|
Tàu vào làm hàng tại cảng Quy Nhơn |
Từ năm 2013 - 2015, sau 3 lần bán đấu giá cổ phần, cảng Quy Nhơn từ một đơn vị do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã trở thành đơn vị do Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (ở TP.Hà Nội) nắm giữ 86,23% vốn điều lệ.
Tổng vốn nhà nước thu hồi trong việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn chỉ 404 tỉ đồng, được cho là quá “bèo” so với giá trị thực tế của cảng này.
Ngoài ra, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn có thể trái với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012 - 2015 do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ban hành ngày 4.2.2013, có quy định doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa nắm giữ 75% vốn điều lệ.
Theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, cảng Quy Nhơn nằm trong diện Nhà nước (Vinalines đại diện phần vốn) phải nắm giữ 75% vốn điều lệ.
Ai bán cảng cho tư nhân?
Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976 do Cục Đường biển (thuộc Bộ GTVT) quản lý. Đến năm 1993, Bộ GTVT quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Cảng Quy Nhơn. Năm 2009, cảng này trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và được đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.
Ngày 4.4.2013, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Thủ tướng, Bộ GTVT và Vinalines cho chủ trương cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo hướng giảm phần vốn nhà nước xuống còn 49% để huy động vốn đầu tư mở rộng cảng Quy Nhơn. Ngày 27.5.2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp tục ký văn bản chấp thuận phương án cho Vinalines chỉ còn nắm giữ 49% vốn điều lệ tại cảng Quy Nhơn.
Trên cơ sở các văn bản nói trên, ngày 22.7.2013, Vinalines có Quyết định số 336/QĐ-HHVN về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP). Theo đó, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 phát hành lần đầu 40.409.950 cổ phần (CP), trong đó nhà nước chiếm 75% vốn điều lệ, người lao động và tổ chức công đoàn 5%, nhà đầu tư chiến lược 10% và phát hành ra bên ngoài 10%.
Giai đoạn 2, nhà nước giảm tỉ lệ CP nắm giữ xuống còn 49%, thực hiện trong khoảng thời gian 2014 - 2015.
Tháng 8.2013, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn đã công bố thông tin bán đấu giá cổ phần cảng Quy Nhơn lần đầu. Theo thông tin được công bố, Hội đồng thành viên Vinalines xác định giá trị thực tế của cảng Quy Nhơn đến ngày 31.3.2013 hơn 513,8 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước nắm giữ là 404 tỉ đồng.
Ban chỉ đạo cổ phần hóa gồm: ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Vinalines làm Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và ông Nguyễn Hữu Phúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.
Tháng 9.2013, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn tổ chức bán đấu giá lần thứ nhất thành công, bán ra 10% vốn điều lệ cho cổ đông tự do (tương đương 4,04 triệu CP với mức giá bình quân 12.792 đồng/CP) và 10% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, 5% vốn điều lệ còn lại được bán cho người lao động và tổ chức công đoàn. Như vậy, đến thời điểm này, Nhà nước còn nắm giữ 75% vốn điều lệ tại cảng Quy Nhơn (tương đương 30.307.462 CP).
Tháng 6.2015, Vinalines tiếp tục chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu CP, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu QNP cho Công ty CP Đầu tư khoáng sản Hợp Thành. Đến tháng 9.2015, Vinalines lại bán toàn bộ phần vốn còn lại trong QNP (19,8 triệu CP với tỉ lệ 49%) cho Công ty Hợp Thành (đợt 3). Như vậy, sau 3 đợt được Vinalines chuyển nhượng cổ phần, Công ty CP Đầu tư khoáng sản Hợp Thành nắm giữ 86,23% vốn điều lệ tại QNP (tổng trị giá 440 tỉ đồng).
Có lợi ích nhóm trong việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn với giá "bèo"?
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, nguyên Tổng giám đốc QNP, trước khi tiến hành bán toàn bộ vốn nhà nước tại QNP cho Công ty Hợp Thành, Vinalines có yêu cầu lấy ý kiến Ban Thường vụ Đảng ủy, người đại diện phần vốn Nhà nước, ban tổng giám đốc và đại diện công đoàn QNP. Trong cuộc họp ngày 13.5.2014 gồm các thành phần nói trên, 100% đại biểu biểu quyết đề nghị nhà nước tiếp tục duy trì tỉ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ tại QNP.
Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Quy Nhơn |
Tháng 8.2016, ông Tô Tử Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, có đơn kiến nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ vấn đề cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Trong đó, ông Thanh yêu cầu làm rõ 3 nội dung chính: Ai chủ trương cổ phần hóa để bán 100% cảng Quy Nhơn cho tư nhân? Ai xác định giá trị tài sản nhà nước nắm giữ tại cảng Quy Nhơn chỉ hơn 400 tỉ đồng? Có lợi ích nhóm, móc ngoặc để biến tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân trong quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn hay không?
Tháng 4.2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa QNP. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra. Đến cuối tháng 7.2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa QNP.
Sáng 20.1, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đề nghị Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành làm sao để cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của Nhà nước.
Bí thư tỉnh ủy Bình Định nói: "Tôi xin thay mặt cho cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Thủ tướng làm sao cho cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của tỉnh, của Nhà nước, không cổ phần hóa gì hết..."
Theo Thanh Niên