Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện 5 bậc: Ai được lợi?

Thứ tư, 04/03/2020, 14:36
Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến sửa đổi, sắp xếp lại biểu giá điện bậc thang mới với kiến nghị rút từ 6 xuống còn 5 bậc.

Gần 500 nghìn hộ sử dụng điện trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả tiền điện giá cao hơn. Ảnh: Như Ý

Theo tính toán, đây là phương án tối ưu trong bối cảnh hiện nay và sẽ có khoảng 500.000 hộ dân (tương ứng 2% các hộ sử dụng) dùng trên 700 số điện/tháng sẽ chịu mức giá điện tăng cao, hơn 98% hộ còn lại cả nước sẽ không bị ảnh hưởng, thậm chí được giảm tiền điện .

Dùng nhiều điện phải trả nhiều tiền

Bộ Công Thương vừa có văn bản xin ý kiến rộng rãi tới 155 đơn vị bao gồm các UBND tỉnh, các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với 5 bậc giá nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hướng tới sự công bằng trong xã hội theo cơ chế càng dùng nhiều điện sẽ phải trả càng nhiều tiền.

Theo đó, Bộ Công Thương đưa 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc. Với phương án chỉ có một bậc giá điện 1.897 đồng/kWh, có khoảng 6,7 triệu hộ sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên được giảm tiền điện từ 8.000 đồng đến 330.000 đồng/hộ/tháng.

Với hộ sử dụng từ 0 - 200 kWh/tháng, khoảng 18,6 triệu hộ và được coi là những hộ có mức thu nhập thấp, tiền điện trả tăng từ 17.000 đến 36.000 đồng/hộ/tháng. Trường hợp nếu chọn phương án này, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội sẽ tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Với phương án 2, cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt gồm 3 bậc (thay vì 6 bậc như hiện hành). Cụ thể, giá điện bậc 1 chia từ 0 - 100 kWh; bậc 2 từ 101 - 400 kWh; bậc 3 từ 401 kWh trở lên. Theo phương án này, khoảng 3,1 triệu hộ có mức sử dụng điện từ 301 kWh/tháng trở lên, tiền điện sẽ phải trả giảm từ 45.000 đến 62.000 đồng/hộ/tháng. Khoảng 22,3 triệu hộ sử dụng từ 0 - 300 kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng từ 4.000 đến 30.000 đồng/hộ/tháng. Tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội cũng tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Với phương án 3, cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt sẽ rút gọn xuống còn 4 bậc thang. Cụ thể, giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh; bậc 2 từ 101 - 300 kWh; bậc 3 từ 301 - 600 kWh; bậc 4 từ 601 kWh trở lên.

Theo phương án này, khoảng 10,3 triệu hộ có mức sử dụng điện từ 51-100, 201-300 và 301-400 kWh/tháng, tiền điện phải trả được giảm từ 267 đồng đến 32.000 đồng/hộ/tháng. Trong khi đó, khoảng 15,3 triệu hộ sử dụng từ 401 kWh/tháng trở lên sẽ phải trả tiền điện tăng từ 1.000 đồng đến 105.000 đồng/hộ/tháng. Phương án này, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Phương án 4 bao gồm 5 bậc giá. Với phương án này, cơ quan soạn thảo đưa ra hai kịch bản. Kịch bản 1, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang. Trong đó giá điện bậc 1 từ 0-100 kWh được giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành. Bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên. Theo tính toán, với phương án này, có khoảng 0,5 triệu hộ (chiếm 1,8% tống số hộ) có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên sẽ phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng.

Còn theo kịch bản 2 của phương án này, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi. Tuy nhiên, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 200 - 300 kWh/tháng và từ 701 kWh/tháng trở lên phải trả tăng thêm khoảng từ 6.000 - 14.000 đồng/hộ/tháng.

Không tăng giá điện mà điều tiết?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, trên thế giới áp dụng giá điện theo bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân. Theo đó, hộ sử dụng điện càng nhiều, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng thì sẽ phải chịu mức giá điện cao hơn khi đạt đến ngưỡng nào đó. Cụ thể, theo bảng giá điện sinh hoạt các nước Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Lào, tỉ lệ giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất so với bậc thấp nhất tăng khoảng từ 1,65 - 3 lần.

Theo ông Tuấn, Bộ Công Thương kiến nghị lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1 do có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý, đảm bảo toàn bộ số hộ sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới. Trong khi, nếu lựa chọn các phương án 1 bậc, 3 bậc hay 4 bậc thì chi phí sử dụng điện của khách hàng dùng dưới 300 kWh phải trả cao hơn. Điều này tạo gánh nặng cho khoảng 21 triệu hộ khách hàng sử dụng điện dưới 300 kWh sẽ phải trả tiền điện cao hơn.

Cũng theo Cục trưởng Điều tiết điện lực, việc giảm từ 6 bậc như hiện nay xuống còn 5 bậc cũng hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng: giảm biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc như đề xuất của Bộ Công Thương không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Theo ông Ngãi, một hộ dân “xài” 50 kWh/tháng thì số tiền phải trả cho bậc thang cũ là 77.450 đồng. Khi áp vào bậc thang mới, giá tiền vẫn vậy. Thậm chí số tiền điện đối với khách hàng xài từ 51 - 100 kWh/tháng còn giảm đi (giảm từ 157.450 đồng xuống còn 154.900 đồng/hộ/tháng). Còn với người dân “xài” kịch khung lên đến 700 kWh/tháng, số tiền phải trả cũng sẽ giảm đi chứ không tăng. Riêng với hộ sử dụng từ 701 kWh/tháng trở lên, số tiền chênh lệch cũng sẽ không quá cao và người dân có mức lương trung bình hoặc khá thì có thể chịu được (?!).

Theo Tiền phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích