xe máy của tôi phóng đi.
Nhiều tuyến đường ở huyện Bình Chánh, TP.HCM để biển cảnh báo người dân cảnh giác với nạn cướp giật Ảnh: LÊ PHONG |
Bao giờ ra đường đeo dây chuyền?
Tại cuộc họp báo ngày 15-5, sau vụ 2 "hiệp sĩ" bị đâm chết, 3 "hiệp sĩ" bị thương khi truy đuổi 2 đối tượng trộm xe SH trên đường Cách mạng Tháng Tám (quận 3) xảy ra vào đêm 13-5, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, thừa nhận tình trạng trộm, cướp ở TP.HCM có chiều hướng phức tạp, táo tợn. Số liệu biến động và tăng giảm theo từng thời điểm. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể số vụ giảm hơn so với trước nhưng tính chất tăng hơn. Các đối tượng gây án mang hung khí và sẵn sàng tấn công lại.
Có một thực tế mà chúng tôi ghi nhận được là hằng ngày có hàng trăm vụ cướp giật trên địa bàn TP nhưng số được trình báo công an không nhiều bởi rất nhiều người xem như "của đi thay người", hoặc nhiều người ngại mất thời gian, phiền phức mà việc lấy lại được tài sản thì… "hên xui" nên không khai báo.
Câu hỏi đặt ra là Hà Nội cũng là một TP lớn, dân nhập cư nhiều nhưng vì sao trộm, cướp không lộng hành như ở TP.HCM, người dân thủ đô ra đường cầm điện thoại, đeo túi xách không ngại cướp giật? Trong khi đó, nhiều người dân ở TP.HCM trước khi ra đường phải thuộc lòng "câu chú" và nhắc nhở bạn bè từ nơi khác đến: "Không dây chuyền, điện thoại, túi xách… khi ra đường". Nguyên nhân do đâu?
Một câu hỏi đặt ra nữa là tình hình trộm cướp phức tạp, vì sao TP.HCM không lập các đội săn bắt cướp như đã từng làm trước đây hoặc lập các tổ công tác lưu động như 141 ở Hà Nội?
Theo NLĐ