“Chúng tôi không cho rằng sẽ có điều chỉnh lớn về tăng trưởng, do tác động tiềm tàng từ thuế nhập khẩu sẽ được bù đắp phần nào bằng các chính sách nới lỏng mà giới chức Trung Quốc áp dụng”, Robin Xing - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Morgan Stanley nhận xét trên CNBC.
Tuần trước, Mỹ và Trung Quốc lần lượt áp thuế nhập khẩu bổ sung lên 16 tỷ USD hàng hóa của nhau. Tháng trước, họ đã thực hiện chính sách tương tự với số hàng hóa trị giá 34 tỷ USD.
Công nhân lắp ráp trong một nhà máy sản xuất hàng điện tử tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Giới quan sát đang theo dõi liệu Mỹ có áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc như dự kiến trong năm nay hay không. Nếu đúng, các tác động từ việc này có thể “bị phóng đại” do chuỗi cung ứng tại Đông Á liên kết chặt với Trung Quốc, Xing dự báo.
Trên thực tế, việc chiến tranh thương mại làm gián đoạn chuỗi cung ứng có thể khiến tăng trưởng của Trung Quốc mất 0,7%. Việc này sẽ thôi thúc Bắc Kinh áp dụng nhiều chính sách nới lỏng, như giảm thuế, tăng tín dụng và thanh khoản trong hệ thống tài chính.
Thuế nhập khẩu của Mỹ có vẻ đã tác động đến kinh tế Trung Quốc. Số liệu sản xuất mới nhất của Trung Quốc cho thấy đơn hàng xuất khẩu tháng 8 đã chậm lại.
Xing dự báo hoạt động kinh tế của Trung Quốc sẽ yếu đi trong tháng 8. Tuy vậy, Bắc Kinh sẽ bù đắp tác động này trong tháng 9 và 10 qua các trái phiếu mới. Đến quý IV, chi tiêu vào cơ sở hạ tầng sẽ xoa dịu tác động từ thuế nhập khẩu của Mỹ.
Dù nhiều người lo ngại về vấn đề nợ của Trung Quốc, Xing cho rằng nới lỏng lúc này là động thái “tự vệ” và không “có quy mô lớn” như lần kích thích gần đây năm 2008 trong khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bắc Kinh cũng có thể không giảm lãi suất hay nới lỏng chính sách bất động sản.
3 thập kỷ qua, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng GDP chóng mặt, chủ yếu nhờ tín dụng. Morgan Stanley dự báo GDP nước này sẽ chỉ tăng 6,4% nửa đầu năm tới, thấp hơn so với 6,8% nửa đầu năm nay.
Theo VNE