|
Toàn bộ khu vực Cảng Quy Nhơn nhìn từ trên cao |
Đúng quy trình?
Ông Nguyễn Hữu Phúc, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, cho rằng quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hóa, tổ chức đấu giá công khai… đều được Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, Ban chỉ đạo cổ phần hóa cảng Quy Nhơn và đơn vị tư vấn là Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn thuế (ATC) làm việc công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng quy trình.
Theo ông Phúc, ngày 22.3.2013, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn đã phát hành thư mời tham gia dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp gửi đến một số tổ chức tư vấn định giá được phép cung cấp dịch vụ định giá xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa năm 2013 theo quyết định của Bộ Tài chính. Kết quả có 3 đơn vị nộp hồ sơ.
Sau đó, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn và Hội đồng thanh viên Vinalines quyết định chọn ATC tham gia xác định giá trị Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.
Ngày 17.6.2013, sau 3 lần họp thẩm tra kết quả xác định giá trị doanh nghiệp với ATC, Ban chỉ đạo cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có tờ trình về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn đến thời điểm ngày 31.3.2013 là hơn 513,8 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước nắm giữ là 404 tỉ đồng.
Ngày 25.6.2013, Hội đồng thành viên Vinalines có quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn như tờ trình này.
Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn được đăng công khai trên web công ty và trên các phương tiện đại chúng.
Đến trước ngày tổ chức đấu giá lần đầu (ngày 12.9.2013), Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn không nhận bất cứ thông tin nào từ Vinalines và các cơ quan hữu quan khác cho rằng xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa cảng Quy Nhơn là không phù hợp.
Cần cẩu tại cầu Cảng Quy Nhơn |
Trước khi cổ phần hóa, cảng Quy Nhơn nằm trong hệ thống cảng biển để thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam” đến năm 2020 và tiếp theo. Đây là điểm tiếp nhận hàng hóa đầu mối của các tỉnh Nam Trung bộ, Tây nguyên đến các cửa khẩu của Việt Nam với Lào, Campuchia.
Tháng 9.2014, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt kế hoạch phát triển cảng Quy Nhơn quy mô mở rộng lên gần 120 ha. Năm 2012, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn đạt hơn 5,7 triệu tấn, vượt công suất thiết kế hơn 262%, tổng doanh thu đạt 418 tỉ đồng, lợi nhuận 20.6 tỉ đồng, nộp ngân sách 25 tỉ đồng.
Nhà nước nắm giữ phần vốn tại QNP là hết sức cần thiết Ngày 14.5.2014, với tư cách là Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP), ông Nguyễn Hữu Phúc đã viết và ký văn bản đề nghị Vinalines giữ lại 49% vốn điều lệ tại QNP, không bán hết cho tư nhân. Theo ông Phúc, tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24.12.2009 của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng Quy Nhơn thuộc nhóm cảng biển Nam Trung Bộ được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1). Không chỉ vậy, cảng Quy Nhơn còn là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đáp ứng cho phát triển kinh tế trong khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, là đầu mối giao thương cho khu vực Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Vai trò, vị trí, tầm quan trọng của cảng Quy Nhơn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng và các tỉnh miền Trung - Tây nguyên nói chung là rất quan trọng nên việc nhà nước nắm giữ phần vốn tại QNP là hết sức cần thiết. |
Theo Thanh Niên