|
Khu đất bốn mặt tiền của Sabeco tại quận 1, TP.HCM |
Theo các chuyên gia, nếu cơ quan chức năng vào cuộc và phát hiện sai phạm, cần thu hồi khu đất này để bán đấu giá theo đúng luật định, đồng thời phải xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương với tư cách là cơ quan chủ quản của Sabeco và Nhà nước vẫn đang nắm giữ gần 90% vốn tại doanh nghiệp này tại thời điểm khu "đất vàng" nói trên được chuyển giao trái luật.
GS.TS Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT):
Phải đấu giá quyền sử dụng đất
|
Công ty Sabeco chỉ được tạm sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng khi cổ phần hóa doanh nghiệp.
Theo quy định về di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, Sabeco phải di dời khỏi trung tâm TP.
Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được giải quyết theo quyết định 86 năm 2010 của Thủ tướng về cơ chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch.
Theo đó, quyền sử dụng đất phải được bán đấu giá, chỉ được bán chỉ định trong trường hợp chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Thời điểm quyết định bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua để sử dụng vào mục đích xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường phù hợp với quy hoạch được duyệt...
Trong trường hợp này, Bộ trưởng Bộ Tài chính là người có thẩm quyền quyết định bán đấu giá hay chỉ định trên cơ sở đề xuất của Công ty Sabeco.
Theo quy định của Luật đất đai hiện hành, muốn giao quyền sử dụng đất của doanh nghiệp không qua đấu giá thì phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Chiếu theo những quy định trên, nếu việc giao đất cho Công ty cổ phần Sabeco Pearl không đúng quy định thì phải thu hồi đất để tổ chức bán đấu giá, đem lại nguồn thu cao hơn để doanh nghiệp làm kinh phí di dời cơ sở.
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM):
Cần làm rõ việc Sabeco thoái vốn
|
Việc Sabeco thoái vốn khỏi Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) và Sabeco Pearl được giao khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, P.Bến Nghé (Q.1, TP.HCM) không qua đấu giá có nhiều uẩn khúc cần được làm rõ.
Thứ nhất, theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người khác nếu được đại hội đồng cổ đông chấp thuận.
Tuy nhiên trên thực tế, Sabeco chưa thực hiện thủ tục đề nghị triệu tập đại hội đồng cổ đông để có văn bản lấy ý kiến về việc cho Sabeco thoái vốn và được phép đấu giá cổ phần rộng rãi ra công chúng.
Do Sabeco chưa thực hiện hết quyền, tự bỏ quyền lợi của mình nên việc đấu giá chỉ diễn ra có ba cổ đông sáng lập với nhau.
Trường hợp nếu đại hội đồng cổ đông Sabeco Pearl không đồng ý cho bán đấu giá cổ phần cho người khác, Sabeco phải báo cáo lại Bộ Công thương tính toán lùi thời gian bán cổ phần, chờ Sabeco Pearl đủ điều kiện sau 3 năm thành lập mới thực hiện thủ tục thoái vốn.
Khi đó việc thoái vốn của Sabeco khỏi Sabeco Pearl sẽ được thực hiện đấu giá công khai ra công chúng.
Thứ hai, Sabeco là đơn vị sử dụng quyền sử dụng đất khu đất này, nhưng chỉ góp vốn bằng tiền mặt để trở thành cổ đông sáng lập Sabeco Pearl, không góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Do vậy, việc Sabeco Pearl có được quyền sử dụng khu đất này phải thông qua các hình thức khác như: nhận chuyển nhượng, hoặc được Nhà nước giao đất...
Theo quy định tại điều 118 Luật đất đai 2013, việc giao đất cho Sabeco Pearl phải thực hiện thông qua đấu giá, không được giao chỉ định.
Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần phải thanh tra làm rõ việc Sabeco tự phế quyền lợi của mình trong việc thoái vốn điều lệ tại Sabeco Pearl, cũng như việc Sabeco Pearl được giao đất không qua đấu giá như quy định.
Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM):
Nếu sai phạm cần thu hồi đất
|
Việc khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) thuộc sở hữu Nhà nước được giao cho Sabeco Pearl không qua đấu giá là trái với quy định pháp luật.
Thực tế, trước đây Sabeco chỉ được cho thuê sử dụng khu đất này, nếu Sabeco không còn nhu cầu sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi.
Việc giao khu đất cho đơn vị khác phải qua đấu giá công khai, không thể giao chỉ định như hiện nay.
Đối với những vụ việc này, cơ quan thanh tra cần phải thanh tra để làm rõ sai phạm và quy trách nhiệm cho từng cá nhân.
Nếu sai phạm trong việc giao đất, cơ quan thanh tra có thể kiến nghị thu hồi đất, bán đấu giá để tránh thất thoát ngân sách. Đồng thời phải xử lý nghiêm những cá nhân cố tình làm trái quy định pháp luật.
Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm
Sau bài viết "Ai để Sabeco "bán" rẻ đất vàng?", nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương với vai trò là cơ quan chủ quản của Sabeco liên quan đến việc để doanh nghiệp này lập dự án hợp tác với một nhóm nhà đầu tư, nhưng sau đó thoái vốn "không kèn không trống", một hình thức bán rẻ khu đất vàng có diện tích lên đến 6.000m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM. Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng "mô hình" hợp tác mà Sabeco thực hiện trong phi vụ này chỉ là một trong vô số thủ thuật mà các doanh nghiệp đã từng có vốn nhà nước chi phối lớn trước khi thoái vốn hay sử dụng để trục lợi trên quỹ đất công. "Trong vụ bán rẻ khu đất vàng tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Bộ Công thương không vô can vì thời điểm đó Nhà nước nắm đến gần 90% vốn điều lệ của Sabeco và doanh nghiệp này thuộc Bộ Công thương" - vị này khẳng định. Cũng theo vị này, TP.HCM cũng chịu một phần trách nhiệm nhưng trong vai trò tham vấn để xử lý các vấn đề liên quan cho quá trình hỏi ý kiến, bởi Sabeco là doanh nghiệp trực thuộc trung ương quản lý, còn nguồn gốc đất của doanh nghiệp này do Cục Công sản (Bộ Tài chính) xác định. |
Theo TTO