Sự thực kinh hoàng đông trùng hạ thảo bán giá trên trời tràn lan trên thị trường

Thứ ba, 04/09/2018, 12:49
Các chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng về sự xuất hiện tràn lan của mặt hàng đông trùng hạ thảo kém chất lượng với giá trên trời; thậm chí, các đối tượng làm giả thường sử dụng bột mì, bột nghiền từ côn trùng trộn với keo, sau đó sử dụng công nghệ đúc thành những con đông trùng hạ thảo giống hệt như thật.

Tại Việt Nam, từ trước đến nay, đông trùng hạ thảo vẫn luôn được coi là vị thuốc quý với nhiều công dụng chữa bệnh, được bán với giá đắt hơn vàng, loại tốt nhất có giá lên tới hàng tỷ đồng/kg.

Công dụng bị tâng bốc thái quá

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đông trùng hạ thảo có những tác dụng nhất định đối với sức khỏe, nhưng hiện vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận, vì sản phẩm này nằm trong danh mục thực phẩm chức năng, chưa được cơ sở khoa học chứng minh công dụng.

Công dụng của đông trùng hạ thảo đang bị thổi phồng lên. (Ảnh minh họa). 

ThS.BS Trần Minh Hiếu – Trưởng phòng Khoa học Bệnh Viện Y học cổ truyền Trung Ương trao đổi trên PVcho biết: “Đông trùng hạ thảo được dùng để bồi bổ cơ thể suy nhược, hỗ trợ sức khỏe, dành cho những người mới ốm dậy, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể”.

Theo BS Hiếu, mặt hàng mà nhiều người vẫn tin là "biệt dược" này về cơ bản chỉ là sản phẩm bồi bổ sức khỏe cơ thể, không có tác dụng chữa bệnh nên không thể gọi là thuốc.

Đông trùng hạ thảo từ lâu đã được dùng trong y học cổ truyền. Vài năm gần đây, mặt hàng này được quảng cáo và bày bán rầm rộ, bị đội giá lên đến cả trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng/kg, nhưng hầu như chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng.

TS.BS Lâm Vĩnh Niên – Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng cho biết thêm, mặc dù đông trùng hạ thảo không thể chữa được các căn bệnh hen suyễn, ung thư hay vô sinh như những lời quảng cáo, nhưng sản phẩm đông y này vốn là một loại nấm phức tạp có nhiều chức năng sinh học với tác dụng chống viêm, chống khối u, điều hòa miễn dịch, chống hoạt tính oxi hóa…

Đa số là hàng giả, hàng kém chất lượng

Các chuyên gia cho biết, hiện tại trên thị trường Việt Nam tồn tại song song hai loại sản phẩm đông trùng hạ thảo thật và giả, rất khó phân biệt.

Theo Vietnamnet.vn, số lượng cơ sở nuôi trồng của loại "biệt dược" này ngày càng tăng lên, tỷ lệ nghịch với chất lượng mặt hàng này trong nước. Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo rất khó, chất lượng cũng thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống đầu vào, môi trường, công nghệ nuôi trồng, bảo quản, thu hoạch, chế biến…

Mặt hàng đông trùng hạ thảo trên thị trường hiện thật giả lẫn lộn

TS Phạm Văn Nhạ – Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện bảo vệ thực phẩm – Bộ NN&PTNT) cho biết, đơn cử như cách chế biến sau khi thu hoạch, “nếu không bảo đảm ở nhiệt độ -50 độ C hoặc cách bảo quản không đúng chỉ cần sau 2 tháng các loại dược chất sẽ mất hết”.

Bên cạnh các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến chất lượng của đông trùng hạ thảo, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận đã sử dụng chất tổng hợp trong quá trình nuôi dưỡng. Không những vậy, vì giá thành cao và lợi nhuận nhiều, mặt hàng này đang được làm giả và bày bán tràn lan trên thị trường.

Các đối tượng làm giả thường sử dụng bột mì, bột nghiền từ côn trùng trộn với keo, sau đó sử dụng công nghệ đúc thành những con đông trùng hạ thảo giống hệt như thật.

Theo TS Phạm Văn Nhạ, đông trùng hạ thảo hiện được làm giả rất tinh vi, người tiêu dùng khó có thể phân biệt bằng mắt thường. Cách để phân biệt mặt hàng này là thật hay giả, theo TS Nhạ, là sử dụng kính hiển vi để kiểm tra cấu trúc phần thảo của sản phẩm: Nếu lát cắt có dạng bó sợi là hàng thật; ngược lại, cấu trúc dạng tinh thể là hàng giả.

Cần kiểm định, công khai chất lượng đông trùng hạ thảo

Trong hội thảo "Thị trường Đông trùng hạ thảo Việt Nam - Minh bạch và Phát triển" gần đây tại Hà Nội, các chuyên gia nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần thường xuyên, chủ động kiểm định chất lượng mặt hàng này, vì việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo khá khó và phải theo một quy trình chặt chẽ.

TS. Phạm Văn Nhạ lấy ví dụ, ban đầu, doanh nghiệp lựa chọn chủng nấm tốt, tuy nhiên trong quá trình nuôi trồng môi trường không phù hợp, hoặc công nghệ nuôi cấy không phù hợp, thì sản phẩm cuối cùng chất lượng dược dưỡng cũng không cao.

TS. Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện bảo vệ thực phẩm – Bộ NN&PTNT).

Doanh nghiệp cần phải hoàn thành tốt tất cả các khâu thì mới mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt.

Để hoạt động quản lý của doanh nghiệp được hiệu quả, đảm bảo, GS Phạm Hưng Củng kiến nghị, có 5 việc cần công khai, minh bạch. Thứ nhất, minh bạch chủng loại nuôi trồng; thứ hai, minh bạch chứng nhận kiểm nghiệm hàm lượng adenosine; thứ ba, minh bạch tên; thứ tư minh bạch công bố sản phẩm theo an toàn thực phẩm đã yêu cầu; thứ năm, minh bạch giá.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích