Ngày 12/9, chị P.Chi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) giật mình khi bật ứng dụng Grab với con số 5.000 đồng cho cuốc xe có quãng đường hơn 8 km, nếu thanh toán bằng GrabPay. Trước đây, không phải giờ cao điểm, chị vẫn phải trả gần 50.000 đồng cho quãng dường này.
"Từ rất lâu rồi tôi mới thấy Grab giảm giá sâu như vậy, có lẽ còn giảm sâu hơn thời cạnh tranh với Uber", chị Chi cho biết.
Đó là thời điểm Go-Viet ra mắt chính thức, với 2 dịch vụ Go Bike và Go Send tại 7 quận ở Hà Nội, sau 6 tuần thử nghiệm thành công tại TP.HCM.
"Các bạn có thể gọi xe ngay và trải nghiệm cước 1.000 đồng cho một chuyến xe của Go-Viet", ông Nguyễn Vũ Đức, CEO của Go-Viet, nói với các phóng viên sau lễ ra mắt chính thức chiều 12/9.
Mức giá 1.000 đồng cho 6 km của Go-Viet được xem là "chưa có tiền lệ" trong thị trường xe ôm tại Việt Nam. Sau TP.HCM, Hà Nội đã trở thành chiến trường mới trong cuộc đua, mà trước hết là bài toán về giá để thu hút người dùng.
6 tuần trước đó, khi ra mắt tại TP.HCM, Go-Viet áp dụng khuyến mại 5.000 đồng/cuốc dưới 8 km. Đây được cho là đòn cạnh tranh trực diện thu hút khách hàng đi GrabBike. Sau vài tuần, Go-Viet nâng giá lên 9.000 đồng/cuốc, rồi giá 9.000 đồng đó không áp dụng trong khung giờ cao điểm nữa.
Cước giá rẻ đã kích hoạt cuộc chiến với đối thủ đang thống lĩnh thị trường: Grab. Hãng gọi xe đến từ Malaysia nhanh chóng hạ giá 50% cho mỗi cuốc xe GrabBike của khách hàng, sau đó là mức giá 5.000 đồng/cuốc khi Go-Viet đã nâng lên 9.000 đồng.
Nhờ đó, chỉ sau 6 tuần, Go-Viet đã giành được thị phần đáng kể. Đơn vị này công bố hôm 12/9 đã có trong tay 35% thị phần xe ôm công nghệ TP.HCM, 1,5 triệu lượt tải ứng dụng cùng 35.000 tài xế đối tác ở cả Hà Nội và TP.HCM.
"Đây là một thành công ngoài dự kiến của Go-Viet. Chúng tôi sốc vì hoàn thành kế hoạch năm 2018 chỉ trong 6 tuần thí điểm", CEO của Go-Viet cho hay.
Go-Viet tung khuyến mại rẻ như cho sau khi ra Hà Nội. Ảnh chụp màn hình. |
Không để đối thủ lấy thị phần dễ dàng, tại Hà Nội, Grab đã đi trước một bước, với các mức giảm giá sâu.
Đơn vị này cũng tung ra chương trình khuyến mại tặng khách hàng 10 cuốc xe giá chỉ 5.000 đồng/cuốc dưới 8 km. Tuy cao hơn đối thủ 4.000 đồng, mức giá này lại làm cho những khách hàng trung thành của Grab thấy không quá đắt đỏ.
Hơn nữa, một số khách hàng cho biết, với lượng tài xế hùng hậu, sẵn có, Grab có thể đấu lại chương trình “rẻ như cho” của Go-Viet, khi đội ngũ của doanh nghiệp này mới đang thành hình, chưa đông đảo để phục vụ.
Thực tế, 2 ngày đầu Go-Viet ra mắt, người dùng không dễ dàng đặt được cuốc xe 1.000 đồng bởi số lượng hạn chế. "Tôi gọi thử vài lần và đều không thành công. Số lượng tài xế báo trên ứng dụng rất ít và ở xa", anh Quân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Tại Hà Nội, cuộc chiến giành giật tài xế thậm chí còn khốc liệt hơn so với giành giật khách hàng, bởi cả 2 hãng đều hiểu có tài xế thì mới có thể tạo ra doanh thu, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng.
Trong ngày đầu ra mắt 12/9, Go-Viet áp dụng mức doanh thu 45.000 đồng/cuốc xe cho mọi tài xế được kích hoạt tài khoản. Sau ngày đầu tiên, Go-Viet đưa mức doanh thu về 25.000 đồng/cuốc xe giống với tài xế tại TP.HCM. Ngoài ra, đơn vị này còn áp dụng mức thưởng hàng trăm nghìn đồng cho những tài xế có nhiều cuốc trong ngày. Trong 2 tháng đầu tiên, tài xế Go-Viet cũng không phải trả chiết khấu cho hãng.
Grab tung ra mức thưởng hấp dẫn để giữ chân tài xế. |
Anh Nguyễn Bình, một tài xế Go-Viet còn chưa có đồng phục, phải mặc tạm đồng phục của Grab mà trước đây anh từng đầu quân, chia sẻ rằng thu nhập hấp dẫn là một trong những lý do chính khiến anh và nhiều tài xế từng gắn bó với Grab chuyển sang Go-Viet. Anh Bình nhấn mạnh đã từ rất lâu rồi, Grab không còn có thưởng cho tài xế, nếu có cũng là mức rất khó để đáp ứng và nhận thưởng.
Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp của anh Bình lưỡng lự chuyện đầu quân cho Go-Viet bởi Grab đã tung ra nhiều gói thưởng hấp dẫn nhằm giữ chân tài xế GrabBike.
Cụ thể, đơn vị này tung gói thưởng 200.000 đồng/ngày cho tài xế GrabBike kể từ ngày 13/9. Theo đó, các tài xế sẽ được thưởng thêm 30.000 đồng khi hoàn thành 5 chuyến/ngày; 80.000 đồng khi hoàn thành 8 chuyến/ngày; 140.000 đồng khi hoàn thành 12 chuyến/ngày và 200.000 đồng khi hoàn thành 16 chuyến/ngày.
Chị Nguyễn Hà (quận Cầu Giấy) hào hứng với việc Go-Viet xuất hiện như một đối thủ xứng tầm của Grab, kể từ sau khi Uber rút lui, bởi được hưởng khuyến mại nhiều hơn từ 2 hãng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á này.
Anh Đỗ Nam (quận Thanh Xuân) thì bất ngờ với sự giành giật “từng ông xe ôm” một tại Hà Nội của 2 đối thủ lớn. Tuy nhiên, anh Nam nhấn mạnh cần thêm thời gian để nhận định, bởi doanh nghiệp khi mới xâm nhập thị trường thì thường tung ra các chiêu khuyến mại khủng.
“Grab có lợi thế và kinh nghiệm hơn ở Việt Nam, và Go-Viet sẽ phải rất khó khăn, mất rất nhiều tiền để có thể lấy được thị phần. Tuy nhiên, việc duy trì thị phần mới là khó”, anh Nam nói.
|
Go-Viet và Grab cạnh tranh nhau từ tài xế đến khách hàng. Trong ảnh là nhân viên của Go-Viet ra tận lề đường tiếp nhận tài xế Grab chuyển sang đầu quân. |
Đưa ra khuyến mại chỉ 1.000 đồng/cuốc xe, sâu hơn cả mức của Grab tại cùng thời điểm, Go-Viet vẫn luôn khẳng định doanh nghiệp sẽ không đi theo con đường đốt vốn đổi thị trường như Uber và Grab từng làm.
"Sản phẩm và dịch vụ mới cần thời gian để quảng bá, sau giai đoạn này, chúng tôi sẽ giữ chân khách hàng bằng hệ sinh thái đa dạng. Với người tiêu dùng Việt Nam, giá cước là yếu tố rất được quan tâm, tuy nhiên vẫn còn sự tiện ích, tận tâm phục vụ và chất lượng dịch vụ. Đây sẽ những yếu tố tạo khác biệt và gắn kết lâu dài hơn", đại diện Go-Viet nói.
Trong khi đó, đồng sáng lập Grab, bà Tan Hooi Ling, thì nói với báo giới việc bà kỳ vọng về một thị trường sôi động để Grab có thể tự cải thiện bản thân. "Grab muốn có nhiều đối thủ cạnh tranh để có các bài học, nâng cao chất lượng", bà nói.
Cả Go-Viet và Grab đều chia sẻ về tốc độ phát triển vượt kỳ vọng, cho thấy thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam đang bùng nổ trở lại và trở thành sân chơi hấp dẫn các ông lớn nước ngoài.
"Chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng rất lớn so với khu vực, thị trường vẫn còn dư địa cho những hãng mới. Riêng trong ngành kết nối vận tải không có quá nhiều bên tham gia cạnh tranh nên khi Go-Viet gia nhập thị trường, chúng tôi hi vọng có được thị phần tốt để mang lại giá trị cho người dùng Việt Nam", CEO của Go-Viet ông Nguyễn Vũ Đức chia sẻ.
Chắc chắn Go-Viet cũng đang cảm nhận được áp lực cạnh tranh đã khiến Uber hùng mạnh phải bán mình thoái lui. Những ngày vừa qua, nhiều tài xế của Go-Viet đã bắt đầu nhận được tin nhắn "dụ" đầu quân cho Grab với ưu đãi lớn hơn cả mức Go-Viet vừa đưa ra.
Chưa rõ giai đoạn sôi động này của thị trường ứng dụng gọi xe Việt sẽ kéo dài bao lâu, nhưng những cuốc xe 5.000 đồng và 1.000 đồng đang tích cực hơn rất nhiều so với thời điểm Grab "một mình một sân" vài tháng trước đó.
Việc hai hãng cạnh tranh quyết liệt sẽ mang lại lợi ích cho những khách hàng như chị Chi và cho cả những tài xế đối tác của hai hãng, những người vừa có thêm một lựa chọn thay vì gần như chịu cảnh độc quyền dịch vụ từ Grab.