Một điều có thể nhận ra trong suốt sự kiện ra mắt chính thức của Go-Viet tại Hà Nội là thông điệp được lặp đi lặp lại: "Go-Việt là một doanh nghiệp Việt Nam".
Mới thành lập được 6 tháng với vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng, tuy nhiên Go-Viet đang làm được nhiều điều và có được nhiều thuận lợi mà các doanh nghiệp nội cùng ngành không thể: Thách thức vai trò của Grab, khiến đại gia Đông Nam đang thống lĩnh thị trường Việt Nam phải có điều chỉnh chính sách để giữ thị phần. Go-Viet cho biết chỉ sau 6 tuần thử nghiệm tại TP.HCM, doanh nghiệp này đã thống lĩnh 35% thị phần xe ôm công nghệ.
Gia nhập thị trường trong bối cảnh ông lớn gọi xe công nghệ Grab đến từ Malaysia ở vị trí độc tôn, Go-Viet nhấn mạnh yếu tố Việt Nam trong nhận diện của người dùng.
Thông điệp xuyên suốt được quản lý cấp cao của Go-Viet chuyển tải trong buổi ra mắt chiều 12/9: "Chúng tôi là công ty Việt Nam, ứng dụng những công nghệ hàng đầu của thế giới để thay đổi cuộc sống người Việt".
Đại diện cả hai công ty là Go-Viet và Go-Jek đều nhấn mạnh đội ngũ, bao gồm cả quản lý cấp cao và nhân viên "hoàn toàn là người Việt" của Go-Viet. Các vị này cũng cho biết doanh nghiệp chỉ nhận hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn tài chính từ Go-Jek, công ty đến từ Indonesia.
"Việc là ứng dụng độc lập cho phép chúng tôi tùy biến nhanh nhất và tốt nhất các sản phẩm dịch vụ để phù hợp với thị trường Việt Nam", đại diện hãng chia sẻ.
Khác với Grab, Go-Jek chọn Go-Viet là cánh tay nối dài tới thị trường Việt Nam. |
Và vì là doanh nghiệp Việt Nam, theo các quản lý cấp cao của Go-Viet, hãng cần tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Khi được đặt câu hỏi về định hướng hoạt động, về kế hoạch triển khai dịch vụ gọi xe hơi GoCar, về ví điện tử GoPay, câu trả lời của ban lãnh đạo Go-Viet luôn là đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật, tuy nhiên là công ty Việt Nam, Go-Viet vẫn cần hoàn thiện những thủ tục pháp lý tại Việt Nam để triển khai dịch vụ.
Theo CEO của Go-Viet, ông Nguyễn Vũ Đức, Go-Viet là công ty TNHH nhiều thành viên với 100% nhân viên là người Việt Nam. Thành lập tháng 3 năm nay, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 2 tỷ đồng, trụ sở tại TP.HCM.
Dù nhấn mạnh sự khác biệt của yếu tố Việt Nam trong so sánh với đối thủ ngoại Grab, Go-Viet cũng cho thấy rõ ai mới thực là người chủ của doanh nghiệp này.
Về cơ cấu sở hữu, doanh nghiệp này được thành lập với sự có mặt của 1 pháp nhân: Go-Jek và 2 cá nhân người Việt. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp từ chối cung cấp tỷ lệ cụ thể với lý do cam kết bảo mật đã đưa ra với nhà đầu tư.
Riêng về tiền đầu tư, theo lời của CEO Go-Viet, dư luận có thể ước lượng khoản đầu tư của Go-Jek vào Go-Viet khi ông lớn Indonesia đã tuyên bố rót 500 triệu USD vào 4 thị trường mới là Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Hai bên không chia sẻ trực tiếp về tỷ lệ sở hữu của Go-Jek tại Go-Viet, tuy nhiên nếu đem con số trên so với 2 tỷ đồng vốn điều lệ của Go-Viet, có thể thấy ai mới là ông chủ thực sự của ứng dụng áo đỏ.
Và cũng không phải ngẫu nhiên khi hàng loạt tờ báo lớn trong khu vực ngày 12/9 đều chạy dòng tít: "Go-Jek chính thức triển khai dịch vụ tại Việt Nam". Và sự có mặt của Tổng thống Indonesia tại lễ ra mắt cũng không quá khó hiểu.
Ông Nadiem Makarim, CEO của Go-Jek luôn khẳng định Go-Viet là doanh nghiệp Việt và Go-Jek chỉ đứng sau hỗ trợ công nghệ và nguồn lực tài chính. Ảnh: Go-Viet. |
Khi được hỏi liệu Go-Jek có lo lắng về việc Go-Viet sẽ tách rời khỏi Go-Jek hay không, ông Nadiem Makarim, CEO của Go-Jek cho rằng chuyện đó là rất khó xảy ra.
"Chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ bởi hai bên đang cần tận dụng các ưu thế cũng như tối ưu hóa sản phẩm để cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho người dùng Việt Nam. Do đó sẽ không có chuyện Go-Jek và Go-Viet tách rời nhau", ông Makarim nói.
Bên cạnh đó, ông Makarim cũng chia sẻ về việc tại sao không mở rộng theo cách của Grab khi mang thương hiệu và bộ nhận diện tới các thị trường mới.
Suy cho cùng đây vẫn là một công ty Việt Nam, chúng tôi muốn trao quyền tối đa cho nhóm điều hành người Việt, giúp họ có thể tùy biến sản phẩm phù hợp nhất có thể với thị trường Việt Nam", CEO của Go-Jek chia sẻ.
Về lý do lựa chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên mà Go-Jek mở rộng đầu tư, ông Makarim cho hay Việt Nam là quốc gia thích hợp nhất những yếu tố mà Go-Jek đang tìm kiếm.
"Hai nước có nhiều điểm tương đồng như dân số, lượng người sử dụng smartphone, lượng người sử dụng xe máy, thậm chí người Việt Nam còn sử dụng xe máy nhiều hơn Indonesia. Một yếu tố khác cũng được chúng tôi cân nhắc là người dùng Việt Nam rất cởi mở và sẵn sàng sử dụng những sản phẩm mới", theo ông Makarim.
Lãnh đạo của startup trị giá hơn 5 tỷ USD đến từ Indonesia chia sẻ mong muốn trong tương lai, người dùng Go-Jek khi tới Việt Nam có thể sử dụng liên thông được dịch vụ của Go-Viet và ngược lại bởi hiện hai ứng dụng đang hoạt động hoàn toàn độc lập, người dùng Go-Jek và Go-Viet không thể dùng chung ứng dụng khi sang quốc gia còn lại.
Về kế hoạch trở thành một liên doanh, đại diện Go-Jek cho biết hãng đơn thuần vẫn sẽ hỗ trợ Go-Viet về công nghệ và nguồn lực tài chính. "Nếu cần thêm vốn, Go-Viet hoàn toàn có thể tự gọi thêm ngoài nguồn hỗ trợ từ Go-Jek", ông chủ Go-Jek nhận định.
Hai bên cũng thống nhất Go-Jek sẽ hỗ trợ để Go-Viet có thể triển khai toàn bộ 17 dịch vụ mà Go-Jek đang cung ứng tại thị trường Indonesia. Tuy nhiên, “lựa chọn dịch vụ nào sẽ là quyết định của ban lãnh đạo Go-Viet tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường cũng như đảm bảo tính pháp lý tại Việt Nam”.
Theo Zing