|
Tăng mạnh nhất khu vực là cổ phiếu tại Nhật Bản với Nikkei 225 tăng 2,7%. Hôm nay, ngân hàng trung ương Nhật Bản quyết định mua trái phiếu chính phủ không giới hạn, đồng thời tăng mua gấp 3 lần số lượng trái phiếu công ty và thương phiếu để hỗ trợ thanh khoản cho các tập đoàn lớn. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng đề nghị tăng ngân sách hỗ trợ kinh tế lên 25.690 tỷ yên (khoảng 240 tỷ USD). Kospi của Hàn Quốc tăng 1,8%.
Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,2% và 0,06%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,9%.
Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 1,4%, SET 50 của Thái Lan tăng 0,6%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,4% và KLCI của Malaysia tăng 0,02%. Ngoài ra, ASX 200 của Australia tăng 1,5% nhưng NZX 50 của New Zealand giảm 0,2%.
Ngoài Nhật Bản, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng sẽ họp chính sách vào cuối tuần này. Giới đầu tư đều kỳ vọng các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa.
“Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể không điều chỉnh gói nới lỏng định lượng hoặc lãi suất nữa nhưng họ được cho là sẽ nhấn mạnh các chính sách kích thích sẽ được áp dụng vô thời hạn để hỗ trợ kinh tế. Với ECB, các nhà hoạch định chính sách có thể tăng quy mô chương trình mua trái phiếu khẩn cấp thêm khoảng 500 tỷ euro lên 1.250 tỷ euro, đồng thời xúc tiến gói kích thích tài chính lớn”.
Tuần này, giới đầu tư cũng sẽ chờ đợi báo cáo GDP quý I của Mỹ và Liên minh châu Âu sau khi kinh tế Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau 28 năm và kinh tế Hàn Quốc giảm mạnh nhất 12 năm trong 3 tháng đầu năm nay.
Về tình hình kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp, có khoảng 173 doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 sẽ công bố báo cáo tài chính quý I trong tuần này, như Apple, Amazon, Facebook, Microsoft. Giới chuyên gia dự báo lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 sẽ giảm 15%, trong đó các doanh nghiệp năng lượng ghi nhận mức giảm hơn 60%.
Theo Người đồng hành