|
Nông dân Jacob Jordan, 24 tuổi, trước giờ làm việc tại một trang trại chuyên trồng bông và đậu tương ở Missouri. Ảnh chụp ngày 17/5. Ảnh: Reuter. |
Các khoản thuế đánh vào thép nhập khẩu của ông Trump là điều kiện cốt tử để một nhà máy nhôm lớn trong vùng có cơ sống dậy. Nhưng tại những cánh đồng xung quanh nhà máy và rải khắp hạt New Madrid, nông dân đang rất lo lắng vì những đòn trả đũa mà những đối thủ thương mại tung ra nhằm vào hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ. Họ phải hoãn lại các đơn hàng mua sắm trang thiết bị, trang trại nay để mấy người thuê lại làm nơi săn bắn giải khuây. Một số nông dân còn phải “bán lúa non”, tức ra rao bán nông sản mặc dù chưa vào vụ thu hoạch, vì e ngại đến lúc đó giá sẽ hạ.
“Người ta không muốn nói đến chuyện thương mại”, Justin Rone, nông dân có truyền thống trồng đậu tương và bông, nói. “Tốt hơn là hãy nói chuyện làm sao trồng trọt cho tốt, cúi đầu xuống và cầu nguyện”. Nỗi sợ hãi của nông dân Mỹ đã thành hiện thực khi hôm thứ Sáu tuần trước, Mỹ và Trung Quốc cùng áp thuế đối với 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Mỹ, trong đó có đậu tương, phải chịu mức thuế 25%.
Neil Priggel biết cả hai chiều tác động từ cuộc chiến thương mại đối với cộng đồng của anh. Trước đây anh làm việc cho nhà máy Nhôm Noranda, rồi nó phá sản vào năm 2016. Anh cũng cùng hai anh em trai điều hành trang trại gia đình rộng hơn 1.600ha. Khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế thép và nhôm nhập khẩu hồi tháng Ba, Priggel đã nghĩ: Chúng ta được cứu rồi. Chúng ta lại có việc làm ở nhà máy. Nhưng anh lại nghĩ ngay: Chúng ta phải bảo vệ trang trại.
Priggel và các nông dân khác, hơn 70% bầu cho ông Trump, biết nông sản của họ là đối tượng để các nước khác trả đũa. Và họ cũng biết thuế thép sẽ giúp các ông chủ mới xuất hiện, mở lại nhà máy nhôm. Nhiều hàng xóm của họ sẽ lại có việc làm.
Khi nhà máy phá sản vào năm 2016, khoảng 1.000 người phải đi tìm việc làm mới với mức lương thấp hơn. “Có người mất nhà cửa, ly hôn”, Dick Bodi, hạt trưởng New Madrid nói. Ngân sách của cảnh sát địa phương, của hệ thống xe cứu thương, bị cắt giảm. Ông Baker nói hạt “thất thu” trong hai năm. Nhà máy Noranda đã không thể chi trả khoản thuế 3,1 triệu USD, chỗ làm cắt giảm, trường học không có kinh phí sửa chữa. Học sinh giảm 10% vì các gia đình chuyển đi nơi khác. “Chỉ có các trang trại thuê nhân công”, anh Dalton Bezell, 31 tuổi, làm việc cho Noranda, nói.
Nay thì mọi việc đang diễn ra theo chiều ngược lại. Noranda bắt đầu tuyển mộ công nhân, còn nhiều nông dân trong vùng đang đau đầu tìm cách tồn tại trong tình hình mới.
Theo Tiền Phong