Cụ thể, cách đây năm năm, ngày 8-2-2015, VEC – Chủ đầu tư đường cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây đã chính thức đưa toàn tuyến cao tốc dài 55km vào vận hành.
Theo VEC, sau năm năm vận hành, tuyến cao tốc này đã phục vụ an toàn 76 triệu lượt phương tiện, với mức tăng trưởng lưu lượng bình quân 10%/năm. Hiện tại, mỗi ngày đêm có 42.000 – 45.000 lượt phương tiện lưu thông qua cao tốc.
Riêng trong năm 2019, cao tốc đưa đón 16,5 triệu lượt phương tiện, tăng hơn năm trước 12% về lượng. Hai tháng đầu năm nay, có 2,76 triệu lượt phương tiện sử dụng cao tốc này để đi lại, tăng 6% so cùng kỳ 2019.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây
Tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây mở ra đã giúp kết nối giao thông, kinh tế các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, TP.HCM và Tây Nguyên; rút ngắn cự ly và thời gian đi lại giữa TP.HCM và Dầu Giây (Đồng Nai) từ 3 giờ xuống còn 1 giờ, từ TP.HCM đi Phan Thiết chỉ còn 3 giờ thay vì 5 giờ như trước đây, hay từ TP.HCM đi Vũng Tàu chỉ còn 1,5 giờ, nhanh hơn trước đây 1 giờ.
Đặc biệt, kể từ tháng 2-2015 (thời điểm thông xe toàn tuyến), các phương tiện từ TP.HCM đi ngã ba Dầu Giây rút ngắn được 20km và thời gian chỉ còn 1 giờ, giảm hơn 2 giờ so với đi theo lộ trình cũ.
Cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây là một thành phần trong hệ thống cao tốc Bắc-Nam phía Đông, là “gạch nối” gắn kết với các tuyến cao tốc TP.HCM- Trung Lương, Dầu Giây- Liên Khương, Dầu Giây- Phan Thiết, Biên Hòa- Vũng Tàu, Bến Lức- Long Thành, góp phần từng bước hình thành nên mạng lưới đường cao tốc cho khu vực theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Đánh giá về lợi ích do tuyến đường này mang lại, ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng cao tốc TP.HCM- Long Thành - Dầu Giây là công trình giao thông rất ý nghĩa và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao... Đây là một phương án quy hoạch giao thông đúng đắn.
Theo PLO