Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích gì về thu giá, thu phí BOT?

Thứ ba, 22/05/2018, 18:16
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chiều nay 22-5 đã giải thích về khái niệm trạm thu giá, trạm thu phí BOT mà dư luận lên tiếng nhiều ngày qua.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 22-5 về thu giá và thu phí BOT-Ảnh: Văn Duẩn

Chiều 22-5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về những băn khoăn của dư luận về việc đổi tên gọi trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết:  "Giờ mình xem BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp (DN) nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước".

"Bây giờ phí liên quan tới Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định, còn giá là do DN cung cấp, vì BOT là sản phẩm của DN nên cần điều chỉnh lại cho chính xác. Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua các Bộ nên rất chậm"- ông Thể cho hay.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng khẳng định việc chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều.

Trả lời về việc trong quá trình ra văn bản, Bộ GTVT có rà soát để từ ngữ chuẩn xác hay không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đây do quy định của nghị định.

Trước câu hỏi rằng dư luận đặt vấn đề Bộ GTVT đang đánh tráo khái niệm "thu phí" thành "thu giá", Bộ trưởng GTVT khẳng định: "Không phải do Bộ quy định mà do nghị định của Chính phủ quy định. Ví dụ, sản phẩm sản xuất nhà máy thì họ ấn định giá bán, và BOT là 1 sản phẩm của DN...".

Theo ông Nguyễn Văn Thể, sản phẩm nào cũng phải đem lại hiệu quả kinh doanh. Với dự án BOT, DN bỏ vốn toàn bộ thì cũng cần có phương án hoàn vốn. Nhà nước cố gắng điều chỉnh thấp nhất, tạo điều kiện cho xã hội. Hiện nay mình điều chỉnh trạm thu giá nào có điều kiện đều giảm toàn bộ xuống mức thấp nhất để hỗ trợ chi phí người dân.

Về câu hỏi vậy đã chuyển sang giá thì khi giảm giá xuống thì DN có thể đề xuất tăng hay không, Bộ trưởng GTVT cho biết về nguyên tắc sản phẩm đó của DN nhưng mình có điều tiết theo thị trường. "Tại sao Chính phủ, bộ, ngành họp và Quốc hội yêu cầu xem xét, tức là mình phải điều tiết để đảm bảo lợi ích nhà đầu tư và hài hoà lợi ích người dân. Không phải sản phẩm anh làm ra là tự ấn định giá mà ký hợp đồng với Bộ để giám sát điều này"- người đứng đầu ngành giao thông cho hay.

"Chính vì thế, nhiều trạm BOT, giá giảm từ 35.000 xuống 25.000 để hài hoà lợi ích các bên. Nghị định quy định thay đổi thì phải điều chỉnh theo yêu cầu Chính phủ"- ông Thể nói thêm.

Trong trường hợp DN muốn tăng giá, DN phải đăng ký với Bộ GTVT. Bộ GTVT xem xét khi nào cảm thấy hài hoà hết các lợi ích, bảo đảm chi phí xã hội thấp nhất thì mới được điều chỉnh, nếu không thì không được điều chỉnh.

Trả lời câu hỏi từ phí chuyển sang giá, có thay đổi bản chất?, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: "Mỗi một giai đoạn lịch sử thì khả năng chịu đựng của nền kinh tế khác nhau. Hiện nay chủ trương là giảm đến thấp nhất chi phí của hàng hóa. Về bản chất, thì hiện nay điều chỉnh để làm sao khả năng chịu đựng của nền kinh tế thấp nhất".

Theo ông Thể, bản chất nhà đầu tư kinh doanh thì phải có lợi nhuận theo quy định của Nhà nước. Thu cao thì thời gian ngắn, thu thấp thì thời gian dài, tất cả đều theo quy định của Nhà nước. Quản lý Nhà nước thì điều tiết làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích của DN. Hiện nay hầu như đã giảm hết toàn bộ các trạm thu đến mức thấp nhất để trong giai đoạn hiện nay bảo đảm chi phí thấp nhất.

"Ngày trước, mỗi lần điều chỉnh phí thì rất khó khăn vì điều chỉnh phí thuộc thẩm quyền HĐND địa phương mà HĐND thì không thể linh động được. Chuyển qua giá thì bản chất nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy thôi, nhưng mình sẽ điều chỉnh một cách nhanh chóng để đáp ứng được điều kiện của từng trạm thu giá ở từng vị trí, từng khu vực. Có những vị trí mình giảm rất là sâu vì những nơi đó điều kiện cho phép. Còn để HĐND quyết thì điều chỉnh từng mức rất khó khăn"- Bộ trưởng Thể nói.

"Hiện nay, theo quy định mới thì chuyển từ Bộ Tài chính về Bộ GTVT. Ngày trước Bộ Tài chính có những thông tư quy định mức phí từng trạm, giờ chuyển qua Bộ GTVT để điều tiết làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích"- ông Thể bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định sắp tới không làm đường theo hình thức BOT trên những đường hiện hữu nữa, Bộ GTVT chỉ làm trên những đường song hành, đường cao tốc, và khu khép kín, khu thu tự động, bảo đảm giải quyết hết vấn đề hiện nay đặt ra.

Còn những dự án đang khai thác thì trách nhiệm tiếp tục xem xét để bảo đảm người dân, DN, các thành phần kinh tế khác có đủ điều kiện để cạnh tranh trong điều kiện hiện nay.

"Còn nếu để phí như trước đây thì rất là cao. Ngày xưa xem xét từng trạm từng trạm một, thì bây giờ xem xét trên cả khu vực, có sự điều chỉnh hợp lý nhất cho các khu vực"- Bộ trưởng Thể nói.

Hiện Bộ GTVT cố gắng thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng. Tức là cuối năm nay chúng ta cố gắng vận hành đường cao tốc, quốc lộ, nhất là đường 1, đường Hồ Chí Minh… rồi đến năm 2019 thì phủ kín toàn bộ các trạm của các quốc lộ khác. "Điều này bảo đảm công khai, minh bạch, giúp vừa giám sát chi phí, vừa giúp cho việc các xe qua trạm thu giá một cách nhanh chóng"- Bộ trưởng khẳng định.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích