|
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi mức giảm mạnh của hai cổ phiếu lớn là Facebook và Nike gây áp lực. Nỗi lo về thương mại cũng tiếp tục phủ bóng lên thị trường, dù dữ liệu cho thấy ngành sản xuất của Mỹ tăng tốc trong tháng 8 đã hạn chế đà giảm của ba chỉ số chính.
Theo tin từ Reuters, cổ phiếu Facebook giảm 2,6% sau khi công ty môi giới MoffettNathanson cắt giảm mức đánh giá cổ phiếu công ty mạng xã hội này, với cảnh báo về sự giảm tốc tăng trưởng doanh thu.
Giá cổ phiếu của một số hãng công nghệ lớn khác như Alphabet, Microsoft và Twitter cũng đi xuống, khiến nhóm công nghệ thuộc chỉ số S&P 500 giảm 0,3%.
Cổ phiếu hãng thời trang thể thao Nike giảm 3,2% do công ty này gây tranh cãi khi chọn Colin Keapernick - cầu thủ đầu tiên thuộc giải bóng bầu dục nhà nghề NFL quỳ gối trong lúc chào cờ để phản đối nạn phân biệt chủng tộc - tham gia vào một chiến dịch quảng cáo mới.
Mối lo về thương mại, bao gồm cuộc đàm phán giữa Mỹ và Canada về Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) mới, cũng là một nhân tố kéo thị trường đi xuống phiên này.
"Nỗi lo chiến tranh thương mại vẫn lơ lửng", ông Stephen Massocca, Phó chủ tịch cấp cao thuộc Wedbush Securities ở San Francisco, nhận định. "Việc Mỹ và Canada chưa thể đạt thỏa thuận đã khiến mọi người thấy lo".
Cuộc đàm phán NAFTA giữa Mỹ và Canada dự kiến sẽ được nối lại vào ngày thứ Tư, sau khi hai bên kết thúc đàm phán vào ngày thứ Sáu tuần trước mà không đạt thỏa thuận.
Vào ngày thứ Năm tuần này, thời hạn tham vấn công chúng đối với kế hoạch áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump sẽ kết thúc. Điều này đồng nghĩa với việc ông Trump có thể bắt đầu triển khai kế hoạch, nhưng không rõ ông Trump có tiến hành áp thuế ngay như cảnh báo vào tuần trước hay không.
Cổ phiếu Amazon đi ngược lại tâm trạng bi quan của thị trường, khi tăng tới 1,9% trong phiên này. Nhờ đó, giá trị vốn hóa của hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới có lúc chạm mốc 1.000 tỷ USD, cột mốc mà đến nay mới chỉ có một công ty đại chúng khác của Mỹ là Apple đạt được. Tuy vậy, khi chốt phiên, cổ phiếu Amazon chỉ tăng 1,3%, nên không duy trì được mức vốn hóa "nghìn tỷ đô".
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,05%, còn 25.952,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,17%, còn 2.896,72 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,23%, còn 8.091,25 điểm.
Số liệu của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy hoạt động của ngành chế biến-chế tạo Mỹ tăng tốc lên mức cao nhất trong hơn 14 năm trong tháng 8, nhờ lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.
Cổ phiếu nhà mạng viễn thông Verizon giảm 2,2% sau khi bị Barclays cắt giảm mức đánh giá. Cổ phiếu công ty thương mại điện tử lớn thứ nhì Trung Quốc JD.com giảm 6% sau vụ Giám đốc điều hành (CEO) của công ty này bị bắt và thả ngay sau đó ở Mỹ vì nghi án có hành vi tấn công tình dục.
Trên sàn NYSE, cứ 1,9 mã cổ phiếu giảm giá thì mới có 1 mã tăng trong phiên này. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,42 lần.
Có tổng cộng 6,56 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9, so với mức bình quân 6,11 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Theo VnEconomy