|
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, cho biết sau khi kiểm tra 3 cửa hàng đầu tiên ngày 22/7, các đội quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra gần 70 cửa hàng thuộc hệ thống của Công ty cổ phần Con Cưng (Con Cưng) trên địa bàn thành phố.
|
Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM thông tin thêm trong 1-2 ngày tới, các đội quản lý thị trường sẽ tiếp tục kiểm tra các cửa hàng kinh doanh còn lại thuộc hệ thống Con Cưng.
|
Tại các cửa hàng, hoạt động kinh doanh vẫn bình thường song song với quá trình kiểm tra hàng hóa của cơ quan chức năng.
|
Hiện Con Cưng có khoảng 105 cửa hàng tại TP.HCM. Chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm mẹ và bé này xuất hiện hầu hết ở các quận huyện và nhiều tuyến đường trung tâm với diện tích từ vài chục cho đến hàng trăm m2 mặt bằng.
|
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại một cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1.
|
Bên cạnh quần áo, hóa mỹ phẩm, đồ chơi, các loại sữa, bột ăn dặm cho trẻ.... cũng là mặt hàng chính của hệ thống này.
|
Các cửa hàng vẫn có khách đến mua sắm bất chấp thông tin hệ thống này bị tố có dấu hiệu gian lận thương mại.
|
Tại cửa hàng Con Cưng trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, lực lượng QLTT làm việc với quản lý cửa hàng về nguồn gốc nhiều sản phẩm từ quần áo, mắt kính đến hóa mỹ phẩm, sữa bột.... Khách mua hàng luôn được nhân viên nhắc nhở không được chụp ảnh.
|
Trao đổi với PV, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết cơ quan này đã có kế hoạch kiểm tra toàn bộ hơn 330 cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng trên cả nước.
Chiều tối 23/7, Chi cục QLTT TP.HCM có báo cáo nhanh về kết quả kiểm tra 3 cửa hàng ngày 22/7. Tại cửa hàng số 833-835 Hồng Bàng, quận 6, chi cục tạm giữ 4 tuýp mỹ phẩm kem massage bụng với nhãn hàng hóa tiếng Việt in trực tiếp trên bao bì sản phẩm có dán miếng giấy ghi "Sản xuất bởi: Công ty TNHH mỹ phẩm TITIONE", chồng lên thông tin in sẵn "Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C". Đối với mặt hàng hóa mỹ phẩm (phấn, sữa tắm, sữa tăm gội, sữa dưỡng da, nước hoa) do Thái Lan, Philippines, Malaysia sản xuất có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm không thể hiện số lô, số công bố theo quy định, số lượng 130 đơn vị. Ngoài ra còn nhiều mắt kính trẻ em và quần áo các loại hiệu CF, concung.com, Laluna, Lebe’, Starter’s, xuất xứ made in Thailand... có nhãn gốc hàng hóa bằng tiếng nước ngoài in trực tiếp trên sản phẩm nhưng nhãn phụ tiếng Việt không đính kèm sản phẩm; bao bì ghi thông tin và địa chỉ không đúng quy định. Toàn bộ số hàng trên chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc. Tại cửa hàng 424 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Chi cục QLTT kiểm tra, tạm giữ hàng hóa do Việt Nam sản xuất gồm 1.488 sản phẩm áo; 114 cài tóc, 85 cái mắt kính; hàng hóa do nước ngoài sản xuất gồm: 294 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, 62 sản phẩm đồ chơi trẻ em, 1 mắt kính, 92 áo, bộ đồ, yếm, đầm. Toàn bộ hàng hóa tạm giữ cũng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ. Tại cửa hàng số 78 Tôn Thất Tùng, quận 1, lực lượng chức năng phát hiện các dấu hiệu vi phạm gồm: không gắn tên địa điểm kinh doanh, chưa xuất trình được xác nhận của Sở Công Thương TP.HCM về chương trình khuyến mãi đang thực hiện. Cửa hàng này còn trưng bày, kinh doanh 1.841 đơn vị sản phẩm quần áo, kính mát, đồ chơi, đồ dùng cho mẹ và bé các loại chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ và có vi phạm về nhãn hàng hóa. Hàng hóa tạm giữ gồm 98 kính mát, 50 đồ chơi trẻ em, túi đựng sữa, kem đánh răng và bàn chải... Ngoài ra còn hơn 1.600 quần áo trẻ em. Hệ thống siêu thị bán lẻ Con Cưng ra đời năm 2011 và đến cuối năm 2016 đã cán mốc 100 siêu thị ở TP.HCM và khoảng 20 tỉnh, thành phố. Trong năm 2017, Con Cưng lập mới 130 cửa hàng, cao hơn số lượng mở trong 5 năm trước đó. |
|
Theo Zing