|
Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Theo CNN, chính phủ Trung Quốc vốn được biết đến với “lịch sử” phá vỡ hoạt động của các công ty từ những quốc gia mà họ có mâu thuẫn chinh trị. Trung Quốc đã làm như vậy với Hàn Quốc vào năm ngoái, và rất có thể Mỹ sẽ là đối tượng tiếp theo.
“Tôi nghĩ đây là điều gần như không thể tránh khỏi. Trung Quốc từng làm điều này trước đây. Họ có nhiều cách để phá vỡ hoạt động của các công ty đa quốc gia”, Andrew Polk, thành viên sáng lập công ty tư vấn Trivium có trụ sở tại Bắc Kinh, nói.
Theo các chuyên gia, những công ty Mỹ có hoạt động kinh doanh lớn ở Đại lục như Apple và General Motors (GM) có thể là đối tượng phải chịu nhiều áp lực khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ tiếp tục leo thang trong thời gian tới.
Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố áp đặt thuế mới lên hàng hóa của nhau với giá trị lên đến hàng chục tỉ USD. Các loại thuế này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 7.2018. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là khởi đầu. Tổng thống Donald Trump vừa đe dọa sẽ đánh thuế bổ sung đối với 200 tỉ USD giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh thề sẽ đáp trả nếu Washington làm như vậy.
Trung Quốc vận chuyển hàng hóa đến Mỹ nhiều hơn chiều ngược lại. Dựa theo số liệu của Mỹ, giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc đến Mỹ trong năm ngoái đạt 505 tỉ USD, trong khi đó Mỹ chỉ chuyển 130 tỉ USD giá trị hàng hóa đến quốc gia châu Á. Do đó, sẽ không ổn nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới theo đuổi việc trả đũa Mỹ trực tiếp bằng thuế quan. Bắc Kinh có lẽ sẽ phải tìm những mục tiêu khác để đối phó.
Made in China
Các chuyên gia nói rằng những chiến thuật mà Trung Quốc có thể sử dụng để gây khó khăn cho các công ty Mỹ bao gồm làm chậm quá trình nhập khẩu của họ tại hải quan, tăng cường kiểm tra quy định về hoạt động của họ tại Trung Quốc và khởi động các chiến dịch ngăn cản người tiêu dùng mua sản phẩm của những công ty này. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, những động thái như vậy có thể sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá.
“Kêu gọi tẩy chay sẽ tấn công việc làm tại địa phương”, Tom Holland, chuyên gia của hãng nghiên cứu Gavekal viết trong một lưu ý gửi cho khách hàng hồi tuần trước. Ông Holland cũng chỉ ra rằng một số công ty hàng đầu của Mỹ như Apple “sản xuất phần lớn sản phẩm của họ trong các nhà máy địa phương ở Trung Quốc”.
Thương hiệu Mỹ, chủ sở hữu Trung Quốc
Trong một số trường hợp, công ty Trung Quốc được phép đầu tư mạnh vào các thương hiệu hàng đầu của Mỹ. Kể từ năm ngoái, McDonald’s chỉ sở hữu khoảng 20% kinh doanh của họ ở Trung Quốc, phần lớn còn lại được tập đoàn Citic của Trung Quốc nắm giữ.
GM bán nhiều xe ở Trung Quốc hơn ở bất kỳ thị trường nào khác, nhưng hãng này phải hoạt động thông qua liên doanh với các nhà sản xuất ôtô thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc như SAIC Motor và FAW Group.
Quan chức Trung Quốc nhiều lần nói rằng họ không muốn có một cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng cũng không né tránh chiến đấu. Song, tổn thương tiềm năng gây ra cho các công ty Trung Quốc do hình phạt thương mại có thể sẽ khiến Bắc Kinh phải cân nhắc khi hành động.
“Bất kỳ hành động nào họ thực hiện đều sẽ gây ra đau đớn cho các công ty Mỹ, nhưng kèm theo đó sẽ thiệt hại tài sản liên doanh của công ty trong nước. Đó là lý do tại sao họ không muốn làm điều đó”, ông Polk cho hay.
Doanh số bán hàng của liên doanh giữa hãng ô tô Hàn Quốc Huyndai và đối tác Trung Quốc đã sụt giảm mạnh vào năm ngoái, trong thời gian Bắc Kinh và Seoul căng thẳng vì Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Thiếu lựa chọn thay thế
Mark Williams, giám đốc kinh tế châu Á của công ty nghiên cứu Capital Economics, hồi tuần trước đã viết thư cho khách hàng nói rằng người tiêu dùng Trung Quốc “sẽ được khuyến khích chuyển sang mua hàng nội địa để bù đắp thiệt hại, miễn là các công ty trong nước có khả năng đáp ứng thêm nhu cầu”.
Điều đó có thể hiệu quả trong một số lĩnh vực như hàng tiêu dùng, nhưng sẽ khó khăn hơn ở những ngành khác như phần mềm. Giới phân tích dự đoán Bắc Kinh sẽ nhắm vào Boeing bằng cách chuyển qua đặt hàng máy bay của Airbus. Tuy nhiên, việc này sẽ mất thời gian vì hãng sản xuất máy bay châu Âu không thể tăng sản xuất ngay lập tức. Ngoài ra, động thái này còn có khả năng khiến Airbus rút lại các đề nghị giảm giá cho người mua Trung Quốc.
Theo ông Polk, thách thức hiện tại của Trung Quốc là làm sao đưa ra các biện pháp “tối đa hóa cơn đau ở phía bên kia và giảm thiểu tổn thương cho chính mình”.
“Nhưng cả hai bên đều gây đau đớn cho bản thân và đó là chính là chiến tranh thương mại”, ông Polk nói.
Theo Thanh Niên