Chị Thùy Linh – nhân viên ngân hàng tại TP.HCM nhớ lại, hai năm trước muốn mua quần áo, giày dép của Zara, H&M, Pull & Bear... thường phải xem hàng trên website, rồi đặt qua các đầu mối trên mạng. Tuy nhiên, hơn một năm nay, việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn với chị rất nhiều sau khi các thương hiệu này đều đã có tại Việt Nam.
“Trước đây, tôi mua hàng qua mạng nên nhiều khi đến tay không ưng ý về kiểu dáng, kích thước, màu sắc... Còn bây giờ, khi nào thích, tôi có thể đưa các con ra cửa hàng để trực tiếp thử và mua đồ”, chị Linh cho hay.
Không riêng chị Linh, nhiều tín đồ thời trang Việt khác cũng rất hào hứng khi các “cá mập” ngành thời trang lần lượt đổ bộ vào Hà Nội, TP.HCM. Ngày này hai năm trước – Zara khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam ở TP.HCM, hàng dòng người, đa phần là thanh niên xếp hàng chờ thử đồ, thanh toán. Tròn một năm sau, khung cảnh này cũng được tái diễn khi H&M ra mắt cửa hàng đầu tiên.
Khách hàng chen chân mua sắm trong ngày H&M ra mắt cửa hàng tại Hà Nội năm ngoái. |
Dù gia nhập sau một năm, H&M hiện đã có 4 cửa hàng tại Việt Nam và vừa khai trương thêm 2 cửa hàng ở cả Hà Nội và TP.HCM. Theo báo tài chính 6 tháng (giai đoạn 1/12/2017 – 31/5/2018) của H&M, thị trường Việt Nam đem về cho hãng thời trang Thụy Điển doanh thu 127 triệu SEK, tương đương hơn 325 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ngày, người Việt chi khoảng 1,8 tỷ đồng để mua quần áo thương hiệu này.
“2017 là một năm thật tuyệt vời với H&M tại Việt Nam. Là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, Việt Nam đã mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á”, ông Fredrik Famm - Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á nhận định.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Zara được phân phối bởi tập đoàn Mitra Adiperkasa tại Indonesia. Ngoài ra, năm ngoái, đơn vị này còn đưa vào thị trường Việt Nam thêm 3 thương hiệu thời trang khác gồm Massimo Dutti, Pull & Bear, Stradivarius.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay của Mitra Adiperkasa ghi nhận doanh thu 592,8 tỷ Rupiad, tương đương gần 930 tỷ đồng từ mảng kinh doanh tại Việt Nam, trong số này chủ yếu là doanh thu từ Zara. Do đó, Việt Nam hiện là thị trường nước ngoài lớn nhất của tập đoàn phân phối sản phẩm thời trang của Indonesia.
Không rầm rộ như Zara, H&M, các thương hiệu phân khúc trung bình như GAP, Topshop, Mango... cũng liên tục mở rộng hệ thống. Cuộc cạnh tranh ở phân khúc tầm trung này dự kiến còn nóng hơn thời gian tới bởi Uniqlo – ông lớn thời trang Nhật cũng vừa thông báo sẽ gia nhập thị trường Việt Nam vào năm sau. Đây là một thương hiệu được người Việt khá ưa chuộng. Nhiều đầu mối trong nước “ăn nên làm ra" nhờ nhận xách tay đồ Uniqlo về Việt Nam.
Cũng giống như Zara hay H&M, cửa hàng đầu tiên của Uniqlo sẽ được mở tại TP.HCM. Hiện tại, trên các trang tuyển dụng đang xuất hiện thông tin Uniqlo tuyển vị trí quản lý cửa hàng.
Ông Tadashi Yanai - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty mẹ của Uniqlo cho biết: "Khu vực Đông Nam Á là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với chúng tôi. Uniqlo rất lạc quan về cơ hội trở thành một phần của nền kinh tế và thị trường bán lẻ hấp dẫn này".
Một khảo sát hồi năm ngoái của Niesel cho thấy, người Việt đứng thứ 3 thế giới về mê hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi, nghiên cứu của Statistics Portal – một công ty nghiên cứu thị trường của Đức dự báo, tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) của thời trang Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 là 22,5%. Nhờ mức tăng trưởng này, thị trường có thể đạt doanh thu 988 triệu USD vào năm 2022.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 - 2017, với 12,7% mỗi năm, theo báo cáo mới của hãng nghiên cứu Wealth-X. Tốc độ này chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).
Theo VNE