|
Đối với phương Tây, năm 2008 đánh dấu của giai đoạn khó khăn, chìm trong khủng hoảng, suy thoái và hồi phục không đồng đều. Nhưng với riêng Trung Quốc, đấy lại là bước ngoặt cho một thập kỷ tiến bộ nhanh chóng mà ít ai có thể lường trước được.
Khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã vô cùng lo lắng. Mối lo ngại đó càng thêm lớn khi liên tiếp những thảm họa thiên nhiên ập đến, điển hình là trận động đất tại Tứ Xuyên khiến khoảng 70.000 người thiệt mạng.
Lúc đó, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh xấu nhất. Thế vận hội 2008 được tổ chức thành công nhưng thị trường chứng khoán quốc gia này rớt điểm thảm hại.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi kế hoạch dài hạn của họ để điều chỉnh mô hình tăng trưởng cho đất nước, bằng cách tránh xa hàng xuất khẩu và hướng vào tiêu dùng quốc nội. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu càng minh chứng rõ hơn sự hợp lý của mô hình này, vì nó nhấn mạnh những rủi ro khi Trung Quốc phụ thuộc vào nhu cầu nước ngoài.
|
Kinh tế Trung Quốc đã thay đổi đáng kinh ngạc trong thập kỷ qua. |
Và điều đó đã thu được thành quả xứng đáng. Hơn 10 năm qua, số người Trung Quốc gia nhập tầng lớp trung lưu rơi vào khoảng 200 - 300 triệu. Tài sản ròng trung bình cho mỗi cá nhân khoảng 139.000 USD.
Đối với các nhà chức trách Trung Quốc, sự trỗi dậy mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu là cơ hội chiến lược quan trọng. Như Liu He, trợ lý kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình đã chia sẻ vào năm 2013 rằng mục tiêu của Trung Quốc là trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, nhằm thu hút vốn quốc tế.
Sau năm 2008, chiến lược Trung Quốc chuyển hướng sang giảm rủi ro nợ và tăng tổng cầu, đồng thời triển khai các biện pháp kinh tế lớn để khuyến khích tiêu dùng và đầu tư trong nước, giảm phần nào tính dễ tổn thương của nền kinh tế khi xảy ra các biến động mạnh trên thế giới.
Trong sáng kiến Vành đai Con đường, không thể không nhắc đến các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ, điển hình là 30.000 km đường sắt cao tốc phục vụ mục đích tăng cường sự kết nối. Chỉ riêng năm ngoái, mạng lưới đường sắt Trung Quốc đã vận chuyển khoảng 2 tỷ hành khách, tạo điều kiện gắn kết các mối quan hệ kinh tế khu vực, thúc đẩy đô thị hóa và tăng cường tiêu thụ đáng kể.
Nhờ vào những nỗ lực như thế cùng các cuộc sáp nhập, mua lại để sở hữu được các nền tảng công nghệ quan trọng, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sinh lợi vào các nền kinh tế phát triển, nền kinh tế Trung Quốc tăng gấp 3 lần từ 2008 đến 2018. GDP đạt 90 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 13,6 nghìn tỷ USD).
Tuy nhiên, những khó khăn đang dần hiện hữu. Giá đất, nhà ở tăng vọt. Bất động sản đô thị leo thang nhanh chóng khiến nhiều người quan ngại về rủi ro bong bóng. Tăng trưởng tín dụng càng củng cố thêm nỗi lo đó.
Không những thế, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã không lên kế hoạch với một điểm mấu chốt trong mô hình tăng trưởng này: những ngành công nghiệp tiêu dùng thúc đẩy kinh tế đất nước ngày nay gần như đã không tồn tại trong năm 2008.
Trung Quốc hiện là cường quốc hàng đầu về thương mại điện tử và thanh toán di động. Năm 2018, thanh toán di động ở quốc gia này đạt 24 nghìn tỷ USD, gấp đến 160 lần so với Mỹ. Giá trị các ngân hàng nhà nước hay các công ty hóa dầu Trung Quốc đã bị 2 gã khổng lồ Alibaba và Tencent vượt qua.
Mặc dù là nước sử dụng lao động lớn nhất thế giới, nhưng hiệu suất của lĩnh vực sản xuất, vốn là động cơ chính của sự phát triển, lại đang dần suy yếu. Đây là sự đánh đổi cơ bản trong việc thay đổi thành phần trong cấu trúc nền kinh tế.
Nhiều nhà kinh tế gần đây đã chỉ ra những lỗ hổng trong báo cáo về tăng trưởng của Trung Quốc. Đơn cử, Viện nghiên cứu Brookings ước tính nền kinh tế quốc gia này nhỏ hơn 12% so với số liệu được công bố.
Tuy vậy, không thể phủ định những thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ qua là rất lớn và chưa từng có tiền lệ.
Theo Zing